Khi trí tuệ nhân tạo vào sản xuất, kinh doanh
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang được các cơ quan, đơn vị… trên địa bàn tỉnh ứng dụng có chủ đích, bước đầu đã ít nhiều mang lại những thay đổi sâu sắc. Riêng trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp, hợp tác xã sau khi ứng dụng AI, một số đơn vị đã tạo ra bước đột phá trong giảm chi phí, tăng hiệu quả cao trong quản lý, bán hàng…

Sản xuất trong KCN Hàm Kiệm, Lâm Đồng. Ảnh: N.Lân
Tạo “đổi thay” tại các doanh nghiệp
Công ty Cổ phần TV-TM-DV Địa ốc Hoàng Quân Bình Thuận là đơn vị nổi bật trong ứng dụng AI vào 2 phân khúc đang hoạt động là bất động sản khu công nghiệp (KCN) và nhà ở xã hội (NƠXH) tại tỉnh.
Đơn vị này đã và đang đưa AI đóng vai trò như một “trợ thủ đắc lực” trong việc tối ưu hóa quy trình, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả vận hành trong bất động sản KCN, mà cụ thể là tại KCN Hàm Kiệm 1 (xã Hàm Kiệm). Công cụ AI đã phân tích dữ liệu và dự báo nhu cầu về thuê đất KCN ở từng khu vực; tối ưu hóa quy hoạch và thiết kế KCN cũng như hỗ trợ phân tích tác động môi trường, đảm bảo các KCN đáp ứng tiêu chuẩn xanh.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng nhờ AI giúp quản lý KCN hiệu quả hơn thông qua các hệ thống giám sát thời gian thực. Các cảm biến IoT kết hợp với AI có thể theo dõi tình trạng cơ sở hạ tầng, dự đoán thời điểm cần bảo trì và tối ưu hóa tiêu thụ điện, nước. Hơn nữa, còn hỗ trợ trong việc phân tích hành vi của các doanh nghiệp thuê mặt bằng, từ đó đề xuất các dịch vụ gia tăng như kho bãi thông minh hoặc giải pháp logistics tối ưu. Và điều đặc biệt khác, các thuật toán AI phân tích hồ sơ nhà đầu tư tiềm năng, từ đó đề xuất các KCN phù hợp với nhu cầu cụ thể của họ. Chatbot AI hoặc trợ lý ảo có thể tư vấn 24/7, giải đáp thắc mắc và cung cấp thông tin chi tiết về giá thuê, ưu đãi thuế và cơ sở hạ tầng…
Trong khi đó, bên phân khúc NƠXH thuộc khuôn viên KCN Hàm Kiệm 1, công ty cũng đã ứng dụng AI để giải quyết, làm nhẹ đi các thách thức, từ quỹ đất hạn chế, chi phí xây dựng tăng cao đến việc đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của người lao động thu nhập thấp. Cụ thể như các mô hình dự đoán AI có thể ước tính mức giá phù hợp, đảm bảo NƠXH vừa túi tiền người mua mà vẫn mang lại lợi nhuận cho nhà phát triển; trong tối ưu hóa chi phí xây dựng. Ngoài ra, qua AI có thể tự động hóa quy trình xét duyệt hồ sơ người mua hoặc thuê nhà, dựa trên các tiêu chí như thu nhập, hộ khẩu, và tình trạng việc làm, giúp giảm thiểu gian lận và đảm bảo NƠXH đến đúng đối tượng thụ hưởng.
Không chỉ thế, AI cũng được đơn vị ứng dụng vào nâng cao trải nghiệm cư dân như hệ thống nhà thông minh giá rẻ giúp cư dân quản lý điện, nước và an ninh qua điện thoại; phân tích dữ liệu từ cư dân để đề xuất các tiện ích cộng đồng (như trường học, siêu thị mini) phù hợp với nhu cầu thực tế…
Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần TV- TM-DV Địa ốc Hoàng Quân Bình Thuận, qua ứng dụng AI vào hoạt động, đơn vị đã tiết kiệm khoảng 35 - 40% thời gian, tùy hạng mục; khoảng 20% chi phí và khả năng tiếp cận khách hàng cao hơn cũng như tăng khả năng chuyển đổi từ khách hàng thành giao dịch thành công.
Không chỉ công ty trên, một số doanh nghiệp khác trong tỉnh cũng đang tiếp cận, tìm hiểu và ứng dụng AI vào ngành nghề, hoạt động của đơn vị mình một cách phù hợp, để tạo ra hiệu quả nổi bật. Theo lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, qua tìm hiểu, các hội viên đều đã ít nhiều ứng dụng AI trong hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng sử dụng để mang lại hiệu quả rõ, chứ không lạm dụng. Sắp tới, Hiệp hội sẽ đề xuất tổ chức 1 hội nghị với nội dung xoay quanh ứng dụng AI trong sản xuất, kinh doanh để thêm thông tin, kiến thức cho các doanh nghiệp quyết định ứng dụng AI cho hiệu quả.
Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/khi-tri-tue-nhan-tao-vao-san-xuat-kinh-doanh-381890.html