Khó khăn trong công tác giáo dục nghề nghiệp

Nhờ triển khai tích cực các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, công tác giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác này vẫn còn tồn tại những khó khăn.

 Nghề chế biến thủy hải sản phù hợp với lao động vùng biển - Ảnh: T.L

Nghề chế biến thủy hải sản phù hợp với lao động vùng biển - Ảnh: T.L

Thời gian qua, công tác phát triển nguồn nhân lực luôn được tỉnh quan tâm thực hiện thông qua việc triển khai nhiều chính sách, đề án mang lại nhiều kết quả thiết thực, làm cơ sở thực hiện hiệu quả quy hoạch phát triển nguồn nhân lực thời kỳ 2022 - 2030. Trong năm 2021, trước diễn biến phức tạp của COVID-19 đã ảnh hưởng đến tất cả các mặt của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực GDNN. Vượt qua những khó khăn, hoạt động GDNN ngày càng được đổi mới, đi vào chiều sâu, đã mang lại hiệu ứng tích cực, tạo được sự thống nhất trong triển khai các chính sách liên quan đến lĩnh vực GDNN, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và chất lượng đào tạo. Theo đó, công tác bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý GDNN được quan tâm thông qua việc mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý và tư vấn đào tạo nghề, tư vấn việc làm cho lao động nông thôn (LĐNT).

Năm 2021, toàn tỉnh tổ chức tuyển sinh, đào tạo được 91 lớp đào tạo nghề cho LĐNT với 2.490 học viên. Trong đó, nghề nông nghiệp có 33 lớp với 774 học viên; nghề phi nông nghiệp có 58 lớp với 1.716 học viên. LĐNT sau khi học nghề đã áp dụng kiến thức được học vào phát triển kinh tế, góp phần nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm được chi phí sản xuất; được tiếp nhận làm việc tại các doanh nghiêp. Nhờ vậy thu nhập, năng suất lao động được cải thiện; nhiều lao động biết vận dụng kiến thức được học vào phát triển kinh tế hộ gia đình, bước đầu thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn, góp phần thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Sau học nghề có trên 70% LĐNT có việc làm hoặc tự tạo việc làm.

Công tác gắn kết với doanh nghiệp trong tổ chức đào tạo, giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp bước đầu đi vào chiều sâu, hoạt động hiệu quả. Việc tuyển sinh GDNN có nhiều chuyển biến tích cực, năm 2021, GDNN tuyển sinh đào tạo được 8.837 người, đạt 103,96% kế hoạch năm, trong đó, trình độ cao đẳng có 122 người, trung cấp có 628 người; trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác có 8.087 người. Tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 68,5% (đạt 100% kế hoạch); lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt 32% (đạt 100% kế hoạch). Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyển sinh, chất lượng đào tạo tại các cơ sở GDNN trên địa bàn cũng ngày càng được nâng lên. Kỹ năng nghề nghiệp của người tốt nghiệp các cơ sở GDNN được cải thiện.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác GDNN trên địa bàn tỉnh vẫn bộc lộ những hạn chế, khó khăn như: Cơ cấu trình độ đào tạo trong GDNN chưa hợp lý, chủ yếu vẫn là đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên, ngắn hạn (chiếm hơn 90,7%), trình độ trung cấp, cao đẳng chỉ chiếm khoảng 9,27% trên tổng số tuyển sinh đào tạo. Cùng với đó là cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo nghề nói chung và đào tạo nghề chất lượng cao của các cơ sở GDNN vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Chương trình, giáo trình đào tạo của các cơ GDNN chưa đáp ứng được với yêu cầu của thị trường lao động. Kỹ năng thực hành của nhà giáo tại một số cơ sở GDNN còn hạn chế, chưa đảm bảo thực hiện việc dạy học tích hợp; tỉ lệ giáo viên chuẩn hóa về chuyên môn nghiệp vụ còn thấp. Việc gắn kết với doanh nghiệp còn nhiều hạn chế; chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của doanh nghiệp chỉ được sử dụng, tuyển dụng lao động đã qua đào tạo nghề nghiệp ở tất cả các lĩnh vực lao động theo quy định của Luật GDNN; nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức đúng về trách nhiệm xã hội trong việc tham gia hoạt động GDNN.

Việc huy động các nguồn lực đầu tư cho GDNN chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; ngân sách đầu tư cho GDNN tuy có tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa tương xứng với mục tiêu nhiệm vụ đề ra; chưa ưu tiên nguồn lực đầu tư cho phát triển GDNN. Quy mô đào tạo của nhiều cơ sở GDNN không đồng đều; việc sáp nhập cơ sở GDNN còn mang tính hành chính, cơ học chưa có cơ chế quản lý thống nhất giữa các ngành và địa phương đối với các Trung tâm GDNN- GDTX cấp huyện và chưa có cơ chế đảm bảo hiệu quả hoạt động của các cơ sở GDNN sau sắp xếp. Công tác đào tạo nghề cho LĐNT được quan tâm nhưng số lượng LĐNT tham gia các khóa đào tạo nghề vẫn còn thấp; hiệu quả sau đào tạo nghề vẫn chưa cao. Công tác thanh, kiểm tra một số nơi vẫn chưa được quan tâm triển khai thực hiện thường xuyên; việc thực hiện quy trình và thủ tục các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn của một số đơn vị chưa được đảm bảo theo quy định.

Trước những khó khăn trong công tác GDNN, vấn đề đặt ra là các ngành, địa phương cần làm tốt công tác điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề của LĐNT, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp. Đồng thời rà soát, bổ sung danh mục nghề đào tạo có trình độ phù hợp với nhu cầu của các địa phương. Việc hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo cho các cơ sở GDNN cũng cần được quan tâm thực hiện. Cùng với đó là công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, người dạy nghề. Để khắc phục những hạn chế trong công tác GDNN, bên cạnh sự nỗ lực của ngành chức năng, địa phương cũng như các cơ sở đào tạo nghề cần có sự chung tay của doanh nghiệp trong việc giải quyết đầu ra cho sản phẩm, giải quyết việc làm sau đào tạo…

Thanh Lê

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=165504&title=kho-khan-trong-cong-tac-giao-duc-nghe-nghiep