Khó khăn khi truy tìm độc tố hiếm gặp

Thời gian qua, nhiều bệnh viện ghi nhận các trường hợp nhiễm chất kịch độc rất hiếm gặp. Không chỉ chạy đua với thời gian để cứu người, các bác sĩ còn phải xác định chất độc cụ thể để điều trị hiệu quả. Thế nhưng, việc xác định này lại gặp nhiều khó khăn.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang, Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy thăm khám một trường hợp ngộ độc cấp

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang, Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy thăm khám một trường hợp ngộ độc cấp

Khu trú độc tố

Cuối tháng 6 vừa qua, em N.H.B.T. (18 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) được chuyển đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TPHCM) trong tình trạng hôn mê, mất tri giác đột ngột, rối loạn nhịp tim. Sau khi loại bỏ nguy cơ về bệnh tim mạch, BS Nguyễn Phạm Cao Khoa (Khoa Nội tim mạch - lão học) và đồng nghiệp chú ý đến tình trạng phù phổi, giãn đồng tử, lactate máu tăng cao. Dấu hiệu này hướng nghi ngờ đến khả năng ngộ độc cấp, nghi ngờ do chất độc Xyanua vì cơ chế gây độc hô hấp tế bào, làm lactate máu tăng cao.

“Người bệnh có thể tử vong trên đường chuyển lên tuyến trên, chúng tôi không thể trì hoãn “thời gian vàng”. Qua hội chẩn với chuyên gia chống độc của Bệnh viện Chợ Rẫy, ê kíp lập tức lọc máu hấp phụ để loại bỏ độc chất”, BS Nguyễn Phạm Cao Khoa thông tin. Tình trạng người bệnh cải thiện sau lọc máu. Tuy nhiên, phải đến 2 ngày sau mới có kết quả xác định tìm thấy Xyanua trong dịch dạ dày của người bệnh.

Tương tự, tháng 10-2023, ông P.M.T. (55 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang) bị khó thở, buồn nôn và mất tri giác sau khi uống một loại sữa bột, được cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp, nguy cơ tử vong rất cao. Lập tức, BS Nguyễn Ngọc Sang (Khoa Bệnh nhiệt đới) gọi điện thoại thảo luận với trưởng khoa, thống nhất nhận định đây là ca ngộ độc cấp. Người bệnh được lọc máu để lấy một phần độc chất ra khỏi cơ thể, diễn tiến cải thiện đáng kể, cho thấy hướng điều trị đã đúng.

Song song với cứu người, các bác sĩ gấp rút truy tìm độc chất. Khai thác từ gia đình ghi nhận thông tin mẹ và em trai người bệnh đã tử vong vài ngày trước, nghi ngờ uống cùng loại sữa bột. Dựa trên diễn tiến lâm sàng, cận lâm sàng, tình trạng nhiễm độc, các bác sĩ hướng nghi ngờ đến 5 độc chất cực mạnh, không màu, không mùi vị như: Xyanua, nhóm thuốc trừ sâu organophosphate/carbamat, arsen (thạch tín), strychnin (bột mã tiền), botulinum. Điều tra của cơ quan công an tỉnh Tiền Giang sau đó cho thấy, thủ phạm đã trộn bả chó vào sữa bột để đầu độc người thân.

Khó khăn xác định độc chất

Năm 2020, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) là cơ sở đầu tiên báo cáo khẩn đến Bộ Y tế về ngộ độc thực phẩm nghi do độc tố botulinum. Sau đó, các ca bệnh tương tự xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành phố gây xôn xao dư luận. Các bác sĩ không tránh khỏi lúng túng bước đầu vì đây là loại độc tố nguy hiểm chưa từng gặp. Việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn do thuốc giải độc botulinum không có sẵn trong nước.

Trong khi đó, tại Bệnh viện Chợ Rẫy, có khoảng 14.294 người bệnh bị nhiễm độc cấp được điều trị trong 10 năm qua, tỷ lệ thành công hơn 95%. Trong đó, khoảng 50% người bệnh cần hồi sức cấp cứu tích cực với biện pháp thở máu, lọc máu, thay huyết tương. Bệnh viện Chợ Rẫy cũng ghi nhận các loại ngộ độc hiếm gặp, độc chất mới, các sản phẩm chứa nhiều loại độc chất làm thay đổi triệu chứng lâm sàng.

Theo TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Trưởng đơn vị Chống độc, Bệnh viện Chợ Rẫy, việc chẩn đoán và xác định độc chất rất khó khăn, thời gian chờ kết quả có thể kéo dài, trong khi người bệnh có thể tử vong trong vài phút. Bác sĩ phải đào sâu các yếu tố dịch tễ về môi trường sống, công việc để tìm các manh mối và suy xét. Ví dụ, nếu người bệnh là nông dân thì có thể nguy cơ nhiễm độc do tiếp xúc với thuốc trừ sâu; nếu là thợ làm vàng thì nghĩ đến Xyanua…

Kết hợp triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng, dịch tễ, bác sĩ sẽ phán đoán và khu trú chất độc nghi ngờ để đề nghị xét nghiệm. Tuy vậy, khó khăn lớn hiện nay là khả năng xét nghiệm tìm độc chất và xác định nồng độ độc chất còn hạn chế. Một số độc chất phải xét nghiệm gián tiếp để chứng minh. Có trường hợp ngộ độc nhưng kết quả ở dịch dạ dày, phân, máu, nước tiểu đều âm tính do kỹ thuật xét nghiệm chỉ tìm được nếu độc chất ở nồng độ cao.

“Các bệnh viện cần chủ động liên hệ với các trung tâm có đủ chức năng về kỹ thuật và pháp lý để trả lời chính xác về độc tố. Khi đó, việc điều trị và phục hồi của người bệnh sẽ cải thiện rất nhiều”, TS-BS Lê Quốc Hùng nêu ý kiến.

Hiện nay, Bệnh viện Chợ Rẫy đã xây dựng quy trình phối hợp xét nghiệm tìm độc chất với Trung tâm pháp y TPHCM, phối hợp nghiên cứu khoa học với trung tâm chống độc tại Anh và Đài Loan (Trung Quốc)… nhằm nâng cao chất lượng điều trị.

Theo nhiều chuyên gia, bên cạnh khó khăn về xét nghiệm tìm độc chất, ngành chống độc tại Việt Nam cũng đối mặt với các thách thức như: nhiều loại thuốc giải độc rất đắt tiền và không có sẵn; chưa có sự kết nối giữa các đơn vị hồi sức cấp cứu chống độc; nghiên cứu khoa học về lĩnh vực bệnh nhiễm độc rất hạn chế; thiếu chuyên gia về hồi sức chống độc; phác đồ điều trị chưa được bổ sung, cập nhật theo sự phát triển của khoa học kỹ thuật.

GIAO LINH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/kho-khan-khi-truy-tim-doc-to-hiem-gap-post751621.html