Khoa học công nghệ mở hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ
Với mũi nhọn là công nghệ sinh học, ngành khoa học công nghệ Hà Tĩnh đang mở ra nhiều giải pháp để phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn.
Thời gian qua, ngành khoa học công nghệ (KHCN) Hà Tĩnh có nhiều đổi mới từ công tác quản lý đến nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao lĩnh vực nông nghiệp. Nhờ đó đã tuyển chọn, du nhập, khảo nghiệm và nhân rộng các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất cao, chất lượng tốt, thích ứng rộng, góp phần đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả sản phẩm trồng trọt.
Việc ứng dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối (IoT) cũng đang được nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm, mạnh dạn thử nghiệm và bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế cao.
Cùng với đó, nhiều quy trình chăn nuôi đã được chuyển giao, một số đối tượng nuôi mới đã được thử nghiệm thành công. Qua các dự án, hình thành nên nhiều vùng sản xuất, nhiều sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Đồng thời, công nghệ bảo quản chế biến nông sản gắn với các sản phẩm chủ lực của tỉnh cũng được đầu tư và chuyển giao, ứng dụng...
Đặc biệt, công tác nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp và môi trường được quan tâm đầu tư từ cơ sở vật chất và nguồn lực triển khai. Bà Dương Thị Ngân - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN (Sở KH&CN) cho biết, đơn vị đã được đầu tư xây dựng xưởng sản xuất chế phẩm sinh học với hệ thống dây chuyền thiết bị đồng bộ, hiện đại; làm chủ công nghệ sản xuất từ khâu phân lập giống gốc đến sản xuất chế phẩm sinh học.
Đến nay, đơn vị đã sản xuất thành công 12 loại chế phẩm trong xử lý môi trường chăn nuôi (xử lý mùi hôi, nước thải chăn nuôi, làm đệm lót sinh học, xử lý chất thải rắn chăn nuôi làm phân bón), nuôi trồng thủy sản; các chế phẩm bảo vệ thực vật, xử lý rơm, gốc rạ tại đồng ruộng sau thu hoạch và chế phẩm sản xuất phân bón. Trong đó có 5 chế phẩm được Tổng cục Môi trường và Tổng cục Thủy sản cấp phép lưu hành.
Chỉ tính riêng chế phẩm Hatimic, từ năm 2020 – 2022, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN (Sở KH&CN) đã cung ứng ra thị trường khoảng 80 tấn chế phẩm giúp người dân tái sử dụng phụ phẩm trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, rác thải sinh hoạt sản xuất được xấp xỉ 200.000 tấn phân hữu cơ, tiết kiệm được 200 tỷ đồng tiền mua phân bón.
Việc đẩy mạnh công tác ứng dụng chế phẩm sinh học vào sản xuất góp phần nâng cao ý thức và kiến thức kỹ thuật cho người dân trong việc bảo vệ môi trường, tái sử dụng các phế thải nông nghiệp, gắn với nông nghiệp tuần hoàn, theo hướng hữu cơ.
Thông qua việc hỗ trợ xây dựng mô hình trồng cây ăn quả và ứng dụng chế phẩm sinh học của trung tâm, đã có nhiều sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh được công nhận đạt chuẩn hữu cơ. Ông Lê Vạn Hải - Giám đốc HTX Nông nghiệp Gia Phúc (Can Lộc) cho biết: "Năm 2022, 7 sản phẩm của HTX (cam giòn, cam chanh, cam Xã Đoài, bưởi da xanh, bưởi Phúc Trạch, táo, ổi) đã được Công ty CP Chứng nhận và Kiểm nghiệm FAO chứng nhận sản xuất phù hợp TCVN về nông nghiệp hữu cơ trên diện tích 25 ha.
Để đạt kết quả này, trước đó HTX đã được Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN Hà Tĩnh chuyển giao nhiều công nghệ, kỹ thuật và cung cấp chế phẩm vi sinh phục vụ sản xuất phân bón hữu cơ, “giải độc” đất và bảo vệ thực vật..."
Bà Dương Thị Ngân phấn khởi nói thêm, hiện nay, Trung tâm đã được Bộ NN&PTNT cấp phép cơ sở đủ điều kiện sản xuất phân bón và có 6 loại phân bón được cấp phép lưu hành, trong đó có phân hữu cơ khoáng cho cây chè, phân hữu cơ khoáng cho cây lúa và phân hữu cơ khoáng cho cây ngô. Việc ứng dụng phân hữu cơ khoáng cho trồng trọt trong giai đoạn tới sẽ góp phần tích cực trong nông nghiệp tuần hoàn và nông nghiệp hữu cơ của tỉnh.
Ngoài ra, ngành KHCN Hà Tĩnh cũng tập trung đầu tư cơ sở vật chất đồng bộ trong nghiên cứu phát triển nấm và tài nguyên sinh vật. Hiện Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển nấm và tài nguyên sinh vật Hà Tĩnh (Sở KH&CN) đã làm chủ quy trình công nghệ từ phân lập đến sản xuất giống đối với 10 loại nấm: đông trùng hạ thảo, linh chi, bào ngư, mộc nhĩ, hoàng kim, hoàng đế, kim châm, đùi gà, mỡ, rơm, góp phần tái sử dụng hiệu quả các phụ phẩm, phát triển nông nghiệp tuần hoàn trên địa bàn.