Khoa học công nghệ là bàn đạp để Việt Nam vững bước tiến vào kỷ nguyên mới
Việt Nam đang hội tụ nhiều yếu tố hấp dẫn như nguồn lao động dồi dào ở thời kỳ dân số vàng, nhiều người trẻ được đào tạo bài bản, có kỹ năng tốt, và luôn háo hức với cái mới, cũng như Việt Nam đang là điểm đến thu hút được sự đầu tư...
Quyết tâm hành động, đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phát triển
Nghị quyết số 57-NQ/TW (22/12/2024) (sau đây gọi là Nghị quyết 57) của Bộ Chính trị là một bước ngoặt quan trọng. Nghị quyết hướng tới đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đồng thời đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030 và tầm nhìn 2045. Theo tinh thần Nghị quyết, khoa học – công nghệ – đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được xem là "xương sống" của công cuộc hiện đại hóa, góp phần thực hiện khát vọng đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Nghị quyết 57 nhấn mạnh, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là "đột phá quan trọng hàng đầu", thúc đẩy năng suất lao động, đóng góp tối thiểu 55% GDP qua năng suất nhân tố tổng hợp (TFP).
Đến năm 2045, Việt Nam hướng tới việc "trở thành một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực", với năng lực cạnh tranh số thuộc nhóm hàng đầu thế giới.

Khoa học – công nghệ – đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được xem là "xương sống" của công cuộc hiện đại hóa
Nghị quyết số 57 được ban hành trong bối cảnh thế giới tiếp tục dịch chuyển mạnh mẽ sang kỷ nguyên số, trong đó khoa học-công nghệ đóng vai trò nền tảng và động lực, đổi mới sáng tạo trở thành trụ cột dẫn động và tiến trình chuyển đổi số đang tạo nên những bước chuyển mang tính đột phá và định hình sự phát triển của một xã hội tương lai. Trong Văn kiện Đại hội XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 – 2030 cũng đã khẳng định rõ khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là ba trụ cột quan trọng cho sự phát triển của Việt Nam.
GS.TS Nguyễn Thanh Thủy - Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, một trong những chuyên gia hàng về AI tại Việt Nam cho biết, bản thân ông nói riêng và giới khoa học nói chung rất vui mừng khi Nghị quyết 57 được ban hành. Nghị quyết thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước trong việc đưa khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trở thành động lực cốt lõi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Đây là một bước đi mang tính chiến lược, đặt nền móng để Việt Nam không chỉ bắt kịp mà còn vượt lên trong cuộc cạnh tranh toàn cầu của thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, Nghị quyết 57 khẳng định định hướng mạnh mẽ, rõ ràng về cơ chế, chính sách nhằm phát huy tiềm lực khoa học công nghệ trong nước, đồng thời tận dụng tri thức và thành tựu từ thế giới.
Nghị quyết 57 không chỉ là kim chỉ nam mà còn là lời hiệu triệu, kêu gọi hành động quốc gia một cách toàn diện, rộng khắp để Việt Nam tránh nguy cơ tụt hậu, đồng thời tận dụng tối đa lợi thế dân số trẻ, năng động và vị trí địa chính trị chiến lược.
PGS. TS Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Đại học Bách khoa Hà Nội) phân tích, thực tế Việt Nam là một quốc gia đi sau so với thế giới trong quá trình phát triển khoa học công nghệ.
Điều này cũng dễ hiểu, bởi trong một thời gian dài, đất nước bị chiến tranh tàn phá và chịu sự cô lập. Trong giai đoạn đó, nền khoa học công nghệ trên thế giới đã có những bước tiến công nghệ đột phá.
Trong khoảng hơn 20 năm trở lại đây, Việt Nam đã hội nhập mạnh mẽ, sâu rộng hơn, tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu.
Việt Nam đang hội tụ nhiều yếu tố hấp dẫn như nguồn lao động dồi dào ở thời kỳ dân số vàng, nhiều người trẻ được đào tạo bài bản, có kỹ năng tốt, và luôn háo hức với cái mới, cũng như Việt Nam đang là điểm đến thu hút được sự đầu tư từ các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài. Vì vậy, "đứng trên vai người khổng lồ" là một cách tiếp cận đúng đắn với Việt Nam và đối với những quốc gia đi sau.
"Tận dụng được những tinh hoa thành tựu công nghệ của thế giới, Việt Nam sẽ nhanh chóng phát triển các sản phẩm của riêng mình phục vụ chính nền kinh tế - xã hội, người dân, Chính phủ Việt Nam; đồng thời gia tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam trên trường quốc tế và tự tin tham gia sâu hơn vào sự phát triển khoa học công nghệ toàn cầu", PGS Tạ Hải Tùng nói.
TS Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội đánh giá, Nghị quyết 57 là Nghị quyết mang tầm vóc thời đại, thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ, chiến lược, cách mạng, đồng thời là tiền đề để phát hiện những điều mới, khí thế mới, sung lực mới, tạo động lực cho toàn dân tộc chung tay góp sức đưa đất nước phát triển trong Kỷ nguyên mới. Một trong những điều kiện nổi bật của Nghị quyết 57 khẳng định rõ thể chế pháp luật là điều kiện tiên quyết và phải đưa thể chế thành một lợi thế cạnh trong trong phát triển khoa học công nghệ.
Nghị quyết 57 mang tính chiến lược, đột phá và phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và kỷ nguyên số. Bên cạnh đó, việc xác định khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực phát triển hàng đầu, là một định hướng đúng đắn và cần thiết, tạo nền tảng để nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy phát triển bền vững và tạo ra lợi thế cạnh tranh cho nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới.
Nông nghiệp: Từ '3 nghèo' đến gửi hạt giống lên vũ trụ
Một trong những lĩnh vực thay đổi nhiều nhất trong 50 năm qua phải nói về nông nghiệp. PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, khoa học công nghệ chính là lực đẩy trung tâm tạo nên bước chuyển căn bản của ngành cây ăn quả, rau, hoa tại Việt Nam trong hai thập kỷ qua. Từ một nền sản xuất phụ thuộc vào kinh nghiệm, giống nhập và công nghệ lạc hậu, đến nay, chuỗi giá trị từ giống – canh tác – sơ chế – bảo quản – thị trường đã dần được làm chủ nhờ ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học công nghệ.

Công nghệ nông nghiệp ở Việt Nam hiện đã có những bước phát triển vượt bậc.
Cách đây nửa thế kỷ, Việt Nam bước ra từ chiến tranh với một nền nông nghiệp còn nghèo nàn – nghèo giống, nghèo kỹ thuật, nghèo tư duy sản xuất. Trong tâm thức người Việt khi ấy, hoa chỉ đơn giản là nhành đào ngày Tết, cành cúc, lọ vạn thọ đặt trên bàn thờ tổ tiên – như một biểu trưng tinh thần hơn là sản phẩm kinh tế. Gần như không ai nghĩ đến việc trồng hoa như một ngành hàng có thể làm giàu. Lại càng không ai hình dung, một ngày nào đó, Việt Nam sẽ xuất khẩu hoa ra thế giới – chứ đừng nói đến việc mang hạt sen lên tận không gian vũ trụ.
Thế nhưng hôm nay, câu chuyện đã khác – rất khác.
Từ vài nghìn hecta manh mún với giống cũ kỹ, ngành hoa Việt Nam đã phát triển hàng chục nghìn hecta vùng chuyên canh hiện đại. Có nơi, giá trị thu nhập từ hoa cao gấp 5–7 lần trồng lúa. Người nông dân giờ đây không chỉ trồng hoa bằng kinh nghiệm, mà còn ứng dụng công nghệ cao – từ cấy mô, nhà màng, đến điều khiển tưới tiêu bằng smartphone.
Đặc biệt, tháng 4/2025, 169 hạt sen Việt Nam đã được mang vào không gian bởi nữ phi hành gia gốc Việt Amanda Nguyễn – đánh dấu cột mốc chưa từng có: một loài cây truyền thống của Việt Nam, từ đầm sen quê nhà, đã bay đến nơi xa nhất mà con người từng vươn tới. Khoa học – chính là "cỗ đẩy" làm nên cuộc bứt phá ngoạn mục ấy.
"Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị, theo tôi, chính là một bước ngoặt chiến lược trong tư duy phát triển khoa học và công nghệ, tương tự như vai trò của Khoán 10 trong nông nghiệp ba thập niên trước. Đây không chỉ là một nghị quyết chính sách, mà là một nghị quyết "giải phóng tư duy khoa học", "kích hoạt hành động" và "thực thi mục tiêu" – mở ra một hệ sinh thái chính sách đổi mới toàn diện.

PGS.TS Đặng Văn Đông cho rằng Nghị quyết 57 ra đời như một luồng sinh khí mới, tạo niềm tin và động lực để các viện, trung tâm nghiên cứu chuyển từ "thích nghi bị động" sang "chủ động bứt phá".
Điểm mới và có sức tác động lớn nhất, theo tôi, là sự thay đổi về cơ chế vận hành, tổ chức và quản lý khoa học công nghệ theo hướng thực chất, linh hoạt, khơi thông và trao quyền cho đội ngũ nhà khoa học và tổ chức khoa học công nghệ.
Nếu trước đây, hoạt động khoa học nhiều khi bị "trói" bởi các thủ tục tài chính, hành chính, đấu thầu, thanh toán, quyết toán… thì với Nghị quyết 57, lần đầu tiên chúng ta đặt ra mục tiêu rõ ràng về "xóa bỏ các rào cản cơ chế", tạo điều kiện để nhà khoa học tập trung vào sáng tạo, nghiên cứu, và chuyển giao giá trị", PGS.TS Đặng Văn Đông nói.
Nghị quyết 57 ra đời như một luồng sinh khí mới, tạo niềm tin và động lực để các viện, trung tâm nghiên cứu chuyển từ "thích nghi bị động" sang "chủ động bứt phá". Việc xác lập các cơ chế như khoán theo sản phẩm đầu ra, giao quyền tự chủ thực chất, định giá kết quả nghiên cứu, thúc đẩy thị trường khoa học công nghệ… sẽ là nền tảng để khoa học không còn đứng ngoài dòng chảy phát triển kinh tế – xã hội, mà thực sự là lực đẩy trung tâm.
Chính nhờ các thành tựu nổi bật trong chọn tạo giống, xây dựng quy trình canh tác, kỹ thuật bảo quản – bảo quản sau thu hoạch mà diện mạo sản xuất rau, hoa, quả tại nhiều địa phương trong cả nước đã thay đổi một cách toàn diện và bền vững. Từ làm nông truyền thống sang làm nông chuyên nghiệp, hướng đến thị trường và xuất khẩu.
"Khi chúng tôi bước vào ngành, gần như không có gì trong tay: không giống tốt, không quy trình kỹ thuật, không giáo trình bài bản. Mọi thứ đều là con số 0. Nhưng cũng từ đó, chúng tôi quyết định đi từng bước nhỏ, làm thật – làm đến nơi đến chốn.
Đầu những năm 2000, Viện Nghiên cứu Rau quả bắt đầu tiếp cận các công nghệ hiện đại: từ lai tạo giống, gây đột biến, nuôi cấy mô đến ứng dụng công nghệ sinh học để cải tiến nguồn gen hoa. Cùng lúc đó, chúng tôi xây dựng mô hình vùng trồng chuyên canh, chuyển giao kỹ thuật tiên tiến và – quan trọng nhất – thay đổi tư duy của nông dân: từ trồng hoa chỉ để chơi Tết, sang sản xuất hoa theo hướng hàng hóa, chuyên nghiệp và bền vững.
Chúng tôi đi thực địa khắp nơi: từ Nhật Tân, Ngọc Hà, Tây Tựu… đến Đà Lạt, miền Tây, vừa khảo sát, vừa học hỏi, rồi mang kiến thức về đào tạo, hướng dẫn người dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật: từ nhà màng, tưới nhỏ giọt, đến chăm sóc sau thu hoạch.
Một bước ngoặt lớn là khi chúng tôi đưa thành công các giống hoa ôn đới như lily, tulip, đồng tiền về miền Bắc – điều mà trước đó nhiều người cho là bất khả thi. Chúng tôi học công nghệ trồng hoa từ Hà Lan, Pháp, sau đó điều chỉnh, cải tiến để phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu Việt Nam. Giờ đây, hoa lily do người Việt trồng không chỉ đẹp không kém hàng nhập, mà còn bắt đầu chinh phục thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc", PGS.TS Đặng Văn Đông chia sẻ.

Nhiều giống hoa sen được tạo ra bằng công nghệ mới.
Nếu trước đây, người trồng hoa dựa hoàn toàn vào kinh nghiệm cha truyền con nối, thì nay họ làm nông bằng dữ liệu, bằng cảm biến, bằng phần mềm quản trị. Và thật kỳ diệu, trên một mảnh đất chỉ vài sào (mỗi sào là 360 m²), một nông dân có thể thu lãi hàng tỷ đồng mỗi năm.
Đó không chỉ là cuộc chuyển mình về năng suất, mà là một cuộc cách mạng tư duy – từ sản xuất manh mún sang làm nông nghiệp công nghệ cao, từ trồng hoa "cho vui" sang làm giàu bền vững bằng chính những cánh hoa Việt.
"Không chỉ dừng lại ở tiềm năng – tôi tin chắc rằng Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên trở thành trung tâm xuất khẩu hoa hàng đầu khu vực Đông Nam Á, và nếu đi đúng hướng, thậm chí có thể sánh vai với các quốc gia dẫn đầu thế giới như Hà Lan.
Theo Hiệp hội Hoa lan Đài Loan, thời điểm trước năm 2020, Việt Nam xếp thứ ba toàn cầu về lượng nhập khẩu lan hồ điệp, chỉ sau Mỹ và Nhật Bản.
Chỉ cách đây chưa đầy một thập kỷ, phần lớn lan hồ điệp và hoa lily tiêu thụ tại Việt Nam đều phụ thuộc vào nhập khẩu từ Hà Lan, Trung Quốc, Đài Loan. Nhưng nay, chúng tôi và các doanh nghiệp trong nước đã làm chủ toàn bộ chuỗi công nghệ sản xuất – từ tạo giống, nhân giống, thâm canh, xử lý ra hoa, bảo quản, đến vận chuyển quốc tế", PGS.TS Đặng Văn Đông tự tin nói.