'Khi thật lòng yêu thương một người, bạn sẽ luôn muốn hiểu người đó'

Câu chuyện hạnh phúc của vợ chồng anh Trần Tùng Chinh, 58 tuổi và chị Ngô Thị Thu Hà, 50 tuổi. Anh chị kết hôn được 24 năm, hiện sống ở thành phố Long Xuyên, An Giang, đã có 2 con.

 Vợ chồng chị Hà - anh Chinh

Vợ chồng chị Hà - anh Chinh

Chuyện của anh Chinh

Lần đầu tiên tôi gặp Hà vào khoảng năm 1998. Lúc đó, tôi đã học xong, ra trường, về Long Xuyên đi dạy được 10 năm. Trường cử tôi đi học cao học, nên tôi có dịp quay lại TPHCM. Những ngày ở TPHCM, buổi sáng tôi hay ra công viên Tao Đàn tập thể dục cùng một nhóm bạn đồng hương. Lúc đó, Hà đang làm cho một công ty xuất nhập khẩu, cũng đi tập thể dục cùng một nhóm mấy cô bạn gái. Nhóm của tôi có người quen biết với nhóm của Hà, tình cờ gặp nhau, chào hỏi, rồi giới thiệu làm quen. Cùng là đồng hương nên chúng tôi dễ nói chuyện với nhau. Nhà Hà ở Phú Tân (tỉnh An Giang), cách chỗ tôi ở chừng 40 cây số.

Thế hệ của chúng tôi ngày đó thích nhau là hay tìm cách nói chuyện với nhau, chứ chưa dám nghĩ gì xa xôi. Chúng tôi toàn đi chơi chung với cả nhóm bạn, chưa bao giờ hẹn đi riêng với nhau. Tôi nhút nhát lắm, gặp Hà mà chẳng dám biểu lộ gì. Mọi việc sẽ vẫn lửng lơ như thế, cho đến một ngày, tôi nhận được tin mật báo từ em gái của Hà rằng, Hà đang có người dạm hỏi, chắc sẽ hỏi cưới nay mai. Tin đó làm tôi giật mình, nhận ra mình đã quyến luyến Hà nhiều hơn mình tưởng. Đây là cơ hội duy nhất, nếu để vuột mất, có thể mình sẽ mất người con gái này.

Trước đó, có vài lần, tôi đưa Hà cùng vài người bạn về nhà chơi, ba mẹ tôi cũng từng hỏi. Sẵn dịp vừa nghe tin Hà có người đi coi mắt, tôi thưa chuyện với ba mẹ luôn. Lúc đó, tôi 34 tuổi. Mọi việc sau đó nhanh đến mức chúng tôi không kịp phản ứng gì khác. Ba mẹ tôi đi Phú Tân, tìm thăm ba mẹ Hà. Rồi chúng tôi nhanh chóng về chung một nhà.

Đó là mùa Noel năm 2000. Kết hôn xong, Hà xin nghỉ việc ở TPHCM, dọn về Long Xuyên sống. Lúc này, tôi cũng đã học xong. Chúng tôi sống chung với ba mẹ tôi. Hằng ngày, tôi đi dạy, Hà làm đại diện cho một công ty mỹ phẩm.

Gia đình anh Chinh - chị Hà

Gia đình anh Chinh - chị Hà

Cưới nhau được 2 năm, Tùng Chi ra đời. Tùng Chi được 4 tuổi, chúng tôi có Tùng Phương. Người ngoài nhìn vô sẽ thấy chúng tôi là một cặp viên mãn, êm ấm, nhưng thật ra cũng ít nhiều "sóng gió". Hà về làm dâu nhà tôi, có bao nhiêu thứ lạ lẫm, bỡ ngỡ. Hà lại phải đổi việc mấy lần. Sống chung với ba mẹ tôi, dù ông bà không phải là người khó tính nhưng là nhà giáo, ba mẹ có những chuẩn mực mà thời gian đầu, Hà không phải lúc nào cũng biết. Khác biệt lối sống, khác biệt thế hệ, tính ba tôi lại có phần nghiêm khắc, mẹ tôi hiền lành nhưng kỹ tính nên không phải lúc nào mẹ cũng kết nối được với con dâu mới chân ướt chân ráo ở nhà chồng. Lúc đó tôi trở thành "cầu nối". Mỗi khi có chuyện gì đó không vui, mẹ hay trao đổi với tôi, để tôi lựa lời chia sẻ với Hà. Hầu hết thì tôi nghe lời mẹ nhưng cũng có lúc tôi trao đổi lại để mẹ hiểu con dâu hơn. Những lúc như vậy, tôi không dám kể hết chi tiết với Hà, tôi sợ Hà nghĩ ngợi, tủi thân.

Hà đã bỏ lại công việc ổn định của mình để theo tôi về Long Xuyên, tôi biết Hà phải hy sinh, phải cố gắng nhiều để có thể hòa hợp với cuộc sống mới, gia đình mới. Tôi luôn trân trọng điều đó, nên mọi lúc mọi nơi, tôi nghĩ mình phải luôn cố gắng để vợ mình có thể thích nghi một cách dễ chịu, thoải mái với gia đình chồng. Phụ Hà kinh doanh, chăm sóc ba mẹ rồi làm việc nhà, tôi không nề hà việc gì...

Cũng có lúc hai vợ chồng giận nhau. Những lúc như vậy, tôi nhắn tin, gởi e-mail nói hết với Hà, hoặc nghiêm trọng một chút, tôi lấy xe chở Hà đi dạo loanh quanh đâu đó, vừa đi vừa nói chuyện. Hà luôn thiện chí và sẵn sàng đối thoại. Cứ như thế, từng ngày, từng ngày một, chúng tôi hiểu nhau hơn, mỗi đứa tự biết phải điều chỉnh mình như thế nào để có thể phù hợp với nhau, với gia đình hai bên. Dù "sóng gió" như thế nào, chúng tôi cũng đều nghĩ cách để vượt qua, để sống tốt hơn. Chưa bao giờ chúng tôi có ý nghĩ sẽ lìa xa nhau.

Từ ngày có Hà, tôi học được một điều: Khi bạn thật lòng yêu thương một người, bạn sẽ luôn muốn hiểu người đó. Khi có chuyện xảy ra, hãy luôn đặt mình vào vị thế của đối phương để hiểu người đó, để không làm tổn thương người ta.

Sau gần một phần tư thế kỷ chung sống, tôi nhận ra đời mình rất may mắn khi có Hà. Khi mẹ tôi ngã bệnh, lúc ba tôi trái gió trở trời, Hà luôn bên cạnh tôi, chia sẻ, hỗ trợ, chưa nghe Hà than vãn một lời. Ba mẹ và các anh chị em tôi bây giờ thương Hà như ruột thịt trong nhà. Hai con của tôi cũng lớn rồi, Tùng Chi đang học Đại học còn Tùng Phương năm nay học lớp mười hai. Các con sẽ như chim bay xa. Tôi chỉ mong hai vợ chồng luôn mạnh khỏe, thỉnh thoảng đi du lịch đâu đó, tận hưởng cuộc sống "tuổi xế chiều".

Chuyện của chị Hà

Lần đầu tiên gặp anh Chinh, tôi chú ý đến ảnh vì thấy ảnh cũng đẹp trai, hiền lành, cư xử chuẩn mực. Sau này về chung nhà mới biết, hai đứa đều để ý đến nhau ngay từ khi mới gặp. Những ngày đầu về làm dâu, tôi thấy mình không thật sự thoải mái. Tôi đã bỏ hết, theo ảnh về Long Xuyên, đã cố gắng hết mực. Những lúc nghe anh Chinh trao đổi về khuôn phép, cách sống trong nhà, tôi thấy áp lực và lo lắng dữ lắm. Nhưng tôi chỉ lăn tăn lúc đầu thôi, sau này quen rồi, tôi lại thấy tốt. Tôi thấy mình trưởng thành và hạnh phúc với những gì mình đang có. Tôi thấy may mắn vì hai con của tôi được sinh ra trong một gia đình nề nếp, được lớn lên trong không khí chan hòa, đầy tình yêu thương của ông bà, ba mẹ, các cô chú.

Phú Tân quê tôi ngày đó cũng khá xa xôi, cách trở. Học xong cấp ba, tôi lên TPHCM học, học xong rồi ở lại đi làm. Anh Chinh là người đầu tiên cho tôi cảm giác tin tưởng và quý trọng. Con gái quê tôi ngày đó, nhiều người lấy chồng do coi mắt rồi dạm ngõ, nên việc tôi đang làm ở TPHCM mà ba mẹ kêu về quê coi mắt là có thật. Lúc ba mẹ kêu về, trong tôi đầy cảm giác phân vân. Lúc đó, tôi với ảnh chỉ mới thích nhau, chưa nghĩ gì xa xôi hơn. Nhưng chắc duyên phận đã sắp đặt nhiều tình huống thuận lợi và trùng hợp đến không ngờ, đưa hai đứa đến với nhau.

Lúc đồng ý làm vợ anh Chinh, trong tôi chỉ có một niềm tin rằng, anh Chinh là người tốt, tử tế. Về sống chung với nhau, từng ngày, từng ngày, ảnh làm tôi cảm động vì sự chu đáo của ảnh, nhất là cách ảnh chăm sóc, dạy dỗ hai cô con gái nhỏ của chúng tôi. Không quá lãng mạn, không cố tình làm tôi cảm động, ảnh cứ như một dòng nước, cứ thấm dần trong tôi, lúc nhận ra thì ảnh đã tràn ngập trong đời sống của tôi rồi.

Nhiều người kể với tôi, anh Chinh ra đường đào hoa lắm. Ảnh dạy giỏi, hát hay, còn viết văn, viết sách, nhiều người quý mến. Hỏi tôi có ghen không, tôi nói liền: Tôi không ghen. Bởi tôi tin chồng mình, tin đến mức không mảy may nghĩ rằng ảnh có thể có ai khác. Ảnh cũng vậy, chưa bao giờ ảnh tỏ ra ghen tuông với tôi. Gần đây, tôi làm việc trong ngành bảo hiểm, công việc đòi hỏi đi nhiều, gặp gỡ nhiều, giờ giấc có khi thất thường, có lúc tôi phải đi học, đi dự huấn luyện mấy ngày. Ảnh luôn thu xếp chu toàn việc nhà để tôi yên tâm đi. Tôi biết chồng tôi luôn tin tôi, tôi phải sống cho xứng đáng với lòng tin ấy.

Nếu thời con gái, tôi có một khuôn mẫu về người đàn ông trong mộng của mình thì càng ngày, anh Chinh càng khớp với cái khuôn đó. Khớp đến hoàn hảo. Nhiều người gặp tôi, kêu tôi hiền, do ít thấy tôi to tiếng với ai bao giờ. Vợ chồng tôi cũng không bao giờ to tiếng với nhau. Ba mẹ tôi hồi xưa cũng vậy, chưa bao giờ tôi thấy ba mẹ tôi cãi nhau trước mặt các con.

Sau này có chồng, làm dâu, cũng có lúc tôi buồn, về thăm mẹ. Hỏi mẹ sao ba mẹ hay quá vậy, mẹ tôi đọc cho tôi nghe hai câu: "Chồng giận thì vợ bớt lời/Cơm sôi nhỏ lửa chẳng đời nào khê". Khi ba nóng giận thì mẹ thường im lặng. Buổi tối, khi ba nguôi giận thì mẹ mới nhẹ nhàng thủ thỉ. Chuyện gì rồi cũng êm. Mẹ chỉ nói đơn giản vậy thôi mà tôi thấm. Tôi mang bài học này của mẹ áp dụng trong cuộc hôn nhân của mình. Sau này con gái lấy chồng, chắc tôi cũng chỉ khuyên con vậy thôi. Hôn nhân là phải luôn tin tưởng và nhường nhịn nhau.

Đinh Lê Vũ (ghi)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/khi-that-long-yeu-thuong-mot-nguoi-ban-se-luon-muon-hieu-nguoi-do-20240712191128185.htm