Xúc động Lễ hội Âr Pục trên đồi sim A Lưới
Cuối tháng 3, hàng ngàn người dân A Lưới và du khách đã đổ về Làng Văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới để tham dự ngày hội 'Sắc xuân vùng cao A Lưới' và họ đã xúc động khi xem trích đoạn tái hiện chuyện tình chàng Cu Hun, chàng Thail và nàng Klai trong Lễ hội Âr Pục.

Một cảnh trong Lễ hội Âr Pục
Chuyện ở làng A Le và A Lin xưa
Có thể có nhiều người quên, nhưng người dân A Lưới không quên chuyện tình chàng Cu Hun, chàng Thail và nàng Klai ở làng A Le và A Lin xưa. Nghệ nhân Ta Dư Tưr bỏ ra nhiều tuần lễ gặp già làng Quỳnh Quên, Quỳnh Sao ở làng A Năm, xã Hồng Vân; gặp già làng Hồ Văn Hạnh ở làng Ân Triêng, xã Trung Sơn để ghi lại câu chuyện có thật bên dòng sông Pliing hiền hòa.
Chuyện rằng, xưa ở làng A Lin của người Pa Cô có nàng Klai vô cùng xinh đẹp, được nhiều chàng trai trong vùng thầm yêu, trộm nhớ, trong đó có chàng Cu Hun dũng mãnh. Nhưng con tim tuổi độ trăng tròn của Klai đã in hình bóng chàng Thail khôi ngô, tuấn tú ở làng A Le. Những đêm trăng sáng, chàng Thail vượt con dốc Ri Hang đến làng Sim bên dòng suối Pliing để cùng Klai hò hẹn, trao cho nhau lời thương nhớ: “Chàng Thail ơi, nàng Klai hỡi! Bao mùa trăng cùng hát lời hẹn ước, duyên bên nhau nguyện kiếp trọn đời… Nắm tay nhau đi cùng trời cuối đất. Mãi không rời đến đầu bạc răng long”.

Một cảnh trong Lễ hội Âr Pục
Giữa lúc ấy, chàng Cu Hun không kìm lòng được trước vẻ đẹp hơn cả ánh trăng rằm của nàng Klai, nên đã bắt Klai bên bờ suối mang về nhà làm vợ mình, mặc cho nàng van xin. Chàng Thail đau đớn đòi Cu Hun thả Klai. Cu Hun không chịu và hai bên đánh nhau suốt mấy con trăng. Thấy sự việc ngày càng trầm trọng, họ tộc chàng Thail bèn báo cho già làng A Le tìm cách giải quyết. Già làng A Le, già làng A Lin mời các già làng kết nghĩa quanh vùng đến cùng nghị sự.
Các già làng cùng làm lễ Âr Pục, thực hiện nghi thức bắt gà trên cây bông nêu khẳng định tình đoàn kết của các làng. Họ cử một già làng uy tín, phân minh, khách quan nhất chủ trì phân xử. Già làng phán quyết: Chàng Thail hãy cõng nàng Klai chạy thật nhanh lên núi Ri Hang. Nếu lên đến đỉnh mà vẫn toàn mạng thì được cưới nàng Klai làm vợ...
Những nghệ sĩ trẻ giữa núi rừng
Câu chuyện ngày càng kịch tính khiến đông đảo khán giả xúc động dõi theo. Giữa mùa sim nở tím đồi A Lưới và nắng xuân trải dài suốt mấy ngọn núi, hàng ngàn người dân và du khách về chen nhau xem hội. Hai bên dốc đồi chật kín già trẻ, gái trai chứng kiến cuộc thi giữa chàng Thail và chàng Cu Hun đang hồi gay cấn. Tiếng trống, tiếng chiêng của trai làng thôi thúc. Thail cõng Klai chạy lên núi giữa lúc trời nắng như đổ lửa. Đến lưng chừng dốc Thail mệt và khát nước. Rất may, trước khi cuộc thi diễn ra, nàng Klai đã nhanh trí xuống sông Pliing gội đầu để trữ nước mát trong búi tóc. Bây giờ Klai thả tóc, vắt qua vai chàng Thail, cho chàng ngậm ngọn tóc uống nước: “Mái tóc nàng đã thấm nước ngọt lành/ Chàng uống đi cho sức mạnh tràn trề/ Ri Hang ơi thôi thúc đôi tình nhân/ Cùng vượt qua dốc tình yêu mãnh liệt”. Nhờ dòng nước mát, chàng Thail đã hồi sức và cõng nàng Klai lên đến dốc. Chàng Cu Hun do khát khô, đã quỵ ngã giữa đường. Thail và Klai đã dìu Cu Hun về làng.
Các già làng đón Thail, Klai, Cu Hun về thực hiện nghi thức cam kết. Mỗi già làng chuẩn bị một ống tre. Mỗi ống tre như một minh chứng cho sự cam kết của hai làng trước hội đồng già làng. Quỳnh Thiêng (xã Quảng Nhâm), đóng vai già làng nói: “Hỡi làng A Le, Thail, Klai và làng A Lin, Cu Hun (A cập pa xát coai bị đâng cu dư), sự việc đã êm thấm, không được nhắc lại chuyện đã qua. Từ nay hai làng sẽ sống hòa thuận, đoàn kết, yêu thương nhau. Nếu sau này hai làng, hai chàng không chấp hành như đã cam kết, thì hội đồng già làng sẽ đem những ống tre làm chứng này ra để nhắc lại, đưa ra khung hình phạt nặng hơn”…
Dàn diễn viên tham gia phục dựng lễ hội Âr Pục rất đẹp, diễn xuất nhập vai không thua kém nghệ sĩ chuyên nghiệp. Ấy vậy mà họ là những chàng trai, cô gái ở núi rừng: Hồ Hải Nguyên (đóng vai Cu Hul) ở thôn A Hươr Pa E, xã Quảng Nhâm, Bí thư Chi đoàn; Hồ Văn Trăng (vai Thail) ở thôn Đụt, Lê Triêng 2, xã Trung Sơn, Bí thư Chi đoàn; A Viết Thị Tiên, (vai nàng Klai) thôn A Năm, xã Hồng Vân, giáo viên Trường mầm non Hồng Vân. Nghệ nhân A Rel Thùy Linh, người dàn dựng sân khấu nghệ thuật theo kịch bản của NNƯT Ta Dưr Tư, cho hay: “Các bạn trẻ say mê tập luyện và cũng rất có năng khiếu. Đoạn kết thúc cả Trăng và Tiên đều tạo hình rất đẹp. Hình như trong mỗi người dân A Lưới đều có con người nghệ sĩ ở bên trong. Chỉ cần được khơi dậy, con người nghệ sĩ ấy sẽ bước ra sân khấu”.
- Trăng ơi, đóng vai chàng Thail cõng Tiên (nàng Klai) có mệt không?
- Dạ cũng mệt, nhưng bọn em rất vui. Được hóa thân vào hình tượng của tiền nhân thuở trước đầy bản lĩnh, mạnh mẽ, em cố gắng sao cho càng đẹp càng tốt. Bà con sẽ yêu thích, trân trọng mẫu hình truyền thống của người miền cao A Lưới hơn.
Còn A Viết Thị Tiên, nghe nói là để đóng vai Klai, đã nuôi tóc dài suốt nửa năm nay.
NNƯT Ta Dưr Tư nói: “Đang có một lớp trẻ đầy tài năng ở A Lưới. Các em rất nhiệt huyết và nỗ lực hết sức vì muốn tham gia phục dựng lại các di sản của cha ông. Anh xem các buổi trình diễn thời trang zèng không? Diễn viên không phải từ các thành phố đến, đó là các cô giáo mầm non ở A Lưới”.
A Lưới đang bắt đầu phục dựng ngày một thành công hơn các di sản có nguy cơ mai một. Những nhà nghiên cứu nhiệt tâm, như Kê Sửu, Pa Cô Thêm, Ta Dưr Tư…; những nghệ nhân, như Hồ Nam, Hồ Văn Hạnh, Per Prung Đai… luôn sẵn sàng góp sức. Những diễn viên quần chúng đầy tài năng và thừa tâm sức như Trăng, Tiên, Nguyên… đang góp phần cho các lễ hội xưa ở A Lưới được sống lại từng ngày…