Khó khăn trong tìm kiếm nhà tài trợ chính sách khí hậu
Trong bối cảnh Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu COP28 chuẩn bị diễn ra cuối năm nay, câu hỏi về việc ai sẽ chi trả cho các chính sách khí hậu một lần nữa trở thành chủ đề nóng.
Về mặt định nghĩa, tài chính khí hậu đề cập tới số tiền mà các quốc gia giàu có sẽ chi trả để giúp các quốc gia kém phát triển hơn giảm lượng khí thải CO2 và thích nghi với một thế giới nóng hơn, khắc nghiệt hơn. Thỏa thuận tài trợ khí hậu của Liên Hợp Quốc dựa trên nguyên tắc rằng các nước phát triển có trách nhiệm lớn hơn trong việc giải quyết biến đổi khí hậu do họ đóng góp phần lớn lượng khí thải CO2 làm nóng hành tinh kể từ cuộc cách mạng công nghiệp.
EU hiện là nhà tài trợ lớn nhất cho tài chính khí hậu trong khi danh sách các quốc gia tài trợ được quyết định trong các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên Hợp Quốc vào năm 1992. Tuy nhiên, tình hình kinh tế thế giới hiện tại đã có nhiều biến động và EU đang vận động hành lang để mở rộng nhóm các quốc gia cung cấp tài chính khí hậu.
So với năm 1992, quy mô nền kinh tế Trung Quốc hiện đã lớn hơn nhiều lần so với Italy và nước này hiện cũng là quốc gia phát thải nhiều thứ 2 toàn cầu. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và lượng khí thải ngày càng tăng, Bắc Kinh đang chịu áp lực ngày càng lớn trong việc gia nhập nhóm các quốc gia cung cấp khoản tài trợ này.
Theo Reuters, trong khuôn khổ cuộc hội đàm tại Bắc Kinh từ 16 – 19/7, đặc phái viên về khí hậu của Mỹ John Kerry cho biết Washington và Bắc Kinh sẽ tiếp tục thảo luận về tài chính khí hậu trong 4 tháng tới, trước khi hội nghị COP28 khai mạc vào ngày 30/11. Trước đó, các quan chức Mỹ bao gồm cả Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen từng nhận định rằng những đóng góp của Trung Quốc sẽ nâng cao hiệu quả của quỹ khí hậu của Liên Hợp Quốc.
Bên cạnh Trung Quốc, các quốc gia khác chịu áp lực tương tự còn bao gồm Qatar, Singapore và UAE – 3 trong số các quốc gia sở hữu tỷ lệ GDP bình quân đầu người cao nhất thế giới.
Tuy nhiên tính tới thời điểm hiện tại, Trung Quốc vẫn luôn phản đối các lời kêu gọi phân loại nước này cùng nhóm với các quốc gia giàu có. Trong cuộc gặp với đặc phái viên khí hậu John Kerry hôm 18/7, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường nhấn mạnh rằng các nước phát triển nên thực hiện các cam kết tài chính khí hậu chưa hoàn thành và đi đầu trong việc cắt giảm khí thải. Về phía các quốc gia đang phát triển, ông đề nghị họ đóng góp “trong khả năng của mình”.
Động thái này cho thấy rõ việc thay đổi danh sách các nhà tài trợ chính thức của Liên Hợp Quốc đang gặp phải những thách thức gì. Ngoài các thách thức này, bản thân việc tài trợ khí hậu của các nước giàu có cũng không có nhiều tiến triển trong khi các quốc gia còn đặt mục tiêu thành lập một quỹ khí hậu mới tại COP28.
Trước mắt, EU đã đồng ý tài trợ khí hậu nhưng với điều kiện một nhóm các quốc gia lớn hơn cùng cùng chi trả cho quỹ này. Hiện danh sách các quốc gia đóng góp vẫn chưa được quyết định. Về phía Mỹ – quốc gia phát thải khí nhà kính nhiều nhất trong lịch sử – chính phủ nước này vẫn luôn thận trọng trong việc tài trợ cho các chính sách có thể được nhìn nhận như biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, một số quốc gia lại bắt đầu chuyển viện trợ thông qua các kênh khác. Những thỏa thuận này cho phép các quốc gia không có nghĩa vụ đối với quỹ khí hậu của Liên Hợp Quốc đóng góp, nhưng cũng gây ra một số vấn đề trong việc theo dõi số tiền và điểm đến cuối cùng.