Nhà khoa học từ nước ngoài về muốn cống hiến nhưng lương hệ số 2,34 thì khó giữ chân
Các nhà khoa học đi học nước ngoài được cập nhật chuyên môn, khoa học, công nghệ, họ muốn cống hiến nhưng với mức lương 2,34 thì khó giữ chân được người tài.
Chiều 5/5, tại buổi họp báo về các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) Phùng Đức Tiến đã chỉ ra nhiều vấn đề cấp thiết liên quan đến nguồn nhân lực khoa học, công nghệ trong nước.
Rào cản từ lương thấp và tư duy bao cấp
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, đội ngũ nhà khoa học cần được xem là trung tâm trong tiến trình đổi mới sáng tạo quốc gia. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy số lượng giáo sư, tiến sĩ ngày càng giảm, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường.
“Người có điều kiện mới có thể du học nước ngoài, cập nhật kiến thức, công nghệ mới. Họ có khát vọng cống hiến, nhưng với mức lương hệ số 2,34 thì thực sự rất khó giữ chân người tài,” ông Tiến bày tỏ.
Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng cạnh tranh, các chuyên gia, nhà khoa học có nhiều lựa chọn nghề nghiệp hơn. Ai cũng phải lo cho cuộc sống và gia đình, vì vậy để thu hút và giữ chân nhân tài, điều kiện tiên quyết là phải tạo được môi trường làm việc hấp dẫn, cả về thu nhập và cơ hội phát triển.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Muốn ứng dụng khoa học công nghệ thực sự đi vào cuộc sống, chúng ta phải dám đầu tư đúng chỗ, đúng người và đúng nhu cầu
Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh, muốn khoa học công nghệ phát triển thực chất, cần bắt đầu từ việc rà soát lại quy trình phê duyệt các đề tài nghiên cứu. Các nhiệm vụ khoa học phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và phục vụ trở lại cho thực tiễn.
Ông cũng cho rằng, mặc dù hiện nay đã có các quỹ hỗ trợ nghiên cứu từ Bộ Khoa học và Công nghệ, nhưng cần có cơ chế mạnh hơn để rút ngắn khoảng cách từ nghiên cứu đến ứng dụng thực tế.
Một trong những rào cản lớn hiện nay theo Thứ trưởng là tư duy bao cấp vẫn tồn tại dai dẳng trong quản lý khoa học. "Tư duy bao cấp triệt tiêu động lực đổi mới sáng tạo. Chúng ta cần có những cơ chế đột phá để giải phóng tư duy này, tạo điều kiện để làm giàu từ khoa học công nghệ," ông nói.
Tháo gỡ ba “nút thắt” tự chủ trong nghiên cứu
Một vấn đề khác được Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh là việc cần khơi thông cơ chế “ba tự chủ” trong các viện, trung tâm nghiên cứu, bao gồm: tự chủ nhiệm vụ, tự chủ tài chính và tự chủ tổ chức. Điều này giúp các đơn vị nghiên cứu linh hoạt hơn trong triển khai công việc, nâng cao tính chủ động, sáng tạo.
Bên cạnh đó, ông cũng lưu ý tình trạng lãng phí nguồn lực khi nhiều trang thiết bị được đầu tư nhưng không đồng bộ, ít được sử dụng, dẫn đến khấu hao chậm, hiệu quả thấp. Vì vậy, cần có kế hoạch đầu tư tập trung, đồng bộ hơn, tránh dàn trải và lãng phí.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, đất đai là nguồn lực rất quan trọng phục vụ nghiên cứu khoa học, nhưng hiện chưa có cơ chế sử dụng hiệu quả.

Các chương trình khoa học công nghệ cần được đầu tư tập trung, có chọn lọc, ưu tiên những nhiệm vụ có giá trị thực tiễn cao
Ông đề xuất cần xây dựng một cơ chế tín dụng riêng, hỗ trợ các nhóm nghiên cứu, các cá nhân có ý tưởng đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp – nơi mà rủi ro thiên tai, dịch bệnh vẫn còn lớn.
Ông cũng đề cập đến việc phê duyệt kinh phí cho các nhiệm vụ khoa học công nghệ cần đảm bảo tiến độ, tránh chậm trễ ảnh hưởng đến tiến trình nghiên cứu. Đồng thời, cần lựa chọn và đầu tư cho các nhóm nghiên cứu xuất sắc, hoạt động đa ngành, tập trung vào các lĩnh vực chủ lực của ngành nông nghiệp và môi trường.
Cuối cùng, Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh, các chương trình khoa học công nghệ cần được đầu tư tập trung, có chọn lọc, ưu tiên những nhiệm vụ có giá trị thực tiễn cao, tạo ra chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất và đời sống.
"Muốn ứng dụng khoa học công nghệ thực sự đi vào cuộc sống, chúng ta phải dám đầu tư đúng chỗ, đúng người và đúng nhu cầu," ông Tiến nói.