Khoa học công nghệ: 'Đòn bẩy' thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội

Công tác nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ (KH-CN) trên địa bàn tỉnh Gia Lai từng bước được đổi mới, phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Việc nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng KH-CN vào sản xuất và đời sống đã trở thành 'đòn bẩy' thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Phục vụ đắc lực cho phát triển

Giai đoạn 2011-2021, hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng KH-CN ở Gia Lai đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo tiền đề, nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Tỉnh đã triển khai nghiên cứu 106 nhiệm vụ KH-CN cấp tỉnh với tổng kinh phí gần 123 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực nông-lâm nghiệp triển khai 45 nhiệm vụ (chiếm 42,4%); khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ có 27 nhiệm vụ (chiếm 25,3%); khoa học xã hội, nhân văn và y dược có 34 nhiệm vụ (chiếm 32,3%). Ngoài ra, các huyện, thị xã, thành phố đã triển khai thực hiện 258 dự án với kinh phí từ nguồn sự nghiệp KH-CN hơn 46 tỷ đồng. Qua công tác triển khai đã xây dựng được các mô hình điểm về ứng dụng tiến bộ KH-CN vào đời sống, sản xuất, nâng cao được nhận thức người dân về vai trò của KH-CN trong giai đoạn hiện nay.

Lĩnh vực nông-lâm nghiệp được bố trí nguồn lực nhiều nhất trong tổng số các nhiệm vụ KH-CN được phê duyệt trong 10 năm qua. Ở lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh đã triển khai các dự án khảo nghiệm nhằm khẳng định tính thích nghi đối với các giống vật nuôi, tạo ra các giống mới có chất lượng và giá trị cao, tiêu biểu như dự án phát triển giống bò thịt chất lượng cao tại huyện Krông Pa. Tỉnh cũng đã triển khai các đề tài nhằm chọn lọc, bổ sung các giống cây trồng, nghiên cứu các kỹ thuật mới trong sản xuất giống, qua đó lựa chọn ra được những giống cây trồng bản địa có giá trị, mang tính chất bảo tồn và phát triển nguồn gen, đồng thời đưa các phương pháp, kỹ thuật tiên tiến trong công tác chọn tạo giống vào thực tế sản xuất. Bên cạnh đó, tỉnh đã triển khai các nhiệm vụ KH-CN nhằm đánh giá, phục vụ sản xuất các loại cây lâm nghiệp có giá trị, phù hợp với từng địa phương; nghiên cứu các giải pháp trồng rừng tại lòng hồ nhằm tận dụng diện tích bán ngập và giải quyết tình trạng sụt lở, đảm bảo môi trường và an toàn hồ đập.

Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú (TP. Pleiku) mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất rau thủy canh. Ảnh: Nguyễn Diệp

Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú (TP. Pleiku) mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất rau thủy canh. Ảnh: Nguyễn Diệp

Trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ, tỉnh tập trung triển khai một số công trình nghiên cứu phục vụ thiết thực cho việc phát triển kinh tế-xã hội như: ứng dụng công nghệ thông tin địa lý GIS xây dựng cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn, phân vùng khí hậu thủy văn; ArcGIS để chuẩn hóa việc xây dựng, quản lý, cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu trong công tác cấp đất cho các tổ chức; giải pháp tiết kiệm điện trong các cơ sở sản xuất; chuyển giao công nghệ xây dựng hầm biogas bằng nhựa composite tại các huyện; chế tạo các hệ thống máy phục vụ sản xuất nông nghiệp...

Ở lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, tỉnh tập trung nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phục vụ hoạch định phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; bổ sung các luận cứ khoa học phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Đi sâu nghiên cứu về văn hóa dân gian, lịch sử truyền thống nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc và giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Nghiên cứu để xây dựng các luận cứ giải quyết tốt các vấn đề dân tộc, tôn giáo; phát triển các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch...

Trong lĩnh vực y dược đã nghiên cứu ứng dụng được kỹ thuật cao trong khám và điều trị nội khoa, ngoại khoa nhằm đưa ra giải pháp chữa trị tốt nhất cho bệnh nhân, giảm chi phí điều trị nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả về sức khỏe. Tỉnh cũng quan tâm đầu tư nghiên cứu tuyển chọn phát triển cây dược liệu bản địa tại địa phương; xây dựng quy trình trồng nhằm bảo tồn một số loại cây dược liệu trên địa bàn như: sa nhân tím, sâm đá, vàng đắng…; gây trồng và phát triển một số loài dược liệu được thị trường ưa chuộng, có giá trị cao trên thị trường như: nấm linh chi, lan kim tuyến, đẳng sâm, đinh lăng, nghệ vàng, mật nhân, thất diệp nhất chi hoa…

Hầu hết các nhiệm vụ KH-CN triển khai trong giai đoạn 2011-2021 được thực hiện theo cơ chế đặt hàng, số lượng nhiệm vụ và kinh phí đầu tư tăng hàng năm. Các nhiệm vụ triển khai từng bước gắn với thực tiễn, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Các doanh nghiệp, người dân đã quan tâm, áp dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất. Qua đó đã giải quyết được một số vấn đề bức xúc, cấp thiết của các địa phương và doanh nghiệp. Việc chuyển giao mô hình ứng dụng tiến bộ KH-CN vào sản xuất được chú trọng, xây dựng nhiều mô hình ứng dụng KH-CN có hiệu quả đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao trình độ sản xuất, tạo sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao.

Vận dụng sáng tạo

Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác nghiên cứu, phát triển KH-CN vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể, việc đề xuất đặt hàng một số nhiệm vụ KH-CN chưa bám sát nhu cầu thực tiễn của các sở, ngành, địa phương; việc nhân rộng các kết quả nghiên cứu, ứng dụng KH-CN vào thực tiễn sản xuất còn chậm; người dân còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc chuyển giao một số đề tài, dự án; cơ quan, đơn vị đặt hàng và được nhận chuyển giao chậm ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn; doanh nghiệp đầu tư kinh phí cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH-CN còn hạn chế.

Để góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng KH-CN vào sản xuất, đời sống trong điều kiện mới, thiết nghĩ, tỉnh cần tiếp tục đổi mới, vận dụng sáng tạo cơ chế, chính sách phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo theo hướng lấy doanh nghiệp, người dân và sản xuất làm trung tâm. Có cơ chế, chính sách kinh tế, tài chính khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, phát triển và đổi mới công nghệ. Đổi mới cơ chế đầu tư, quản lý tài chính KH-CN theo nguyên tắc đặt hàng, dựa vào kết quả, hiệu quả cuối cùng. Tăng cường đầu tư phát triển KH-CN theo cơ chế thị trường trên cơ sở huy động hợp lý nguồn lực từ Nhà nước, doanh nghiệp và các cá nhân. Hỗ trợ, khuyến khích các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH-CN. Các ngành, địa phương có trách nhiệm trong việc thúc đẩy phát triển và ứng dụng tiến bộ KH-CN.

Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực hệ thống đổi mới sáng tạo ở tỉnh, cơ cấu lại các chương trình nghiên cứu KH-CN theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội làm mục tiêu để hướng tới. Lựa chọn một số lĩnh vực công nghệ để ưu tiên phát triển trong thời gian tới. Phát huy vai trò của các quỹ về phát triển khoa học và đổi mới công nghệ trong thúc đẩy nghiên cứu, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Nâng cao hiệu quả hoạt động các cơ sở nghiên cứu, các phòng thí nghiệm. Chú trọng phát triển nhanh các lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông-lâm sản, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch; xây dựng năng lực đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo.

TỐNG THỚI MỐC

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/744/202206/khoa-hoc-cong-nghe-don-bay-thuc-day-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-5778705/