Khó khăn triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bậc THPT
Năm học 2022 - 2023 Chương trình GDPT 2018 bậc THPT sẽ triển khai, bên cạnh việc thực hiện các văn bản, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình triển khai, thực hiện.
Giáo viên trường THPT Quan Sơn, huyện Quan Sơn phổ biến quy chế trong một kỳ thi của nhà trường.
Chương trình GDPT 2018 bậc THPT triển khai giúp học sinh tiếp tục phát triển phẩm chất, năng lực cần thiết, khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực, sở thích, điều kiện và hoàn cảnh bản thân để tiếp tục học lên, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động.
Khảo sát tại một số trường THPT trên địa bàn tỉnh, mặc dù có nhiều ưu điểm vượt trội, song Chương trình GDPT mới đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho các cơ sở giáo dục. Điển hình trong việc sắp xếp đội ngũ giáo viên giảng dạy, đặc biệt đối với các môn học mới, cơ sở vật chất, trang thiết bị…
Thầy Nguyễn Minh Đạo, Hiệu trưởng Trường THPT Quan Sơn (huyện Quan Sơn) cho biết, cái khó của nhà trường không chỉ là thiếu giáo viên giảng dạy môn học mới là Mỹ thuật, Âm nhạc. Hiện học sinh vào đầu năm học mới được nhà trường cho mượn sách giáo khoa phục vụ nhu cầu học tập. Hết năm học, học sinh sẽ trả lại sách đã mượn cho nhà trường. Năm học 2022 - 2023, học sinh lớp 10 sẽ học sách giáo khoa mới. Như vậy, nếu thực hiện cho học sinh mượn sách, nhà trường sẽ phải mua mới 252 bộ cho 252 học sinh lớp 10. Với điều kiện trường miền núi việc bỏ ra số tiền lớn để thực hiện quả thực quá sức của nhà trường. Trong khi đó, trường hiện cũng chưa có khu nhà hiệu bộ, nhà đa năng, khu nhà phòng học bộ môn…
Liên quan đến giáo viên giảng dạy môn Mỹ Thuật, Âm nhạc, thầy Nguyễn Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường THPT Quảng Xương 2 (huyện Quảng Xương) chia sẻ, đây là 2 môn học mới trong Chương trình GDPT, hiện nhà trường cơ bản đủ chỉ tiêu giáo viên ở các môn học, nhưng không có giáo viên dạy các môn học này. Nếu có hợp đồng, nhà trường cũng không có nguồn để chi trả lương. Chưa kể, trường cũng không có kinh phí để đầu tư mua sắm trang thiết bị, xây dựng phòng học cho các môn học trên.
Với Chương trình GDPT 2018, học sinh sẽ được trải nghiệm nhiều môn học mới.
Cô Nguyễn Thị Lệ, Hiệu trưởng trường THPT Tô Hiến Thành (TP. Thanh Hóa) cho rằng, theo Chương trình GDPT mới đối với lớp 10, ngoài 7 môn học bắt buộc (Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục địa phương), học sinh sẽ được lựa chọn 5 môn/3 nhóm môn học, trong đó mỗi nhóm môn học sinh phải đăng ký ít nhất một môn học theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Ngoài ra, học sinh sẽ được học một số chủ đề tự chọn. Tuy nhiên, Chương trình mới có tới 108 nhóm môn, nếu để các em lựa chọn, nhà trường cũng chưa đáp ứng được trong tình hình hiện nay. Do đó, nhà trường phải tư vấn cho học sinh chọn tổ hợp môn học hợp lý để hài hòa nhu cầu học sinh và điều kiện thực tế nhà trường.
Để giải quyết những vấn đề trên, ông Tạ Hồng Lựu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết, hiện Sở đang phối hợp, chỉ đạo các trường THPT rà soát, chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Đầu năm học mới sẽ cấp gói thiết bị dạy học cho khối lớp 7 - 10, dự kiến khoảng 200 tỷ đồng. Đối với việc lựa chọn sách giáo khoa, Sở GD&ĐTđã báo cáo, chờ tỉnh phê duyệt sau đó đưa ra phương án. Riêng về đội ngũ giáo viên 2 môn Mỹ Thuật, Âm nhạc, Sở GD&ĐT cũng đã tham mưu với tỉnh, có thể tuyển dụng thêm giáo viên hoặc trước mắt có thể điều động giáo viên dạy liên trường…
Năm học 2022 - 2023, Thanh Hóa có 88 trường THPT, 24 Trung tâm GDNN-GDTX có lớp 10, đồng nghĩa phải bổ sung ít nhất 69 giáo viên Âm nhạc, 69 giáo viên dạy Mỹ thuật. Đến năm học 2024 - 2025 sẽ thiếu 408 giáo viên cho 2 môn học trên.