Khó tuyển lao động chất lượng cao

Dù đưa ra các chính sách đãi ngộ rất tốt nhưng nhiều doanh nghiệp tại TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai vẫn không thể tuyển đủ lao động có tay nghề như mong muốn

Thị trường lao động tại một số địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được dự báo sẽ ngày càng khan hiếm, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp (DN), nhất là DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), gặp khó khăn trong triển khai thực hiện các dự án lớn.

Trải thảm đỏ đón lao động có tay nghề

Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Bình Dương, cho biết địa phương này hiện có 29 KCN và 12 cụm công nghiệp với hơn 1,2 triệu lao động. Trong các nhóm DN, lao động tại các DN FDI có tỉ lệ công nhân kỹ thuật chiếm cao nhất, nhóm DN tư nhân có số lượng thợ bậc 1 - bậc 3 cao nhất và nhóm DN nhà nước có số người tốt nghiệp đại học cao nhất. Về trình độ chuyên môn tay nghề, số người là công nhân kỹ thuật chiếm 54,5%.

Nhiều doanh nghiệp tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vẫn chưa tuyển đủ hoặc không tuyển được lao động có tay nghề cao.Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Nhiều doanh nghiệp tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vẫn chưa tuyển đủ hoặc không tuyển được lao động có tay nghề cao.Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Cùng với những chính sách đào tạo của tỉnh, các DN tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để thu hút các nhà quản trị DN có trình độ cao và lao động có tay nghề theo tiêu chuẩn, ngành nghề đang cần; đồng thời trả lương và có các chế độ đãi ngộ tương xứng với vị trí việc làm, đài thọ chi phí và tạo điều kiện về thời gian để người lao động (NLĐ) tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ. Thế nhưng, nguồn lao động có trình độ, tay nghề cao vẫn chưa đáp ứng sự kỳ vọng của DN.

Còn tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thống kê cho thấy mỗi năm tỉnh có nhu cầu tuyển dụng khoảng 1.500/30.000 vị trí việc làm trong năm là lao động chất lượng cao, các vị trí lao động chuyên gia phục vụ cho nhà thầu thi công các dự án tại cảng Cái Mép, Tổ hợp Hóa dầu miền Nam (Long Sơn)...

Báo cáo về nhu cầu tuyển dụng lao động của Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho thấy các nhóm ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng lớn với mức lương cao hiện nay là: công nghệ thông tin, điện tử, logistics, marketing, kiến trúc - kỹ thuật công trình xây dựng, công nghệ - kỹ thuật, quản lý điều hành, tài chính - ngân hàng, xuất nhập khẩu, biên - phiên dịch.

Bài toán về nguồn nhân lực chất lượng cao cũng khiến các DN ở Đồng Nai loay hoay không có lời giải. Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai, trong năm 2022 dự báo nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN ở tỉnh là hơn 130.000 lao động, trong đó cần khoảng 30.000 lao động có tay nghề, trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp nghề… Chỉ tính riêng trong tháng 2 và 3-2022 vừa qua, Sàn Giao dịch việc làm tỉnh Đồng Nai đã tổ chức sàn giao dịch việc làm với số lượng tuyển dụng lớn nhưng DN vẫn phải "đỏ mắt" tìm lao động.

Ông Phạm Thanh Trực, Phó Ban Quản lý các KCX-KCN TP HCM, cho biết kể từ sau Tết Nguyên đán 2022, nhiều dự án tại KCX-KCN TP được đưa vào hoạt động với nhu cầu tuyển lao động số lượng rất lớn. Các DN trong KCX-KCN TP đăng ký nhu cầu tuyển dụng đầu năm 2022 là 51.000 lao động. Trong đó, DN FDI khoảng 41.000 người, DN trong nước khoảng 10.000 người. Đáng lưu ý là nhu cầu lao động có tay nghề khoảng 12.300 người và lao động có trình độ từ đại học trở lên khoảng 3.400 người.

Cung không đủ cầu

Theo khảo sát của Bộ LĐ-TB-XH tại các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm, dự kiến trong năm 2022, DN sẽ có nhu cầu tuyển dụng khoảng 700.000 lao động. Nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ tăng cao kể từ quý II/2022, khi các DN bắt đầu hoạt động trở lại với công suất cao nhất.

Theo Bộ LĐ-TB-XH, khó khăn lớn nhất hiện nay với các DN là thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Những ngành nghề có công nghệ thấp, không cần lao động chất lượng cao thì có được ngay nguồn lao động nhưng với các ngành nghề công nghệ cao, kỹ thuật cao đòi hỏi thời gian phục hồi và cần lực lượng lao động chất lượng cao.

Ông Trần Trung Hiếu, sáng lập và điều hành TopCV - một ứng dụng tuyển dụng thông minh, cho biết thị trường tuyển dụng lao động chất lượng cao đang chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát. Ghi nhận trên TopCV cho thấy hàng loạt DN đang tìm kiếm hàng ngàn ứng viên cao cấp với mức lương hấp dẫn.

Tất nhiên, yêu cầu của các nhà tuyển dụng cũng khá cao. "Nhân lực chất lượng cao đang tăng cả về chất và lượng nhưng có vẻ cung không đủ cầu. Theo quan sát của chúng tôi, nhu cầu tuyển nhân sự có chất lượng cao chủ yếu tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bình Dương... Một trong các nguyên nhân khiến thị trường lao động này trở nên khan hiếm là làn sóng đầu tư nước ngoài vào những địa phương kể trên vài năm gần đây tăng trưởng mạnh" - ông Hiếu nhận định.

Đại diện Công ty TNHH Saigon STEC Việt Nam (KCN Việt Nam - Singapre II, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) cho biết từ đầu năm 2022, DN có nhu cầu tuyển dụng khoảng 100 lao động có trình độ, tay nghề. Dù đưa ra các chính sách đãi ngộ rất tốt, mức lương 18-25 triệu đồng/tháng nhưng vẫn chưa tuyển đủ số lượng mong muốn, ngay cả khi phải nhờ các đơn vị về giới thiệu việc làm.

Là công ty chuyên sản xuất các sản phẩm công nghiệp chính xác như khung, sườn xe cho các thương hiệu xe 2 bánh và xe đua công thức nổi tiếng, ông Nguyễn Văn Tiếp, Trưởng Phòng Kế hoạch Công ty Hữu hạn Cơ khí Động lực Toàn Cầu (KCN Giang Điền, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai), thông tin công ty đang trên đà phát triển mạnh, từ đầu năm 2022 đến nay liên tục tuyển lao động là các kỹ sư, nhân lực có tay nghề nhưng không thể tuyển đủ nhu cầu.

Cụ thể, năm nay, công ty tuyển dụng gần 30 kỹ sư trong nhóm phát triển sản phẩm, chưa kể các nhân lực có tay nghề khác nhưng chưa đủ. "Năm trước tuyển dụng lao động không đủ, năm nay vẫn thiếu 14 người. Đó là chưa kể số lao động tuyển được nhưng sau đó không trụ được. Việc thiếu nhân lực là các kỹ sư giỏi ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ dự án, kéo theo tiến độ giao hàng sẽ chậm lại, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của công ty" - ông Tiếp trăn trở.

Tại TP HCM, theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP, sau Tết Nguyên đán 2022, nhu cầu tuyển dụng nhân lực đã qua đào tạo chiếm đến 86,39%, trong đó trình độ đại học trở lên chiếm 21,58%, cao đẳng 19,13%, trung cấp 25,08%, sơ cấp 20,6%.

Như Công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu Công nghệ cao TP Thủ Đức, TP HCM) đăng tuyển 500 lao động với nhiều chính sách ưu đãi. Ngoài lương cơ bản, NLĐ còn nhận được các khoản phụ cấp (đi lại, nhà ở, chuyên cần, nuôi con nhỏ). Trong thông báo tuyển dụng, công ty còn cam kết thưởng tháng lương 13, tặng quà Tết, sinh nhật, kết hôn, tổ chức du lịch hằng năm, tổ chức xe đưa rước về quê trong dịp Tết Nguyên đán… Thế nhưng, sau gần 2 tháng đăng thông tin tuyển khắp nơi, công ty vẫn chưa tuyển đủ số lao động cần thiết.

Kỳ tới: Đào tạo gắn với nhu cầu doanh nghiệp

Cần lao động giỏi chuyên môn lẫn kỹ năng

Bà Lê Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc Văn phòng Adecco TP HCM, cho rằng xu hướng sử dụng lao động chất lượng cao không chỉ trong các DN FDI mà còn các DN trong nước. Vì thế, nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực này đang rất lớn. Trong khi đó, đa phần nhân lực chất lượng cao đang có việc làm ổn định hoặc có những định hướng riêng, như tự khởi nghiệp. "Các khảo sát gần đây của chúng tôi ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ lao động chất lượng cao. Đó đa phần là những vị trí quản lý hay giám đốc các dự án. Khi các DN đẩy mạnh chuyển đổi số thì nhu cầu này càng tăng hơn bởi lúc đó, NLĐ phải giỏi cả về chuyên môn lẫn kỹ năng để phù hợp với công việc trên không gian số. Bởi vậy, trong thời gian tới, nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai... là rất lớn" - bà Thanh nói.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/kho-tuyen-lao-dong-chat-luong-cao-20220410192546662.htm