Khó khăn khi luân chuyển công chức địa chính cấp xã

Công chức địa chính cấp xã là 1 trong 4 vị trí việc làm phải định kỳ chuyển đổi công tác. Do tính chất đặc thù, việc chuyển đổi vị trí này có những mặt tích cực nhưng cũng phát sinh một số khó khăn.

Nhu cầu giao dịch, giải quyết các thủ tục liên quan đến đất đai của thị trấn Phú Thái (Kim Thành) rất lớn khiến anh Trần Văn Thuận gặp không ít khó khăn khi thực hiện luân chuyển

Nhu cầu giao dịch, giải quyết các thủ tục liên quan đến đất đai của thị trấn Phú Thái (Kim Thành) rất lớn khiến anh Trần Văn Thuận gặp không ít khó khăn khi thực hiện luân chuyển

Khó thông thuộc địa bàn

Tháng 9/2021, anh Trần Văn Thuận, công chức địa chính xã Phúc Thành (Kim Thành) được luân chuyển sang công tác tại thị trấn Phú Thái. Mặc dù đã có trên 10 năm làm về địa chính nhưng khi làm việc ở đơn vị mới, anh Thuận gặp không ít khó khăn. Khó khăn lớn nhất là không thông thuộc địa bàn, trong khi đó hầu hết nguồn gốc đất của các hộ dân trên địa bàn thị trấn Phú Thái rất phức tạp, đa dạng, luôn biến động, nhiều hồ sơ gốc không có hoặc có từ 30 – 40 năm trước khiến việc tiếp cận, quản lý, rà soát, xác minh để thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân và giải quyết các tranh chấp rất phức tạp. “Đất đai là lĩnh vực có tính đặc thù. Người làm ở vị trí này ngoài kiến thức, kinh nghiệm đòi hỏi phải am hiểu sâu sắc địa bàn, nắm chắc mọi biến động về đất đai trong từng khu dân cư, từng gia đình. Vì vậy, công chức địa chính luân chuyển như tôi gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ”, anh Thuận nói.

Sau hơn 1 năm luân chuyển từ vị trí công chức địa chính xã Kiến Quốc sang công chức địa chính xã Hồng Phong (Ninh Giang) anh Bùi Văn Dụng vẫn chưa thể thuộc hết địa bàn ở xã mới. Việc chưa thuộc địa bàn, chưa nắm chắc nguồn gốc nhiều loại đất khiến anh Dụng gặp không ít khó khăn. “Địa bàn mới, rộng lại phức tạp về nguồn gốc sử dụng đất nên mỗi khi xác định để giải quyết nhu cầu của người dân, tổ chức tôi phải mất nhiều thời gian tìm hiểu, xác minh. Có những loại đất, thửa đất hồ sơ gốc không còn lưu trữ, trong khi đó đất đai thực tế đã biến động rất nhiều so với hồ sơ đề nghị giải quyết thì việc xác minh còn khó khăn hơn nhiều. Nếu công chức địa chính là người địa phương, am hiểu địa bàn, nắm rõ vị trí, nguồn gốc đất thì việc xác minh, tham mưu cho chính quyền địa phương giải quyết các vấn đề về đất đai sẽ thuận lợi hơn”, anh Dụng cho biết.

Theo Trưởng phòng Nội vụ huyện Ninh Giang Nguyễn Tuấn Hải, từ năm 2022 đến nay, huyện đã thực hiện luân chuyển 7 công chức địa chính xã. Việc luân chuyển bước đầu mang lại một số kết quả tích cực như hạn chế, ngăn ngừa tiêu cực, nhũng nhiễu. Tuy nhiên, lĩnh vực địa chính rất phức tạp, khối lượng công việc lớn đòi hỏi công chức phải có trình độ, kinh nghiệm, đồng thời nắm chắc địa bàn, nguồn gốc đất, thậm chí còn phải biết cả các mối quan hệ của người chủ sử dụng đất. Trong khi đó, công chức luân chuyển đều không phải người địa phương nên việc tiếp cận địa bàn, hồ sơ địa chính mất rất nhiều thời gian. Ngoài ra, thời gian quy định luân chuyển hiện nay từ 2 – 5 năm cũng còn bất cập, bởi sau khi luân chuyển, mỗi công chức lại cần ít nhất 2 – 3 năm để thuộc địa bàn, nắm chắc diện tích đất của địa phương. Với thời gian luân chuyển như trên thì có khi công chức vừa thuộc được địa bàn thì lại đến thời gian luân chuyển.

Khắc phục

Khắc phục khó khăn sau khi luân chuyển từ công chức địa chính xã Kiến Quốc sang xã Hồng Phong (Ninh Giang, Hải Dương), anh Bùi Văn Dụng (người ngồi đầu tiên) làm địa chính xã Hồng Phong dành nhiều thời gian nghiên cứu bản đồ địa giới hành chính xã cả trên hồ sơ và thực địa

Khắc phục khó khăn sau khi luân chuyển từ công chức địa chính xã Kiến Quốc sang xã Hồng Phong (Ninh Giang, Hải Dương), anh Bùi Văn Dụng (người ngồi đầu tiên) làm địa chính xã Hồng Phong dành nhiều thời gian nghiên cứu bản đồ địa giới hành chính xã cả trên hồ sơ và thực địa

Để khắc phục khó khăn sau khi luân chuyển từ công chức địa chính xã Kiến Quốc sang xã Hồng Phong, anh Bùi Văn Dụng đã dành nhiều thời gian nghiên cứu bản đồ địa giới hành chính xã cả trên hồ sơ và thực địa. Anh cũng thường xuyên làm việc ngoài giờ, xuống thực địa tại các thôn, xóm để nắm bắt tình hình, đo đạc, cập nhật kịp thời các biến động đất đai. Đối với những hồ sơ, nguồn gốc đất chưa rõ ràng, thiếu thông tin, anh phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo thôn kiểm tra, xác minh, giải quyết kịp thời các ý kiến, kiến nghị của nhân dân liên quan đến lĩnh vực đất đai.

Là công chức địa chính luân chuyển từ xã Nam Hưng sang xã Quốc Tuấn (Nam Sách) từ tháng 8/2022, phải mất nhiều tháng sau anh Nguyễn Hữu Hồng mới dần quen địa bàn. Ngoài việc dành nhiều thời gian hơn để đi cơ sở nắm bắt địa bàn; cập nhật, đối chiếu hồ sơ trên bản đồ với thực tế... mỗi khi giải quyết những vụ việc liên quan đến đất đai có tính chất phức tạp, nguồn gốc đất không rõ ràng, thiếu hồ sơ gốc, anh Hồng đều tranh thủ sự hỗ trợ của nguyên công chức địa chính xã Quốc Tuấn (nay đã luân chuyển sang xã Nam Hưng) để xác minh lại. “Thuận lợi là công chức địa chính xã Quốc Tuấn và Nam Hưng chuyển đổi cho nhau nên mỗi khi cần kiểm tra, xác minh trường hợp cụ thể nào tôi đều nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của công chức địa chính xã trước đây. Ngược lại khi đồng chí cần hỗ trợ tôi cũng sẵn sàng. Việc phối hợp, trao đổi thông tin giúp chúng tôi kịp thời giải quyết các thủ tục liên quan đất đai của nhân dân hai địa phương, khắc phục được phần nào những khó khăn", anh Hồng nói.

Để khắc phục khó khăn về thời gian đối với việc định kỳ thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức cấp xã, năm 2023 huyện Tứ Kỳ cũng đồng loạt điều chỉnh thời gian luân chuyển là 5 năm thay vì 3 năm như trước đây đối với các vị trí. Điều này không chỉ giúp công chức thuộc diện luân chuyển nắm sát địa bàn, quen công việc và cũng yên tâm hơn khi làm việc tại xã mới.

Theo Sở Nội vụ tỉnh, việc định kỳ chuyển đổi các vị trí công tác đối với công chức cấp xã được thực hiện theo Luật Phòng chống tham nhũng, các nghị định của Chính phủ và danh mục vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi của UBND tỉnh... Trên cơ sở đó, hằng năm các địa phương xây dựng kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác. Địa chính là 1 trong 4 vị trí phải định kỳ chuyển đổi. Việc chuyển đổi cũng đã bộc lộ không ít khó khăn. Để thực hiện hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện tốt chính sách luân chuyển để công chức diện luân chuyển yên tâm, gắn bó, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

TRƯƠNG HÀ

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/kho-khan-khi-luan-chuyen-cong-chuc-dia-chinh-cap-xa-361007.html