Khi quan chức lộ tài sản 'khủng'

Vụ nữ Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai bị kẻ lừa đảo trên mạng 'ăn' ngon lành số tiền 171 tỷ đồng trong tài khoản đã đi đến hồi kết khi nạn nhân nhận án kỷ luật. Tuy vậy, xung quanh vụ lừa đảo hiếm có này còn đặt nhiều dấu hỏi, có những câu suy luận được, song cũng có câu không biết 'đáp án' như thế nào...

1. Giữa tháng 6 vừa rồi, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai đã họp xem xét và ban hành quyết định thi hành kỷ luật bà Nguyễn Thị Giang Hương - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai nhận thấy: Bà Giang Hương đã không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập qua các lần kê khai tài sản, thu nhập; quanh co, đối phó, che giấu nguồn gốc số tiền chưa kê khai, không cung cấp cho tổ xác minh tài sản, thu nhập các hồ sơ liên quan đến việc sở hữu các tài sản đã kê khai trong bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định.

Vi phạm của bà Nguyễn Thị Giang Hương là nghiêm trọng, tạo dư luận xấu trong xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm giảm sút uy tín bản thân, uy tín Huyện ủy, UBND huyện Nhơn Trạch. Do đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai ra quyết định thi hành kỷ luật đối với bà Nguyễn Thị Giang Hương bằng hình thức cách chức Phó Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch nhiệm kỳ 2020-2025. Việc kỷ luật về mặt hành chính trên cương vị Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch sẽ được xử lý theo quy định.

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đồng Nai tại kỳ họp thứ 39, kết luận các sai phạm liên quan bà Nguyễn Thị Giang Hương. Ảnh: Báo Đồng Nai.

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đồng Nai tại kỳ họp thứ 39, kết luận các sai phạm liên quan bà Nguyễn Thị Giang Hương. Ảnh: Báo Đồng Nai.

Câu chuyện nữ Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch bị kẻ lừa đảo dễ dàng cuỗm đi 171 tỷ đồng mà như lấy kẹo trong túi khiến dư luận thực sự ngạc nhiên, là chuyện xưa nay hiếm. Cái ngạc nhiên theo chúng tôi, có thể thấy ở những điểm sau:

Thứ nhất, nữ Chủ tịch UBND huyện lấy đâu ra số tiền 171 tỷ? Lưu ý, bà chỉ là chủ tịch cấp huyện, một cương vị không được coi là “quan lớn” mà chỉ ở tầm trung của địa phương, vị trí mà nhiều người vẫn kêu là khó khăn, vất vả nhưng “không giàu”. Vậy, số tiền bằng cả mấy trăm năm hưởng lương của bà có nguồn gốc từ đâu? Khi vụ việc vỡ lở, Ủy ban Kiểm tra vào cuộc thì đây là thái độ của bà: “Quanh co, đối phó, che giấu nguồn gốc số tiền chưa kê khai, không cung cấp cho tổ xác minh tài sản, thu nhập các hồ sơ liên quan đến việc sở hữu các tài sản đã kê khai trong bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định”. Điều này cho thấy, có dấu hiệu khuất tất rõ ràng về nguồn gốc số tiền, tuy nhiên cơ quan chức năng hiện chưa thể làm rõ được mà chỉ nhận xét bà “quanh co, đối phó”!

Thứ hai, vì lẽ gì nữ Chủ tịch UBND huyện lại để trong tài khoản một số tiền cực lớn như vậy? Theo lẽ thường, tiền trong tài khoản ngân hàng chỉ để một số lượng vừa phải nhằm đảm bảo giao dịch, còn khi có số lượng tiền lớn, nếu số tiền nhàn rỗi thì việc đơn giản là gửi tiết kiệm, vừa sinh lãi, vừa đảm bảo an toàn. Thêm nữa, số tiền 171 tỷ chỉ là tiền nằm trong tài khoản, vậy số tiền thực tế và tài sản mà nữ chủ tịch UBND huyện sở hữu sẽ là bao nhiêu, lớn đến mức nào?

Thứ ba, vì sao kẻ lừa đảo lại phát hiện ra số tiền khủng của bà “quan huyện” có trong tài khoản để thực hiện các thao tác lừa đảo?

Thứ tư, kẻ lừa đảo trên mạng thường nhằm vào người nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết. Thủ đoạn của các đối tượng không hề mới mẻ gì, như nhận xét của Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang - Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai khi thông tin tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh hồi tháng 4/2024 thì “tội phạm dùng thủ đoạn quá cũ, xuất hiện từ cả chục năm trước nhưng nạn nhân thiếu cảnh giác”. Cụ thể, đối tượng lừa đảo sử dụng công nghệ và xưng danh cơ quan bảo vệ pháp luật yêu cầu bà Hương mở tài khoản để chuyển tiền vào. Với vị trí đứng đầu cơ quan hành pháp của huyện, có trình độ chuyên môn cử nhân quản trị kinh doanh, cao cấp lý luận chính trị, vậy mà bà dễ dàng bị kẻ lừa đảo đưa “vào rọ”, lấy cả trăm tỷ đồng như lấy kẹo trong túi!

2. Chuyện quan chức bị lộ tài sản khủng gần đây cũng “lùm xùm” nhiều vụ. Ông Lê Đức Thọ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre cũng bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương “điểm tên” với hàng loạt sai phạm liên quan kê khai tài sản. Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhận thấy, ông Lê Đức Thọ đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương trong việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập; giải trình nguồn gốc và biến động tài sản không trung thực, không đúng quy định. Theo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, vi phạm của ông Lê Đức Thọ mang tính hệ thống, kéo dài trong nhiều năm, đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, gây dư luận xấu, bức xúc, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, mất uy tín cá nhân.

Trước đó, dư luận cho rằng, ông Thọ có khối tài sản khổng lồ. Chính từ những phản ánh này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã vào cuộc, làm rõ và kết luận ông Thọ vi phạm “gây hậu quả rất nghiêm trọng” như nêu trên. Tuy nhiên, trong thông tin báo chí về kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra không nêu cụ thể kết quả xác minh nguồn tài sản của Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ.

Trong vụ án cựu Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh cùng 14 bị can khai thác trái phép 1,3 triệu tấn quặng apatit, cơ quan điều tra đã kê biên nhiều nhà đất, dinh thự của ông Nguyễn Văn Vịnh. Cụ thể, kê biên lô đất rộng 100 m2 và nhà xây trên đất tại phường Cốc Lếu, TP Lào Cai của cựu Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh. Trước đó, từ cuối năm 2022, qua xác minh của cơ quan điều tra, cựu Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh có liên quan tới 7 thửa đất tại TP Lào Cai. Trong đó, có 6 lô đất mặt đường tại các tuyến phố đắc địa, sầm uất thuộc TP Lào Cai, 1 lô là đất biệt thự...

Câu chuyện quan chức nắm khối tài sản lớn, ôm hàng loạt biệt phủ, dinh thự, trang trại, đất đai đang trở thành vấn đề gây nhức nhối dư luận. Ngày nay, dường như tài sản để xác định sự giàu có của quan chức không còn được tính bằng động sản mà phải là bất động sản. Số tài sản chục tỷ, trăm tỷ trong ngân hàng chỉ là thứ nhìn thấy, đo đếm được, song những khu biệt thự ở vị trí đắc địa, trang trại có giá hàng trăm tỷ đồng thì chưa thể thống kê. Đáng chú ý, trào lưu gom đất, xây dựng dinh thự, biệt phủ, khu sinh thái của quan chức hiện không chỉ giới hạn trong một vùng, một lãnh thổ mà còn bao rộng ra nhiều vị trí “vàng” trên toàn quốc, thậm chí cả ở nước ngoài. Như vụ nữ Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, chỉ là “quan huyện” thôi và trong một vụ lừa đảo cụ thể đã lộ tẩy tới 171 tỷ đồng, thế thì tài sản thực mà bà đang nắm giữ là thế nào? Thực tiễn đó cũng đặt ra những vấn đề thời sự rất đáng chú ý về suy nghĩ, lối sống, cách chơi, cách hiểu, sự vơ vét, giàu có của một số cán bộ lãnh đạo hiện nay.

Luật Phòng, chống tham nhũng đã quy định cụ thể các trường hợp phải kê khai tài sản và công khai, giải trình nguồn gốc tài sản đó. Tuy nhiên, thực tế việc kê khai và công khai, giải trình nguồn gốc tài sản vẫn còn nặng tính hình thức, chưa thực sự là công cụ hữu hiệu để kiểm soát tài sản, thu nhập, chưa trở thành “tấm khiên” ngăn chặn tham nhũng. Để ngăn ngừa quan niệm tùy thích trong kê khai, tại Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ có những quy định rất cụ thể về việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

Theo đó, tại Điều 20 của Nghị định này nhấn mạnh việc xử lý hành vi vi phạm đối với người kê khai tài sản, thu nhập không trung thực. Người có nghĩa vụ kê khai mà kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý theo quy định tại Điều 51 của Luật Phòng, chống tham nhũng. Người có nghĩa vụ kê khai mà tẩu tán, che giấu tài sản, thu nhập, cản trở hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập, không nộp bản kê khai sau 2 lần được đôn đốc bằng văn bản thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, bãi nhiệm, buộc thôi việc, giáng cấp bậc quân hàm, giáng cấp bậc hàm.

Tuy nhiên, còn một vấn đề lớn mà hiện chưa dễ gì tháo gỡ, đó là xử lý thế nào với số tài sản kê khai không trung thực. Chẳng hạn, trong vụ bà Nguyễn Thị Giang Hương, dù cơ quan chức năng đã kết luận là “quanh co, đối phó, che giấu nguồn gốc số tiền chưa kê khai”, song việc xử lý số tiền không trung thực lại không dễ dàng. Mức cao nhất trong kỷ luật hành chính là cách chức, buộc thôi việc chứ không đề cập đến việc thu hồi số tài sản kê khai không trung thực. Vậy, nếu quan chức “ôm” số tiền cực lớn, khi bị phát hiện thì khai báo quanh co, rốt cuộc nhận hình thức kỷ luật cách chức, buộc thôi việc mà vẫn ung dung nắm giữ số tiền, tài sản đó thì họ vẫn có cuộc sống vương giả, lại dùng số tiền bất minh này để làm những việc khác có lợi cho bản thân, gia đình.

Đăng Trường

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/khi-quan-chuc-lo-tai-san-khung-i735376/