Khó như tìm vàng

Trong khi các mỏ vàng hiện có dần dần cạn kiệt, việc tìm kiếm các mỏ vàng mới lại vô cùng khó khăn. Thực tế này khiến ngành công nghiệp khai thác vàng của thế giới đang đối mặt với cảnh 'tìm không thấy, đào không ra' và bởi vậy, vàng ngày càng trở nên khan hiếm.

Theo hãng tin CNBC, Hội đồng Vàng thế giới (WGC) mới đây cho rằng ngành công nghiệp khai thác vàng của thế giới đang phải chật vật để duy trì đà tăng trưởng sản lượng trong bối cảnh vàng ngày càng trở nên khó tìm hơn. Theo Giám đốc chiến lược thị trường của WGC John Reade, mặc dù sản lượng khai thác vàng trong quý đầu tiên của năm 2024 đã tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng nếu nhìn tổng thể thì kể từ giai đoạn 2016-2018 đến nay, sản lượng khai thác vàng không ghi nhận sự tăng trưởng nào. Số liệu do Hiệp hội Thương mại quốc tế công bố cũng cho thấy, sản lượng khai thác vàng năm 2023 chỉ tăng 0,5% so với năm 2022. Trước đó, năm 2020, sản lượng vàng toàn cầu đã giảm lần đầu tiên trong vòng một thập kỷ. Ông Reade nhấn mạnh, sau 10 năm ghi nhận mức tăng trưởng nhanh chóng kể từ năm 2008, giờ đây ngành khai thác vàng đang phải vật lộn để có thể đạt mức tăng trưởng bền vững.

 Bên trong một mỏ khai thác vàng của công ty Bellevue Gold ở phía Tây Australia. Ảnh: Australian Mining

Bên trong một mỏ khai thác vàng của công ty Bellevue Gold ở phía Tây Australia. Ảnh: Australian Mining

Giải thích về thực tế nói trên, ông Reade nói rằng nguyên nhân là nhiều khu vực tiềm năng đã được khai phá, khiến việc tìm kiếm các mỏ vàng mới trên khắp thế giới trở nên khó khăn hơn so với trước đây. WGC cũng đánh giá, việc khai thác vàng quy mô lớn đòi hỏi nhiều vốn và thời gian thăm dò, phát triển, trung bình từ 10 đến 20 năm để một mỏ vàng sẵn sàng đi vào khai thác. Ngoài ra, khả năng phát hiện các mỏ vàng có thể khai thác hiện nay cũng thấp, cụ thể là chỉ 10% số mỏ có đủ vàng để chuyển sang giai đoạn khai thác.

Tính đến nay, có khoảng 187.000 tấn vàng đã được khai thác, chủ yếu là từ Trung Quốc, Nam Phi và Australia. Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ cho biết thêm, trữ lượng vàng có thể khai thác hiện ước tính khoảng 57.000 tấn.

Giám đốc chiến lược thị trường của WGC Reade cũng nêu rõ một thực tế khác, đó là việc khai thác vàng đang trở nên khó khăn hơn do cần nhiều thời gian cho quá trình xin giấy phép khai thác từ chính phủ các nước. Thường thì để bắt đầu đi vào hoạt động, các công ty khai thác vàng có thể mất vài năm cho quá trình xin giấy phép.

Thêm vào đó, nhiều dự án khai thác được lên kế hoạch cho các khu vực xa xôi còn đòi hỏi phải có hạ tầng như đường, điện và nước, khiến chi phí xây dựng và hoạt động của các mỏ vàng bị đội lên cao. “Việc tìm kiếm vàng, cấp phép, cấp vốn và vận hành các mỏ khai thác ngày càng khó khăn hơn”, ông Reade rút ra kết luận.

Trên cơ sở dữ liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đầu tháng 3 năm nay, WGC đã công bố danh sách 10 quốc gia có dự trữ vàng lớn nhất thế giới. Theo đó, tính đến hết năm 2023, Mỹ đứng đầu danh sách với 8.133 tấn, gần bằng tổng số lượng vàng dự trữ của 3 quốc gia đứng ngay phía sau là Đức, Italy và Pháp cộng lại. Tiếp đó lần lượt là các nước: Nga, Trung Quốc, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Ấn Độ và Hà Lan. Các chuyên gia của WGC nhận định mức tiêu thụ vàng ở các nền kinh tế lớn mới nổi của thế giới đang tăng lên, phần lớn tập trung ở khu vực châu Á, đồng thời dự đoán Singapore có khả năng sẽ trở thành trung tâm vàng hàng đầu thế giới trong tương lai.

Theo tờ The Wall Street Journal, hoạt động khai thác vàng khó khăn và tốn kém là lý do khiến thời gian gần đây, các nhà đầu tư bày tỏ lo ngại về khả năng một số công ty khai thác vàng không đạt được mục tiêu sản xuất mà họ đề ra. Tại Australia, quốc gia được coi là nhà sản xuất vàng quan trọng trên toàn cầu, các công ty khai thác còn gặp phải những khó khăn trong hoạt động, chẳng hạn như thời tiết bất lợi.

Hiếm như vàng, quý như vàng hay khó như đào vàng, có lẽ cách nói nào cũng đều phù hợp với bối cảnh hiện nay!

TRUNG DŨNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-te/binh-luan/kho-nhu-tim-vang-781095