Khi văn hóa mang lại kinh tế cho cộng đồng

Cách đây chưa lâu, khi nhắc đến A Lưới nhiều người vẫn ái ngại vì dịch vụ lưu trú ở huyện vùng cao còn quá nghèo nàn và thiếu thốn. Thế nhưng hôm nay, khi quay lại A Lưới, mọi người đều bất ngờ với sự thay đổi ngoạn mục, chất lượng dịch vụ du lịch nơi đây phát triển vượt bậc. Những cảnh quan nhiên, như suối A Nor (Hồng Kim), Par Le (Hồng Hạ)… được đầu tư, đánh thức. Các khu homestay, farmstay… mọc lên đã làm thay đổi bộ mặt du lịch, biến A Lưới trở thành điểm du lịch hấp dẫn.

 Vui cùng lễ hội Ariêu Car

Vui cùng lễ hội Ariêu Car

Từ ngã ba đi vào khu du lịch sinh thái cộng đồng A Nôr trên đường Hồ Chí Minh, thuộc xã Hồng Kim (A Lưới) du khách bắt gặp một “khu phố homestay” với hàng chục ngôi nhà được cải tạo xinh xắn, đèn điện lung linh với những bảng hiệu du lịch treo trước cổng…

Ông Nguyễn Đạm, chủ nhân của homestay Hồ Trâm (thôn Đút) cho biết, mô hình du lịch homestay của khu du lịch sinh thái suối A Nôr ra đời từ năm 2008, từ tiểu dự án của Trường Sơn Xanh hỗ trợ cho thôn Đút phát triển du lịch cộng đồng với kinh phí 500 triệu đồng. Sự hỗ trợ kỹ thuật ban đầu cùng với hệ thống hạ tầng giao thông, kỹ thuật của UBND huyện A Lưới đầu tư… đã biến thôn Đút trở thành khu phố homestay của huyện vùng cao A Lưới. Nhận thấy hiệu quả từ 3 hộ ban đầu, đến nay, tại thôn Đút đã có hơn 10 hộ khác đã tự bỏ tiền cải tạo nhà cửa để chuyển sang kinh doanh du lịch homestay.

Với mô hình du lịch homestay, các hộ gia đình ở đây mỗi năm cũng có nguồn thu nhập ổn định khoảng 50 triệu đồng. “Số tiền không lớn nhưng ổn định nên cũng giúp người dân có việc làm. Thời gian còn lại trong năm, các hộ đầu tư cho trồng rừng, làm nương, rẫy nên cuộc sống cũng ổn định”, ông Nguyễn Đạm cho biết.

Có thu nhập, người dân hào hứng đầu tư và gìn giữ phát huy các giá trị văn hóa bản xứ. Trang phục truyền thống được gìn giữ, các làn điệu dân ca, dân vũ được các thế hệ trẻ học tập để phục vụ du khách và văn hóa ẩm thực đa sắc màu mang đậm bản sắc đã được người dân tự hào đưa lên bàn tiệc để giới thiệu với du khách.

Ngoài các giá trị văn hóa và cảnh quan thiên nhiên nêu trên, cộng đồng người Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Hy… thuộc huyện miền núi A Lưới còn có lễ hội Ariêu Car đặc sắc, ngày hội lớn nhất của đồng bào vùng cao sinh sống trên đại ngàn dãy Trường Sơn.

Lễ hội Ariêu Car là đại lễ truyền thống có từ xa xưa với nhiều nghi lễ độc đáo, linh thiêng, mang đậm bản sắc riêng biệt. Đại lễ là ngày hội các dân tộc, thể hiện tinh thần đoàn kết, tính cộng đồng, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống. Đây cũng là dịp tạ ơn các vị thần linh đã phù hộ cho dân làng khỏe mạnh, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no.

Lễ hội Ariêu Car gồm các nghi lễ pa-đoh-ân-đoong (khai hội); veel-moot (đón khách); pa-dưn-veel (vũ điệu chào mừng lễ hội); chật-ty-riaq (lễ hội đâm trâu); tực Ariêu Car (cúng Ariêu Car); moot-câr-hoot, coat-pâr-nai (gửi gắm, định ước); pa-choo- tâm-mooi (tiễn khách); zi-zar (báo hiệu lễ hội kết thúc); thưởng thức bữa tiệc.

Tất cả nghi lễ được các già làng chủ lễ cẩn trọng, bài bản, linh thiêng, cùng với đó là những vũ điệu truyền thống và sự tập trung đông đảo của dân bản và điểm nhấn chính là nghi lễ đâm trâu. Ngày nay, nghi lễ đâm trâu được sân khấu hóa nhằm bãi bỏ các nghi lễ đâm chém kinh dị đúng theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Trải qua hàng trăm năm, lễ hội Ariêu Car vẫn được đồng bào nơi đây bảo tồn khá nguyên vẹn hàng năm sau khi việc trỉa lúa đã xong. Lễ hội Ariêu Car cũng là một Carnanval hấp dẫn thu hút du khách nếu biết cách quảng bá.

Hiệu quả kinh tế là động lực cho bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc. Tín hiệu đó, cho thấy A Lưới đang đi đúng hướng để phát triển. Để phát huy hơn nữa tiềm năng, chính quyền và người dân cần chú trọng hơn nữa việc giữ gìn các giá trị truyền thống, tăng cường quảng bá, chăm chút các dịch vụ, nâng cao kỹ năng và đào tạo người dân làm du lịch chuyên nghiệp… Với những đầu tư đúng hướng và hiệu quả, chắc chắn du lịch A Lưới sẽ phát triển. Và khi du lịch phát triển, người dân có thu nhập thì các giá trị văn hóa sẽ được bảo tồn, gìn giữ và phát huy.

Bùi Ngọc Long

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/khi-van-hoa-mang-lai-kinh-te-cho-cong-dong-152670.html