Khi trái dừa tìm được chỗ đứng 'chuẩn'
Sau Tết, giá dừa tươi tiêu thụ trong nước giảm sâu. Hiện, tại thủ phủ của dừa – tỉnh Bến Tre – dừa có giá chỉ khoảng từ 1.000 tới 3.000 đồng/trái. Nếu so với thời điểm này những năm trước dừa được thương lái thu mua tận vườn cũng phải có giá 6.000 – 8.000 đồng/ trái thì hiện giá dừa đã giảm 50%, thậm chí là 70%. Dừa bị xuống giá quá sâu khiến người trồng dừa nản lòng.
Theo chia sẻ của ông Mão (một nông dân trồng dừa ở huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre), vụ mùa năm nay, vườn nhà ông thu hoạch được khoảng 2.000 trái dừa, với sản lượng thu hoạch này, những năm trước giá 7.000 – 8000 đồng/ trái dừa thì, sau khi bán hết và trừ tiền công, chi phí vật tư, ông còn có chút dư dả để dành, tiết kiệm. Thế nhưng năm nay, với mức giá chỉ 3.000 đồng/ trái, trừ hết các chi phí, tính ra là hòa vốn, thậm chí là thua vì năm nay tiền chi phí vật tư tăng cao.
Nêu nguyên nhân giá dừa giảm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết, là do hạn chế kiểm soát dịch Covid-19 khiến thị trường Trung Quốc – thị trường tiêu thụ sản lượng lớn dừa của chúng ta – giảm thu mua. Bên cạnh đó, cũng do ảnh hưởng của dịch nên các nước có diện tích dừa nhiều như Ấn Độ, Indonesia… cũng thừa hàng, hạ giá bán nên thị trường giảm giá.
Dừa giảm giá, không ai khác, chính bà con nông dân khổ nhất. Bởi cả năm cặm cụi chăm bón, bao nhiêu mồ hôi công sức đổ dồn vào chỉ mong vụ dừa năm nay được mùa, được giá. Thế nhưng thực tế, người trồng dừa vẫn đang phụ thuộc vào sự bấp bênh của thị trường.
Ở Bến Tre có tới 80% số hộ dân có trồng dừa. Vì vậy, giá dừa lên hay xuống sẽ ảnh hưởng ngay lập tức đến đời sống của bà con nông dân.
Ở một diễn biến khác, nhìn vào bức tranh xuất khẩu dừa năm 2022, xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa đạt trên 900 triệu USD. Ngành dừa Việt Nam đang đứng thứ 4 về tổng giá trị trên thị trường dừa thế giới. Việt Nam cũng là nước xuất khẩu các sản phẩm từ dừa lớn thứ 4 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Với việc Chính phủ tạo điều kiện xây dựng bộ nhận diện thương hiệu quốc gia cho ngành thực phẩm từ dừa; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa cây dừa vào Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030… Hiệp hội Dừa Việt Nam khẳng định, ngành dừa Việt Nam đang có những điều kiện thuận lợi cho phát triển. Và cơ hội để trái dừa xuất khẩu lọt vào top “1 tỷ đô la” trong vòng 2 năm tới là rất lớn.
Như vậy, rõ ràng, trái dừa Việt vẫn luôn có giá trị khi ra thị trường thế giới. Vậy câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để bà con vùng dừa không bị rơi vào cảnh được mùa rớt giá, lợi nhuận tùy thuộc vào may rủi như thực tế đang diễn ra hiện nay?
Thừa nhận tác động của dịch Covid -19 đang khiến sức mua thị trường thế giới giảm, khiến giá dừa trong nước cũng bị kéo giảm xuống thời gian qua, tuy nhiên, Hiệp hội Dừa Việt Nam cho rằng, dừa trái ở các vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ vẫn giữ được giá tốt, thậm chí trong quý I/2023 có xu hướng tăng. Điều này một lần nữa khẳng định rằng, việc triển khai xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, để nâng cao giá trị của trái dừa là vô cùng cần thiết. Khi đó, chắc chắn bà con nông dân sẽ không phải nơm nớp lo mỗi vụ thu hoạch dừa, ngược lại hoàn toàn yên tâm vì sản phẩm dừa của mình không chỉ nâng chất, nâng giá trị mà còn cả nâng cao cả thương hiệu và sức cạnh tranh, vị thế trên thị trường thế giới.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/khi-trai-dua-tim-duoc-cho-dung-chuan-5710828.html