Khó 'giải cứu' thanh khoản cho thị trường trái phiếu?

Dự thảo Thông tư 16 sửa đổi có nhiều điểm tích cực nhưng chủ yếu là mở ra một 'khe cửa hẹp' để tổ chức tín dụng (TCTD) xử lý lượng trái phiếu đang nắm giữ chứ không thể kỳ vọng tạo sự đột phá cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) với trái chủ là ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16 của Thống đốc NHNN quy định việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp.

Ngân hàng vẫn bị hạn chế ở vai trò nguồn cầu cho thị trường trái phiếu

Tại dự thảo lần này, NHNN đề xuất sửa một số nội dung quan trọng. Trong đó, quy định TCTD chỉ được mua TPDN có Hệ số nợ phải trả (bao gồm cả khối lượng trái phiếu dự kiến phát hành) của doanh nghiệp phát hành không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu theo BCTC quý gần nhất tại thời điểm phát hành đã được kiểm toán tình hình sử dụng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp phát hành.

Bên cạnh đó, TCTD không được mua TPDN trong trường hợp TPDN phát hành trong đó có mục đích để góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp tại doanh nghiệp khác và trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để hợp tác kinh doanh, hợp tác đầu tư với doanh nghiệp khác.

Dự thảo Thông tư 16 vẫn chưa cho phép ngân hàng thương mại mua TPDN với mục đích cơ cấu nợ. (Ảnh minh họa: Int)

Dự thảo Thông tư 16 vẫn chưa cho phép ngân hàng thương mại mua TPDN với mục đích cơ cấu nợ. (Ảnh minh họa: Int)

TCTD chỉ được mua TPDN phát hành trong đó có mục đích bổ sung vốn lưu động khi quản lý được nguồn thu từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phát hành và thu thập đầy đủ tài liệu chứng minh việc sử dụng vốn lưu động tương ứng với giá trị trái phiếu theo các vòng quay vốn lưu động trong thời gian nắm giữ TPDN.

Khi TCTD mua TPDN phát hành trong đó có mục đích nhằm thực hiện bảo đảm nghĩa vụ, TCTD phải phong tỏa số tiền mua trái phiếu cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ bảo đảm.

TCTD phải sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán số tiền mua TPDN cho doanh nghiệp phát hành, bên bán trái phiếu.

TCTD được mua lại TPDN chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên UpCOM mà TCTD trước đó đã bán ra đến trước ngày 31/12/2023.

Mới đây, Hiệp hội bất động sản TP.HCM đề nghị NHNN sửa đổi Thông tư 16 theo hướng cho phép các TCTD được mua TPDN với mục đích cơ cấu nợ. Tuy nhiên, dự thảo Thông tư 16 không đả động đến quy định này.

Mặc dù dự thảo có nhiều điểm mới, song lại chưa giải quyết vấn đề nhận được nhiều kiến nghị của các doanh nghiệp và chuyên gia thời gian qua đó là cho phép ngân hàng thương mại mua TPDN với mục đích cơ cấu nợ. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng ngay cả khi dự thảo này được ban hành thì cũng không tác động nhiều đến thị trường TPDN và bất động sản, từ đó tác động xấu đến chất lượng tín dụng ngân hàng.

Nhiều điểm tích cực để ngân hàng xử lý trái phiếu nắm giữ

Trao đổi với phóng viên VnBusiness bên lề Tọa đàm đối thoại: "Trợ lực để doanh nghiệp việt vượt khó" tổ chức ngày 28/3, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám đốc, Lãnh đạo Dịch vụ Tư vấn thuế, PwC Việt Nam khẳng định, dự thảo Thông tư 16 sửa đổi có nhiều điểm tích cực, là một hướng đi đúng đắn, vì một trong những vấn đề cơ bản của thị trường TPDN hiện nay là thanh khoản.

“Nếu các ngân hàng được quyền mua lại hoặc bán lại giúp tạo thanh khoản sẽ tốt hơn, hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp huy động vốn trên thị trường trái phiếu. Bởi so với các nước, thị trường TPDN Việt Nam còn rất thấp, chưa sôi động, không phải là kênh chính thu hút vốn của doanh nghiệp”, bà Vân nói.

Về lo ngại việc cho các ngân hàng mua trái phiếu sẽ chuyển rủi ro từ doanh nghiệp phát hành trái phiếu sang ngân hàng, bà Vân cho rằng: “Việc kiểm soát rủi ro phải bắt đầu từ các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, cơ quan quản lý phải đặt ra các điều kiện tiêu chuẩn cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu về sự minh bạch, còn ngân hàng như một nhà đầu tư, nên việc ngân hàng mua trái phiếu sẽ được cân nhắc có mang lại lợi nhuận cho họ không. Bản thân ngân hàng cũng là một định chế tài chính nên họ cũng có công cụ tính toán để tránh các rủi ro đó”.

Theo Tổng Giám đốc PwC, việc yêu cầu các ngân hàng được mua các trái phiếu phục vụ mục đích vốn lưu động là việc rất khó với TCTD vì họ phải đi tìm hiểu mục đích của việc phát hành này như thế nào.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng, thông thường các doanh nghiệp chỉ phát hành trái phiếu kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên vì chi phí phát hành trái phiếu rất cao. Trong khi đó, vốn lưu động thường có kỳ hạn dưới 12 tháng.

Còn theo nhận định của ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup, quy định cho phép TCTD được mua TPDN với mục đích bổ sung vốn lưu động khi quản lý được nguồn thu từ hoạt động kinh doanh và thu thập đầy đủ tài liệu chứng minh việc sử dụng vốn lưu động sẽ giúp các TCTD đầu tư trái phiếu của các doanh nghiệp nhằm bổ sung vốn lưu động, thay vì phải gắn với phương án phát hành cụ thể, thường chỉ được xác định được cho các chương trình, dự án đầu tư tài sản cố định.

Ngoài ra, ông Thuân cho rằng quy định cho phép TCTD được mua lại TPDN chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên UpCOM mà TCTD trước đó đã bán ra đến trước ngày 31/12/2023 sẽ giảm áp lực mà một số TCTD đang gặp phải do trước đó đã phân phối cho nhà đầu tư trong khi Tổ chức phát hành gặp khó khăn về dòng tiền và không thể mua lại. Điều này cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát chất lượng tín dụng bởi ngân hàng đối với tổ chức phát hành và thường cũng là khách hàng vay vốn của TCTD.

Quy định TCTD phải sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán số tiền mua TPDN cho doanh nghiệp hoặc bên bán TPDN cũng giúp kiểm soát giao dịch và mục đích sử dụng vốn của doanh nghiệp phát hành.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//tien-te/kho-giai-cuu-thanh-khoan-cho-thi-truong-trai-phieu-1091654.html