Khổ vì khói nướng: Hành động vì môi trường sống an toàn, văn minh

Xả khí thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn ra môi trường cũng như xả thải khói, bụi, khí có mùi độc hại vào không khí là một trong các hành vi bị nghiêm cấm

Liên quan đến bài viết "Khổ vì khói nướng" đăng trên Báo Người Lao Động ngày 17-4, một số địa phương có điểm kinh doanh quán nướng đã có ý kiến về việc này.

Vấn đề cốt lõi là nâng cao ý thức

Ông Trần Kiến Trọng, Chủ tịch UBND phường 3, quận 5 (TP HCM), cho biết địa bàn phường có 4 điểm kinh doanh cơm tấm trên trục đường An Dương Vương, đoạn từ giao lộ Huỳnh Mẫn Đạt đến Nguyễn Văn Cừ.

Thời gian qua, UBND phường 3 thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, hướng dẫn lắp đường ống để không làm ảnh hưởng đến người dân khi đi qua đây. Tuy nhiên, qua kiểm tra định kỳ cho thấy các hộ vẫn xả khí thải ra môi trường. UBND phường đã lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 2 triệu đồng/trường hợp vi phạm.

Cũng theo ông Trần Kiến Trọng, đối với các vấn đề về an toàn thực phẩm trên địa bàn phường, ngay từ đầu năm 2024, UBND phường đã chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra toàn diện về lĩnh vực an toàn thực phẩm. Qua kiểm tra, nếu xét thấy dấu hiệu vi phạm về an toàn thực phẩm, đoàn kiểm tra sẽ lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính.

"Nhằm giữ vững tuyến đường văn minh đô thị trên địa bàn phường, trong thời gian tới, UBND phường sẽ tăng cường kiểm tra, xử phạt, bảo đảm công tác quản lý nhà nước trên địa bàn phường" - ông Trần Kiến Trọng nói.

Đại diện Phòng Quản lý đô thị quận 10 cho biết đã thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh, mua bán lấn chiếm lòng lề đường, vi phạm vệ sinh môi trường mà không có hướng khắc phục.

Trong thời gian tới, quận 10 sẽ tiếp tục chấn chỉnh tình trạng các hàng quán đem lò nướng ra vỉa hè để nướng thịt.

Song song với vận động, tuyên truyền sẽ đồng loạt ra quân kiểm tra, xử lý nghiêm vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường trên địa bàn để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị.

Trong khi đó, đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) quận Phú Nhuận thông tin các quy định pháp luật về xử lý hành vi xả thải chưa đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường đã có nhưng để xác định được mức độ vi phạm, cần phải tiến hành đo đạc nguồn khí xả.

Việc này khó áp dụng với những hàng quán nhỏ lẻ; đồng thời cần có thời gian và quy trình. Do đó, hiện nay các địa phương chủ yếu xử lý hành vi buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, gây mất an toàn giao thông, qua đó phối hợp tuyên truyền, yêu cầu người bán thực hiện các biện pháp để không ảnh hưởng đến tầm nhìn của người đi đường và môi trường.

"Vấn đề cốt lõi là nâng cao ý thức người dân. Bởi trước hết, chính người bán chịu ảnh hưởng trực tiếp khi tiếp xúc thường xuyên, lâu dài với khói nướng.

Việc dùng các biện pháp hạn chế phát sinh khí thải, khói thải gây ô nhiễm trước hết là bảo vệ mình, sau là bảo vệ môi trường và những người xung quanh" - đại diện Phòng TN-MT quận Phú Nhuận cho biết.

Đi đâu cũng có thể bắt gặp hình ảnh các quán ăn bày bếp nướng ra vỉa hè Ảnh: Ái My

Đi đâu cũng có thể bắt gặp hình ảnh các quán ăn bày bếp nướng ra vỉa hè Ảnh: Ái My

Chế tài đã có, phải xử phạt nghiêm

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM, phân tích theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, hành vi xả khí thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường ra môi trường, cũng như xả thải khói, bụi, khí có mùi độc hại vào không khí là một trong các hành vi bị nghiêm cấm.

Tùy vào hành vi vi phạm trên thực tế mà các chủ thể sẽ bị xử phạt hành chính, bồi thường thiệt hại hoặc thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội gây ô nhiễm môi trường".

Về xử phạt vi phạm hành chính, căn cứ Nghị định 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tùy vào trường hợp cụ thể mà các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 1 tỉ đồng và bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, khắc phục hậu quả.

"Chế tài xử phạt đối với hành vi xả thải ra không khí gây ô nhiễm môi trường là rất nặng nhưng trên thực tế, các cơ quan chức năng vẫn còn ít quan tâm xử phạt hành vi này mà thường chỉ chú trọng xử phạt đối với hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh.

Để bảo đảm tốt nhất an toàn sức khỏe của người dân, giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông và cũng để cải thiện bộ mặt đô thị xanh - sạch - đẹp, rất cần sự tự giác của mỗi người dân, không tiếp tay những quán bán hàng có hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường.

Về phía cơ quan có thẩm quyền, cần chủ động, mạnh tay hơn trong việc xử lý các hành vi vi phạm trên" - luật sư Nguyễn Văn Hậu nêu ý kiến.

Người bán nói gì?

Một số chủ quán cơm thịt nướng trên đường Tôn Đản, quận 4 thừa nhận không biết khói nướng độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

"Nếu buôn bán lớn, chúng tôi có thể đầu tư ống dẫn khói, còn bán chỉ vài ký thịt mà đầu tư thì hơi khó" - một chủ quán cơm ở đây nói.

Giải thích về việc đem lò nướng ra vỉa hè để nướng thịt, bà Lê Như Bích (chủ quán cơm tấm trên đường Lê Hồng Phong, quận 5) phân bua làm vậy để thu hút thực khách; hơn nữa, mới mở quán, vốn ít nên chưa đầu tư dụng cụ hút khói.

"Tôi biết mình sai và cũng rất lo bị phạt nên giờ giao thông cao điểm thì dời bếp xích vào trong, hạn chế nướng thịt. Nếu buôn bán ổn định hơn, tôi sẽ mua bếp nướng có trang bị hệ thống hút khói" - bà Bích bày tỏ.

Sống bằng nghề bán gà nướng, cút nướng trên đường Phan Văn Hớn (huyện Hóc Môn), anh Sơn cho biết mỗi buổi chiều tiệm của anh bán hơn 40 kg gà, cút các loại. Ban đầu anh không trang bị hệ thống ống dẫn khói, cứ để khói nướng xả thẳng ra đường.

"Đến khi địa phương đến nhắc nhở, giải thích, tôi hiểu ra nên đã mua ngay ống dẫn khói lên cao gần 2 m. Từ ngày đó, người dân không phàn nàn mà tôi cũng an tâm buôn bán"- anh Sơn nói.

THU HỒNG - ÁI MY

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/hanh-dong-vi-moi-truong-song-an-toan-van-minh-196240417203154574.htm