Khi Palestine trở thành thước đo cho trách nhiệm toàn cầu
Hội nghị quốc tế nhằm thúc đẩy giải pháp hai nhà nước Israel và Palestine, dự kiến diễn ra trong hai ngày 28-29/7 tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở New York, được kỳ vọng sẽ mang lại bước ngoặt thực chất trong nỗ lực thúc đẩy giải pháp hai nhà nước giữa Israel và Palestine. Tuy nhiên, mức độ kỳ vọng không đồng nghĩa với khả năng thành công, đặc biệt trong bối cảnh sự kiện lần này bị bao phủ bởi những hoài nghi về tính cam kết, tính hiệu quả và cả sự hiện diện của các bên tham dự
Được Pháp và Saudi Arabia đồng chủ trì, hội nghị đã từng được ấn định vào tháng 6/2025, nhưng bị hoãn lại sau các biến động lớn tại Trung Đông, đặc biệt là vụ Israel không kích mục tiêu tại Iran. Việc hội nghị được nối lại vào cuối tháng 7, theo giới quan sát, mang nhiều ý nghĩa biểu tượng hơn là thực chất, khi quy mô đại diện các nước bị thu hẹp đáng kể, chủ yếu chỉ dừng ở cấp bộ trưởng ngoại giao thay vì nguyên thủ như kế hoạch ban đầu.
Mặc dù vậy, không thể phủ nhận rằng bản thân việc các nước còn ngồi lại để bàn về giải pháp hòa bình cho Palestine vẫn là một điểm sáng cần được gìn giữ. Trong bối cảnh giao tranh tại Gaza vẫn âm ỉ, hàng chục nghìn người thiệt mạng và hệ thống viện trợ quốc tế rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng, việc đặt lại các nguyên tắc cơ bản của giải pháp hai nhà nước đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Theo chương trình nghị sự, hội nghị sẽ tập trung vào 4 nhóm vấn đề lớn: Thúc đẩy công nhận nhà nước Palestine, giải giáp các nhóm vũ trang không thuộc kiểm soát của Chính quyền Palestine, cải cách thể chế hành chính tại Bờ Tây, và xây dựng lộ trình tái thiết hậu xung đột tại Gaza. Đây là những nội dung từng nhiều lần được nêu ra trong các cuộc gặp trước đây, nhưng lần này có phần rõ ràng hơn, gắn với những điều kiện cụ thể về mặt thực thi.

Khung cảnh đổ nát do chiến sự tại dải Gaza. Ảnh: Tân Hoa Xã
Đáng chú ý, hội nghị diễn ra trong bối cảnh dư luận quốc tế ngày càng mất kiên nhẫn trước tiến độ của tiến trình hòa bình, đồng thời đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về trách nhiệm của các cường quốc. Trong đó, vai trò của Pháp được đánh giá là tương đối chủ động, khi Tổng thống Emmanuel Macron từng kêu gọi các nước châu Âu công nhận nhà nước Palestine như một biện pháp cân bằng ngoại giao. Tuy nhiên, bản thân Pháp vẫn chưa đưa ra quyết định công nhận chính thức và khả năng ông Emmanuel Macron không tham dự hội nghị càng khiến kỳ vọng về sự dẫn dắt trở nên mơ hồ hơn. Trong khi đó, đồng minh chủ chốt của Israel là Mỹ lại bày tỏ thái độ dè dặt.
Washington không phản đối công khai hội nghị, nhưng giới chức Mỹ nhiều lần cảnh báo các nước không nên có “những động thái đơn phương” gây tổn hại tới tiến trình đàm phán. Một số nguồn tin ngoại giao cho biết Mỹ đã khuyên các đối tác thân cận không nên cử đại diện cấp cao tới hội nghị, lo ngại sẽ tạo ra hình ảnh chia rẽ trong nội bộ phương Tây.
Về phía Israel, phản ứng có phần quyết liệt hơn. Bộ Ngoại giao Israel đã ra tuyên bố cho rằng việc công nhận nhà nước Palestine vào thời điểm hiện nay chẳng khác nào trao thưởng cho bạo lực, khi Phong trào Hồi giáo Hamas vẫn duy trì ảnh hưởng tại Gaza. Tel Aviv lo ngại rằng hội nghị sẽ hợp thức hóa các nhóm vũ trang không do họ kiểm soát, đồng thời làm suy yếu vị thế chiến lược của Israel tại khu vực. Palestine, ngược lại, coi đây là một cơ hội hiếm hoi để tái khẳng định vị thế hợp pháp trên trường quốc tế.
Tổng thống Mahmoud Abbas đã bày tỏ hy vọng rằng hội nghị lần này sẽ là “cột mốc khởi đầu” cho quá trình xây dựng lại chính quyền dân sự tại Gaza, hướng tới thống nhất hai miền Bờ Tây và Dải Gaza. Ông cũng cam kết sẽ hợp tác với cộng đồng quốc tế để tiến hành cải cách thể chế, một trong những yêu cầu then chốt được nêu trong hội nghị. Tuy nhiên, triển vọng thành công của hội nghị vẫn phụ thuộc lớn vào ba yếu tố: Mức độ tham gia của các quốc gia có ảnh hưởng, khả năng đạt được đồng thuận về các bước đi cụ thể, và cam kết theo đuổi tiến trình sau hội nghị. Việc thiếu vắng các nhà lãnh đạo cấp nguyên thủ, dù vì lý do chính trị hay lịch trình, chắc chắn sẽ làm giảm sức nặng của hội nghị trong mắt truyền thông và công luận quốc tế. Đây là điểm mà các tổ chức phi chính phủ, các nhà hoạt động vì hòa bình và cả LHQ đều tỏ ra lo ngại.
Một khía cạnh khác cần được nhìn nhận là tình trạng nhân đạo đang xấu đi nghiêm trọng tại Gaza. Theo các cơ quan cứu trợ, số người tử vong do xung đột, thiếu nước sạch, lương thực và thuốc men đã lên tới hàng chục nghìn. Hệ thống y tế sụp đổ, Cơ quan LHQ về cứu trợ và việc làm dành cho người tị nạn Palestine ở Cận Đông (UNRWA) đối mặt với thiếu hụt ngân sách nghiêm trọng, ước tính lên tới hơn 200 triệu USD.
Trong bối cảnh đó, việc tái thiết không thể chỉ là một khẩu hiệu, mà đòi hỏi cam kết tài chính rõ ràng, phân bổ công bằng và giám sát minh bạch. Nhiều nhà quan sát cho rằng, điều cấp thiết không phải là thêm một nghị quyết hay tuyên bố chính trị, mà là xác lập một cơ chế giám sát quốc tế, có thể dưới hình thức một lực lượng gìn giữ hòa bình được triển khai bởi LHQ. Cơ chế này sẽ đảm bảo an toàn cho dân thường, đồng thời tạo điều kiện cho các chương trình viện trợ, tái thiết được triển khai một cách bền vững, tránh rơi vào vòng xoáy xung đột - viện trợ - sụp đổ như đã từng xảy ra.
Trong bối cảnh đó, vai trò của các nước đang phát triển, đặc biệt là ASEAN, cũng nên được đề cao. Việt Nam - với tư cách là quốc gia có kinh nghiệm trong các hoạt động gìn giữ hòa bình, từng đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ - hoàn toàn có thể tham gia vào tiến trình này với tư cách quan sát viên, trung gian hoặc đối tác hỗ trợ nhân đạo. Sự trung lập, kinh nghiệm và quan điểm nhất quán về việc giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình của Việt Nam sẽ là giá trị bổ sung cần thiết.
Trong những năm qua, lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam đã tham gia hiệu quả tại nhiều điểm nóng quốc tế như Nam Sudan hay Cộng hòa Trung Phi, với hình ảnh người lính mũ nồi xanh tận tụy, kỷ luật và nhân văn. Đây chính là nền tảng để Việt Nam có thể đóng góp thiết thực, nếu được mời tham gia vào bất kỳ cơ chế giám sát, triển khai nhân đạo hay cố vấn hậu xung đột nào mà hội nghị lần này đề xuất.
Bên cạnh vai trò an ninh, Việt Nam cũng có thể góp phần thúc đẩy hợp tác phát triển thông qua chia sẻ kinh nghiệm tái thiết sau chiến tranh, cải cách thể chế, và xây dựng chính sách phúc lợi xã hội. Với kinh nghiệm từng vượt qua hậu quả chiến tranh kéo dài, Việt Nam hiểu rõ giá trị của hòa bình và sự cần thiết của một chính quyền thống nhất, hiệu quả để khôi phục lòng tin xã hội và tạo dựng tương lai ổn định. Từ đó, Việt Nam có thể tham gia các diễn đàn phụ trợ, thúc đẩy hợp tác Nam - Nam, hoặc phối hợp cùng các tổ chức khu vực như ASEAN để vận động tài trợ, hỗ trợ kỹ thuật cho tiến trình tái thiết tại Palestine.
Ngoài ra, việc Việt Nam duy trì quan hệ cân bằng với cả Israel và Palestine trong nhiều năm qua cũng là một lợi thế trong việc xây dựng các sáng kiến mang tính dung hòa, khuyến khích đối thoại và giảm thiểu đối đầu.
Ở cấp độ chiến lược, hội nghị lần này không chỉ là phép thử cho tiến trình hòa bình Israel - Palestine, mà còn là bài toán cho toàn bộ cấu trúc an ninh Trung Đông. Nếu hội nghị thất bại, hoặc không đưa ra được cam kết thực chất, điều đó sẽ làm suy yếu niềm tin vào các cơ chế đa phương, đồng thời tiếp tục khoét sâu hố ngăn cách giữa các cường quốc. Nhưng nếu thành công, dù là một bước nhỏ, đó sẽ là tiền đề cho các nỗ lực ngoại giao tiếp theo, từ cải cách thể chế tới khôi phục lòng tin giữa các bên xung đột.
Rốt cuộc, vấn đề Palestine không thể được giải quyết chỉ bằng những tuyên bố chính trị hay các cuộc họp cấp cao thiếu cam kết thực thi. Điều cần thiết lúc này là các bước đi cụ thể, khả thi và được hỗ trợ bằng ý chí chính trị đủ mạnh. Dù hội nghị New York có thể không phải là bước ngoặt lớn, nhưng đó có thể là một bước đầu cần thiết, miễn là cộng đồng quốc tế không buông tay một lần nữa.