Khoa học công nghệ góp phần gìn giữ tinh hoa làng nghề

Những ngày cuối năm, không khí các làng nghề trở nên nhộn nhịp hơn. Với việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN), đặc biệt là công nghệ số, công nghệ tự động hóa trong sản xuất, sản phẩm làng nghề ngày càng được nâng cao chất lượng, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh, cải thiện điều kiện sản xuất làng nghề và bảo vệ môi trường. Qua đó, tiếp tục gìn giữ tinh hoa làng nghề, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Khách hàng tìm hiểu các sản phẩm của làng nghề truyền thống đúc kim loại Tống Xá, thị trấn Lâm (Ý Yên).

Khách hàng tìm hiểu các sản phẩm của làng nghề truyền thống đúc kim loại Tống Xá, thị trấn Lâm (Ý Yên).

Làng nghề truyền thống đồ gỗ khảm trai Bình Minh, xã Hải Minh (Hải Hậu) từ lâu đã nổi tiếng với nghề mộc mỹ nghệ. Nhịp sống của người dân trong làng trước đây vốn chỉ gắn liền với tiếng gõ, đục. Ngày nay, khi có sự xuất hiện của máy móc hiện đại, công nghệ tự động như: máy CNC đục gỗ vi tính, máy điêu khắc mỹ thuật CNC… đã “trợ giúp” cho những đôi bàn tay khéo léo, óc sáng tạo của các nghệ nhân làng nghề Bình Minh tạo ra những sản phẩm phong phú, đa dạng. Những đồ thông dụng như: giường, tủ, bàn, ghế cho đến các sản phẩm có giá trị cao như tranh, tượng, tủ chè, sập, tràng kỷ, đồ thờ cúng… vừa mang phong cách nghệ thuật cổ truyền lại có xu hướng thẩm mỹ gần hơn với đời sống hiện đại, tạo nét độc đáo riêng. Mạnh dạn ứng dụng quy trình tối ưu hóa các công đoạn chế tác bằng máy móc tự động, các nghệ nhân và kiến trúc sư đã đưa thương hiệu làng mộc Bình Minh vững chắc trên thị trường, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân.

Từ chỗ chỉ chuyên đúc những sản phẩm gia dụng, thờ cúng có kích thước nhỏ như chậu, nồi, chảo, lư hương, đỉnh trầm…, ngày nay nhờ đưa công nghệ, máy móc hiện đại, đặc biệt là công nghệ 3D, 4D đã giúp người thợ làng nghề truyền thống đúc kim loại Tống Xá, thị trấn Lâm (Ý Yên) tạo ra những sản phẩm có độ tinh xảo và phức tạp cao như: tượng Phật, danh nhân, lãnh tụ dân tộc, đồ thờ, chuông, tượng mạ vàng, đồ phong thủy... Ngoài những sản phẩm nhỏ thủ công truyền thống đang được tiêu thụ trong và ngoài nước, các nghệ nhân làng Tống Xá đã đúc thành công nhiều công trình tượng đài lớn bằng đồng mang tầm cỡ quốc gia như: Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ (cao 16,2m; nặng 220 tấn) trong dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử; tượng 14 vị Vua thời Trần đặt tại Quần thể Di tích lịch sử - văn hóa Thiên Trường; tượng Phật tổ Như Lai bằng đồng đúc liền khối 35 tấn tại núi Non Nước, huyện Sóc Sơn (Hà Nội); tượng Tam thế Phật tổ Như Lai chùa Bái Đính (Ninh Bình) nặng 50 tấn… Dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội, người thợ đúc đồng Ý Yên lại được “chọn mặt gửi vàng” đúc tượng Vua Lý Thái Tổ, cao 10,1m; nặng 45 tấn. Ở công trình này, người thợ đúc đồng Ý Yên đã sử dụng công nghệ đúc tượng liền khối cao gần 7m mà chỉ có 1 khuôn, 1 lần đúc - đây là bài toán hóc búa đối với nghề đúc thủ công trên thế giới. Nỗ lực phát triển nghề theo hướng hiện đại, tìm kiếm bạn hàng trong và ngoài nước để giới thiệu sản phẩm quê hương, các doanh nghiệp, nghệ nhân làng nghề Tống Xá đang giữ vững nghề của ông cha, khẳng định giá trị làng nghề truyền thống của Nam Định.

Toàn tỉnh hiện có 124 làng nghề đang hoạt động với 16 nghìn hộ tham gia sản xuất, giải quyết việc làm cho 40 nghìn lao động. Nhiều làng nghề có lịch sử hàng trăm năm, được giữ gìn qua nhiều thế hệ, có thương hiệu toàn quốc. Mỗi làng nghề Nam Định đều mang một bản sắc riêng với sự kết tinh sáng tạo của những bàn tay người thợ và tình yêu nghề, tạo ra những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Trong dòng chảy công nghệ, câu chuyện về những bước chuyển mình mạnh mẽ tạo sự thay đổi ở làng mộc Bình Minh hay làng đúc kim loại Tống Xá cũng tương tự với nhiều làng nghề trong tỉnh hiện nay để tiếp tục duy trì, bảo tồn và phát triển nghề trước sự cạnh tranh gay gắt của thị trường. Chẳng hạn như các cơ sở sản xuất ở làng nghề sản xuất đồ gỗ, mộc mỹ nghệ làng Kênh, thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) đưa máy móc hiện đại thực hiện các công đoạn xẻ, khoan, cưa, đục, tiện, phay, bào, đánh bóng, phun sơn thay thế phương thức sản xuất thủ công giúp nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm lao động nặng nhọc cho người thợ. Các cơ sở sản xuất tại làng nghề sản xuất bánh kẹo Đông Cường, thị trấn Yên Định (Hải Hậu) đầu tư thiết bị máy móc nâng tối đa công suất lên 2-3 tạ bánh, kẹo/ngày. Nhanh nhạy bắt kịp xu thế mới, những người thợ làng Báo Đáp, xã Hồng Quang (Nam Trực) đã không ngừng học hỏi, nghiên cứu, đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại, thay đổi nguyên liệu từ nhựa sang vải lụa tạo ra nhiều mẫu hoa mới (phong lan, hoa ly, cẩm tú cầu, cúc họa mi, mẫu đơn, đỗ quyên, hướng dương, phi yến…) có màu sắc không thua kém hoa thật, đáp ứng yêu cầu về thẩm mỹ, thị hiếu thị trường…

Không chỉ năng động, nhạy bén trong sản xuất, hiện nay, các làng nghề trong tỉnh đang nỗ lực hòa nhập dòng chảy “số hóa”, tiếp cận ứng dụng công nghệ để “kể” về sự độc đáo riêng có của mỗi sản phẩm qua con đường “trực tuyến”. Thông qua các nền tảng mạng xã hội như facebook, zalo, youtube… hay các kênh thương mại điện tử Shopee, Lazada… các hộ kinh doanh trong làng nghề đã quảng bá, giới thiệu sản phẩm để thu hút khách hàng, đưa các “tác phẩm” nghệ thuật cổ truyền đến gần hơn đời sống hiện tại. Tiên phong “số hóa” làng nghề phải kể đến làng nghề truyền thống hoa, cây cảnh Vị Khê, xã Nam Điền (Nam Trực) với mô hình “Số hóa làng nghề hoa, cây cảnh Vị Khê”. Mô hình được xây dựng trên nền tảng Map 4D (bản đồ số) cùng với việc số hóa dữ liệu liên quan từ thông tin về nhà vườn, cây cảnh, giao thông, dữ liệu địa điểm 2D, 3D cho đến việc số hóa VR360, hình ảnh và video. Đây là bước ngoặt quan trọng đánh dấu sự đổi thay của làng nghề truyền thống nghìn năm tuổi bởi các sản phẩm hoa, cây cảnh của làng nghề Vị Khê được định vị trên bản đồ số; mỗi nhà vườn sở hữu một địa chỉ số; mỗi sản phẩm hoa, cây cảnh được định danh, định giá và minh bạch về các thông số kỹ thuật, tạo ra một môi trường liên kết thuận lợi và dễ dàng giữa các nhà vườn và người mua hàng.

Để bảo tồn và phát triển các làng nghề, tỉnh đã ưu tiên, lồng ghép đầu tư, nâng cấp giao thông nội bộ làng nghề và kết nối giao thông giữa làng nghề với trung tâm đô thị, kết nối các điểm du lịch gắn với làng nghề trong vùng, tổ chức các tuyến du lịch làng nghề kết hợp với các tuyến du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch về nguồn, du lịch công nghệ cao và các tuyến du lịch khác. Đồng thời chỉ đạo các sở, ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kịp thời các cơ chế, chính sách về phát triển ngành nghề nông thôn đến doanh nghiệp, người dân. Thực hiện các mô hình khuyến công; hỗ trợ, khuyến khích các hộ làm nghề mạnh dạn đầu tư trang bị máy móc, ứng dụng KHCN vào sản xuất dần thay thế các công đoạn thủ công, hướng đến sản xuất tự động hóa. Phối hợp với các huyện, thành phố thường xuyên tuyên truyền, vận động các hộ làm nghề nâng cao chất lượng sản phẩm để tham gia Chương trình OCOP. Hỗ trợ các cơ sở làng nghề tham gia các hội chợ triển lãm, kết nối cung cầu. Qua đó giúp các cơ sở nghề có sự chuyển biến về nhận thức, ý thức cải tiến mẫu mã, đổi mới phương thức kinh doanh, quảng bá sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh của sản phẩm.

Sự năng động, linh hoạt tích cực ứng dụng KHCN của các làng nghề đã góp phần tiếp nối sức sống bền bỉ của ngành nghề truyền thống. Nhờ đó không chỉ giúp nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập cho người dân làng nghề mà còn góp phần quan trọng vào việc gìn giữ giá trị tinh hoa văn hóa nghề truyền thống của cha ông truyền lại.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202501/khoa-hoc-cong-nghe-gop-phan-gin-giu-tinh-hoa-lang-nghe-3c80f3d/