Khó khăn bủa vây ngành đường sắt
Từ đầu năm, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ việc sẽ buộc phải tạm dừng chạy tàu nếu không được giao dự toán ngân sách; đặc biệt dịch Covid-19 khiến doanh thu sụt giảm nghiêm trọng.
Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành đường sắt, khiến doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Ảnh: TL
Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm sản lượng thực hiện được khoảng 3.087 tỷ đồng, bằng 78,6% cùng kỳ; doanh thu chỉ đạt 3.023 tỷ đồng, bằng 80,6% cùng kỳ. Trong đó, công ty mẹ doanh thu điều hành giao thông vận tải thực hiện 823,8 tỷ, bằng 75,9% cùng kỳ.
Dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến các hoạt động sản xuất kinh doanh đường sắt nên nhiều chỉ tiêu kinh tế sụt giảm mạnh so cùng kỳ 2019. Khối vận tải ảnh hưởng nặng nề nhất do phải dừng chạy nhiều tàu khách trên các tuyến.
Do tác động của đại dịch, ngành đường sắt đã phải cắt giảm gần như toàn bộ các đoàn tàu khách nội địa và liên vận quốc tế, chỉ duy trì duy mỗi ngày một đôi tàu Thống nhất Bắc - Nam để phục vụ đi lại của người dân. Sản lượng hành khách, hàng hóa đã giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử.
Thống kê từ tháng 2 - 5/2020, Tổng công ty đã giảm khai thác 2.886 chuyến tàu so với cùng kỳ. Sau khi gỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội nhưng chưa công bố hết dịch, đến nay tỷ lệ chiếm chỗ trên các đoàn tàu cũng chỉ đạt trên dưới 56%.
Mặc dù vận tải hàng hóa vẫn duy trì được ổn định, bù đắp cho vận tải hành khách nhưng tính chung doanh thu vận tải vẫn chỉ đạt khoảng 1.631 tỷ, bằng 70% cùng kỳ. Dự kiến 6 tháng đầu năm lỗ từ hoạt động vận tải khoảng 450,6 tỷ đồng.
Dịch Covid-19 cũng đã khiến hơn 4 nghìn người lao động phục vụ các đoàn tàu khách thuộc các đơn vị vận tải đường sắt bị thiếu việc làm. Số lao động thiếu việc làm chiếm tỷ lệ khoảng 78,3% số lao động hiện có phục vụ vận tải của các công ty CP vận tải đường sắt.
Trước đó, vào cuối tháng 2/2020 ngành đường sắt đã đứng trước nguy cơ dừng chạy tàu trên phạm vi toàn quốc. Nguyên nhân là do khi Tổng công ty chuyển từ Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thì gặp phải những vướng mắc do cơ chế chính sách thay đổi người đại diện về quản lý vốn.
Theo Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Vũ Anh Minh khi đơn vị vẫn thuộc Bộ GTVT, trước ngày 31/12 hàng năm, Bộ sẽ giao dự toán ngân sách tiếp đến Tổng công ty sẽ thực hiện ký hợp đồng đặt hàng công ích với 20 công ty cổ phần làm nhiệm vụ tuần đường, gác chắn, đảm bảo thông tin tín hiệu của đường sắt.
Nhưng đến cuối tháng 2/2020, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vẫn chưa nhận được dự toán khiến trên 1,1 vạn người lao động không có tiền lương.
Thông tin từ Tổng Giám đốc VNR Đặng Sỹ Mạnh cho rằng, để khắc phục những khó khăn, phục hồi hoạt động ngành đường sắt thì các chỉ tiêu, kế hoạch sản xuất kinh doanh những tháng cuối năm cần phải điều chỉnh, sát với thực tế.
Trước mắt là điều chỉnh phương án giá điều hành giao thông vận tải cho phù hợp với tình hình hiện tại, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Công ty Mẹ và các công ty cổ phần vận tải.
Xây dựng biểu đồ chạy tàu với các hành trình chạy tàu hợp lý, hoàn thành điều chỉnh Biểu đồ chạy tàu tuyến Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt sẵn sàng thực hiện khi triển khai các dự án sử dụng gói 7.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng của kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020.
Tăng cường hợp tác kêu gọi nguồn vốn vay ưu đãi từ Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế để mua sắm máy móc, trang thiết bị, vật tư hiện đại hóa, cơ giới hóa công tác quản lý, bảo trì, duy tu kết cấu hạ tầng đường sắt, điều hành giao thông vận tải,...
Tập trung mọi nguồn lực và triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao doanh thu, sản lượng vận tải, tiết kiệm chi phí và đảm bảo đời sống, việc làm cho người lao động. Hướng tới một số sản phẩm vận tải hành khách theo chương trình kích cầu du lịch nội địa và phù hợp với chủ trương định hướng tăng cường vận tải hàng hóa góp phần tăng sản lượng và doanh thu.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/kho-khan-bua-vay-nganh-duong-sat-post86053.html