Khi 'nông hiệu' thành 'thương hiệu'

PTĐT - Những năm gần đây, cây ăn quả có múi đang khẳng định vị thế, trở thành cây trồng mũi nhọn trong phát triển hàng hóa, góp phần vào mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với thực hiện xây dựng nông thôn mới của Phú Thọ, từng bước đưa 'nông hiệu' thành 'thương hiệu'.

Tháng 12 năm 2015, HĐND tỉnh khóa XVII ban hành Nghị quyết số 12 về Quy hoạch phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết hướng tới xây dựng nền nông nghiệp xanh, bền vững, ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Trong đó riêng phần trồng trọt, nghị quyết nhấn mạnh đến việc phát triển cây ăn quả có múi mà cây bưởi giữ vai trò chủ đạo. Phấn đấu đến năm 2020, diện tích bưởi Đoan Hùng đạt 1.500 ha, bưởi Diễn 3.500 ha; bố trí trồng tại vùng đồi thấp có độ dốc

Các gia đình trồng bưởi đặc sản tại Đoan Hùng thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc.

Các gia đình trồng bưởi đặc sản tại Đoan Hùng thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc.

Sau 4 năm, Đoan Hùng được coi là “linh hồn” của Nghị quyết khi thành công đưa cây bưởi thành “cây vàng” trong lĩnh vực trồng trọt. Trong 3 năm gần đây huyện đã ban hành 2 Nghị quyết, 3 kế hoạch nhằm phát triển cây bưởi, trong đó Ban Thường vụ Huyện ủy đã cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 03/NQ-HU về tăng cường sự lãnh đạo thực hiện chương trình phát triển cây bưởi đặc sản Đoan Hùng đến năm 2020. Cầm trên tay trái bưởi Đoan Hùng, nhiều người nhớ đến “ngư lôi bưởi” góp phần làm nên Chiến thắng Sông Lô ghi danh vào trang sử vàng chống thực dân Pháp của quân và dân Phú Thọ năm 1947. Sau 72 năm, cây bưởi vẫn bền bỉ hấp thu tinh hoa của trời đất để tạo nên những “quả vàng” góp phần đưa huyện Đoan Hùng vươn lên xếp thứ hai toàn tỉnh về thu ngân sách trên địa bàn. Bưởi Sửu xã Chí Đám là loại đặc sản của Đoan Hùng và duy nhất nơi đây trồng được giống bưởi này. Hiện tại, mỗi quả bưởi Sửu có giá bán từ 50- 60 nghìn đồng/quả, vào dịp Tết Nguyên đán lên tới 100.000đ đối với những quả bưởi to, vỏ vàng đẹp. Nhờ cây bưởi, những năm gần đây, nhiều gia đình ở Chí Đám đã giàu lên điển hình như hộ ông Nguyễn Minh Mạch và Nguyễn Văn Hoạch ở thôn Chí 2. Ông Phạm Quang Trung - Phó Chủ tịch UBND xã Chí Đám cho biết, tổng diện tích bưởi Sửu toàn xã còn 90ha với khoảng 2.700 gốc nhưng hiện chỉ có 40ha đang cho thu hoạch. Năng suất trung bình đạt từ 200- 300 quả/cây/năm. Bưởi Sửu Chí Đám chưa bao giờ mất giá. Mỗi năm, 1ha bưởi cho thu nhập khoảng 600 triệu đồng. Cây bưởi góp công lớn trong việc đưa xã Chí Đám về đích nông thôn mới đầu tiên của huyện Đoan Hùng!

Không chỉ phát triển bưởi đặc sản Đoan Hùng, thực hiện Nghị quyết, bưởi Diễn cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao tại các huyện Thanh Sơn, Thanh Thủy, Yên Lập, Phù Ninh… Sau Đoan Hùng, nhiều huyện có diện tích bưởi Diễn lớn như Thanh Sơn có gần 500ha, Phù Ninh 142ha, Thanh Thủy hơn 130ha, Yên Lập gần 200ha. Bước đầu đã hình thành được những vùng chuyên canh, trồng bưởi tập trung tại các huyện này.
Tại xã Tân Lập, huyện Thanh Sơn hiện có trên 80 ha trồng bưởi Diễn, xã có 1.217 hộ thì có trên 220 hộ trồng bưởi, hộ ít thì vài cây, hộ nhiều cũng từ 100 cây trở lên. Bình quân mỗi cây bưởi cho thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng/năm. Những hộ nhận thấy sau khi trồng nhiều loại cây không hiệu quả đã cải tạo vườn để tập trung trồng bưởi, thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng/năm. Ông Nguyễn Hữu Thông ở khu Chầm 1, xã Tân Lập khẳng định cây bưởi Diễn phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây. Sau khi được Hội Nông dân xã cho thăm quan mô hình trồng cây có múi tại huyện Cao Phong (Hòa Bình), ông Thông đã mạnh dạn đầu tư hơn 500 cây giống bưởi Diễn từ Hà Nội trồng trên diện tích đất của gia đình. Thời gian đầu cây bưởi đã cho hiệu quả kinh tế, vì vậy từ diện tích ban đầu, ông Thông đã mở rộng lên 4ha bưởi Diễn, đến nay mỗi năm thu lãi vài trăm triệu đồng.

Tuy nhiên, qua đánh giá của ngành Nông nghiệp thì công tác phát triển sản xuất cây ăn quả có múi vẫn còn một số tồn tại: Một số huyện chưa xác định được vùng sản xuất hàng hóa để tập trung chỉ đạo; công tác quản lý nhà nước về chất lượng cây giống và tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế, nhất là quản lý kinh doanh bưởi đặc sản Đoan Hùng. Tình trạng trà trộn, giả danh bưởi đặc sản Đoan Hùng để nâng giá bán làm mất uy tín của cây bưởi đặc sản. Dễ nhận thấy nhất là mùa bưởi 2016, bưởi Xuân Vân của tỉnh Tuyên Quang có màu vàng bóng, quả đều, mẫu mã đẹp được các đại lý bán lẻ treo biển bưởi đặc sản Đoan Hùng. Không chỉ thương lái, người kinh doanh ở các địa phương khác cũng trà trộn và lấy nhãn mác bưởi Đoan Hùng để kinh doanh, ngay các đại lý trên địa bàn huyện cũng có tình trạng này. Việc trà trộn bưởi Xuân Vân, Đại Minh làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu mà người trồng bưởi nói riêng và huyện Đoan Hùng nói chung đã dày công gây dựng. Một thực trạng khác được đặt ra là việc phát triển sản xuất - tiêu thụ theo chuỗi còn ít và chậm, chủ yếu qua thương lái và thiếu các hợp đồng chặt chẽ. Hiện nay các HTX cây ăn quả hoạt động hạn chế, phát triển bưởi và cây có múi theo hướng trang trại chưa nhiều; việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến bưởi và xây dựng thương hiệu, quản lý thương hiệu bưởi đặc sản còn chưa xứng với tiềm năng. Một số địa phương có tình trạng hộ gia đình trồng bưởi tự phát dẫn tới diện tích trồng mới manh mún, chưa thành những vùng tập trung, kỹ thuật canh tác, chăm sóc của nông dân thiếu bài bản dẫn tới chất lượng quả chưa đồng đều.

Nhóm PV Điện tử

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/201910/khi-nong-hieu-thanh-thuong-hieu-167139