Khi phương thức giám sát quan trọng được 'làm mới' - Bài 3: Để hoạt động giải trình hiệu quả hơn nữa

Hiệu quả đã được chứng minh, song ngoài việc là phương thức giám sát độc lập, hoạt động giải trình cần được tổ chức linh hoạt hơn, để không chỉ góp phần nâng cao chất lượng giám sát, mà còn đóng góp cho cả hoạt động lập pháp của Quốc hội.

Giám sát là một trong những chức năng quan trọng của Quốc hội, là phương thức kiểm soát quyền lực có tính nền tảng trong cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước ở Việt Nam. Chọn trúng vấn đề cử tri quan tâm, làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan, tạo chuyển biến tích cực trong việc giải quyết kịp thời những bức xúc xã hội, hoạt động giải trình tại các cơ quan của Quốc hội sẽ góp phần đáng kể nâng cao chất lượng giám sát của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.

Các cơ quan của Quốc hội đã thực hiện trên 30 phiên giải trình, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong ảnh: Phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức

Các cơ quan của Quốc hội đã thực hiện trên 30 phiên giải trình, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong ảnh: Phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức

Bài 3: Để hoạt động giải trình hiệu quả hơn nữa

Hiệu quả đã được chứng minh, song ngoài việc là phương thức giám sát độc lập, hoạt động giải trình cần được tổ chức linh hoạt hơn, để không chỉ góp phần nâng cao chất lượng giám sát, mà còn đóng góp cho cả hoạt động lập pháp của Quốc hội.

Đã có tác động rất lớn

Với sức lan tỏa rộng, tạo hiệu ứng rất tốt trong xã hội, phiên giải trình về trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đã đánh đấu bước tiến mới trong phương thức giám sát này.

Theo thông tin từ Tổng thư ký Quốc hội, từ Quốc hội khóa XIV đến nay, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã thực hiện được trên 30 phiên giải trình và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các phiên giải trình đã góp phần làm rõ nhiều vấn đề bất cập, bức xúc được cử tri và xã hội quan tâm, tạo chuyển biến tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, các bộ, ngành trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Từ đó, các phiên giải trình góp phần nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, quản lý nhà nước, bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, giải quyết kịp thời những bức xúc trong xã hội, đáp ứng kịp thời nguyện vọng của cử tri và Nhân dân.

Có những phiên giải trình, ngay sau khi ban hành kế hoạch tổ chức, đã có những chuyển biến tích cực, như đối với phiên giải trình “Việc thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đến hết niên độ ngân sách nhà nước năm 2021” được Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tổ chức vào tháng 9/2023.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đánh giá, thông qua phiên giải trình trên, Kiểm toán Nhà nước và các các bộ, ngành, địa phương lần đầu tiên tổ chức rà soát tổng thể các kết luận, kiến nghị kiểm toán đến hết niên độ ngân sách nhà nước năm 2021 chưa thực hiện. Ngay sau khi kế hoạch tổ chức phiên giải trình được ban hành, các bộ, ngành, địa phương đã đẩy mạnh và hoàn thành nhiều kết luận, kiến nghị kiểm toán, trong đó nhiều kiến nghị tồn tại kéo dài nhiều năm về sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật, xử lý tài chính, xử lý khác đã được tập trung xử lý và thu nộp về ngân sách nhà nước số tiền khá lớn.

Theo đó, con số ấn tượng là từ ngày 1/4/2023 đến 31/8/2023, số kết luận, kiến nghị kiểm toán về xử lý tài chính, xử lý khác đã thực hiện tăng thêm 28.517,7 tỷ đồng, chiếm 26,4% số kiến nghị chưa thực hiện đến ngày 31/3/2023 (là 108.180,2 tỷ đồng).

Nhiều phiên giải trình khác như phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức, phiên giải trình về tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em, do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phối hợp với Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức, cũng đã góp phần không nhỏ tạo chuyển biến tích cực trong các lĩnh vực này.

Tuy nhiên, do chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục, trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan khi tiến hành tổ chức các phiên giải trình, nên việc tổ chức cũng gặp những khó khăn, lúng túng, thiếu thống nhất, từ quyết định lựa chọn vấn đề, xây dựng, ban hành kế hoạch tổ chức kết luận vấn đề và theo dõi, đôn đốc, đánh giá việc thực hiện kết luận vấn đề được giải trình.

Để khắc phục những bất cập trên, ngày 25/1/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH15 hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.

Nghị quyết nêu rõ các tiêu chí lựa chọn vấn đề được giải trình, đặc biệt là rõ trách nhiệm của các bên tham gia. Đáng chú ý, Nghị quyết quy định rõ về việc thông qua kết luận vấn đề được giải trình, kết luận này phải có kiến nghị, yêu cầu cụ thể, rõ ràng, thời gian thực hiện, trách nhiệm thực hiện kết luận, trách nhiệm báo cáo việc thực hiện kết luận của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc chậm thực hiện kết luận vấn đề được giải trình, thì Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân giải trình và làm rõ trách nhiệm, kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Là phiên giải trình đầu tiên thực hiện theo hướng dẫn mới, phiên giải trình về trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đã thực hiện đầy đủ các yêu cầu trên, tạo dấu ấn mới trong phương thức giám sát này.

Đề xuất tiếp tục đổi mới

Đánh giá cao hiệu quả phiên giải trình về trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đại biểu Hoàng Minh Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, tác động của hoạt động giải trình nói chung là rất lớn. Hoạt động này không chỉ giúp các chủ thể giám sát cũng như các đối tượng được giám sát nhìn nhận rõ vấn đề được đặt ra, mà phần nào còn giúp cử tri và nhân dân hiểu rõ hơn những vấn đề đang được xã hội quan tâm.

Ông Hiếu lấy ví dụ, cuối năm 2019, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về “tạm giữ, tịch thu phương tiện giao thông vận tải đường bộ theo thủ tục hành chính”. “Sau phiên giải trình đó, người dân hiểu được rằng, việc thực hiện của các cơ quan chức năng là hợp lý và thông cảm hơn cho các cơ quan thực hiện việc đó, như vậy là đạt hiệu quả cho cả hai bên”, ông Hiếu nhìn nhận.

Theo ông Hiếu, Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH15 sẽ giúp hoạt động giải trình được tổ chức bài bản, hiệu quả hơn. Song, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm về hoạt động điều trần của nghị viện các nước, đại biểu Hoàng Minh Hiếu cho rằng, bên cạnh việc là hình thức giám sát độc lập, thì nên coi giải trình là một công cụ để giải tỏa một vấn đề cụ thể mà dư luận đang quan tâm.

Ở nghị viện nhiều nước, khi có thông tin được người dân quan tâm, chẳng hạn, thông tin liên quan đến một doanh nghiệp, thì ngay lập tức, họ mời CEO của doanh nghiệp đó đến để điều trần, làm rõ cho công luận thấy là, xung quanh vấn đề đó thì có những thông tin như thế. Mục đích là để công luận có thể hiểu rõ hơn vấn đề họ đang quan tâm, chứ không cần đưa ra kết luận gì cả. Còn những thông tin thu thập được từ đó thì họ sẽ tích lũy lại để phục vụ công việc chuyên môn.

Chia sẻ những thông tin trên, ông Hiếu phân tích thêm, nếu để cuối phiên giải trình có thể ban hành kết luận về mặt trách nhiệm, thì phải có rất nhiều thông tin, bao gồm cả giám sát từ cơ sở, làm việc với các bên liên quan.

“Từ kinh nghiệm các nước và thực tế hoạt động giải trình thời gian qua, quan điểm của tôi là để tổ chức được nhiều phiên giải trình nhiều hơn và tăng thêm hiệu quả hoạt động này, thì nên xem đây là một công cụ phục vụ cả hoạt động giám sát và lập pháp của Quốc hội, bên cạnh là một phương thức giám sát độc lập”, ông Hiếu trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư.

Cụ thể hơn, ông Hiếu nêu, Quốc hội đang bàn Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, nếu có một số vấn đề chưa rõ, đại biểu còn nhiều băn khoăn, thì có thể tổ chức phiên giải trình có sự tham gia của cả cơ quan soạn thảo và đối tượng chịu sự tác động để xem xem có những vấn đề gì cần phải chỉnh lý về chính sách hay không.

Vị Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ tám (tháng 10/2024). Quan điểm tiếp tục đổi mới hoạt động giải trình như trên sẽ được ông Hiếu đề xuất trong quá trình tham gia sửa đổi Luật.

Giám sát là một trong những chức năng quan trọng của Quốc hội, là phương thức kiểm soát quyền lực có tính nền tảng trong cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước ở Việt Nam. Để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động này, việc “làm mới” các phiên giải trình tại các cơ quan của Quốc hội thực sự có ý nghĩa, bởi không phải mọi vấn đề bức xúc của cuộc sống đều có thể đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội. Mỗi phiên giải trình được “làm mới” chắc chắn sẽ góp phần bớt đi những khoảng trống pháp luật và cả những “khoảng trống trách nhiệm” trong quản lý nhà nước, đáp ứng tốt hơn nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân.

Truyền hình trực tiếp một số phiên giải trình để cử tri theo dõi.

- Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Phó trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Bình Dương

Cử tri và nhân dân rất quan tâm, đánh giá cao Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 969/NQ-UBTVQH15 về hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội. Thời gian qua, các cơ quan của Quốc hội đã thực hiện tốt các phiên giải trình. Tôi kiến nghị cần mở rộng thành phần mời tham dự là đại diện lãnh đạo các đoàn đại biểu Quốc hội, các tỉnh, thành phố và một số cơ quan liên quan ở địa phương. Đồng thời, xem xét truyền hình trực tiếp một số phiên giải trình cho cử tri theo dõi, hoặc mời thêm các đại biểu Quốc hội quan tâm đăng ký tham gia. Qua đó giúp cho các đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội giám sát việc triển khai thực hiện các vấn đề có liên quan tại địa phương và giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau phiên giải trình.

Nguyễn Lê

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/khi-phuong-thuc-giam-sat-quan-trong-duoc-lam-moi---bai-3-de-hoat-dong-giai-trinh-hieu-qua-hon-nua-d223034.html