Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng góp cho mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội

Hoạt động khoa học, công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST) được Sở KH&CN triển khai đồng bộ, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp (DN), đóng góp ngày càng thiết thực cho mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh Long An.

Long An được Bộ Khoa học và Công nghệ vinh danh là địa phương có đóng góp nổi bật cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Ngày hội khởi nghiệp đổi mới quốc gia (Techfest-Whise 2023)

Long An được Bộ Khoa học và Công nghệ vinh danh là địa phương có đóng góp nổi bật cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Ngày hội khởi nghiệp đổi mới quốc gia (Techfest-Whise 2023)

Xếp thứ hai vùng đồng bằng sông cửu long về chỉ số đổi mới sáng tạo

Tháng 3/2024, Bộ KH&CN công bố kết quả xếp hạng Chỉ số ĐMST cấp địa phương (PII) năm 2023. Theo đó, Long An xếp thứ 2 Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với 44,95 điểm và xếp thứ 12 trong toàn quốc. Bộ chỉ số có 7 trụ cột, Long An dẫn đầu trụ cột Trình độ phát triển của DN, kế đến là tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bình Dương. Trụ cột này cho thấy sự phát triển của thị trường với những dịch vụ sẵn có, tạo điều kiện thuận lợi cho KHCN và ĐMST phát triển, khẳng định các DN sẽ thúc đẩy năng suất, khả năng cạnh tranh tốt. Trụ cột này thể hiện tăng trưởng các DN ĐMST, DN có ý tưởng đột phá khá cao. Ngoài ra, Long An đứng thứ 5 với 4 chỉ số trên 52 chỉ số thành phần, với các chỉ số tỷ lệ DN trong các khu công nghiệp, tỷ lệ DN có chứng chỉ ISO, số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp.

Theo Giám đốc Sở KH&CN - Nguyễn Minh Hải, năm 2023 là năm đầu tiên Bộ KH&CN triển khai Bộ chỉ số ĐMST cấp địa phương tại 63 tỉnh, thành phố. Kết quả xếp hạng cho thấy, tỉnh Long An thuộc nhóm dẫn đầu các địa phương có trình độ phát triển của DN mạnh mẽ. Bộ chỉ số ĐMST giúp chỉ ra những điểm mạnh, điểm yếu, những vấn đề tồn tại, cơ hội và thách thức. Từ đó, các địa phương điều chỉnh cũng như có các cơ chế, chính sách thúc đẩy sự phát triển KT-XH dựa trên KHCN và ĐMST. Trên cơ sở 5 điểm mạnh và 5 điểm yếu được trình bày, tỉnh Long An có thể nhận diện được các vấn đề cần chú trọng để có các chỉ đạo, điều hành trong xây dựng và thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển KT-XH dựa trên KHCN và ĐMST, góp phần nâng cao các năng lực về kinh doanh, cạnh tranh, ĐMST của địa phương trong thời gian tới.

5 điểm mạnh của Long An được Bảng xếp hạng chỉ ra là: Tỷ lệ dự án đầu tư đang hoạt động trong các khu công nghiệp; Đầu tư trực tiếp của nước ngoài/GRDP; Tỷ lệ DN có chứng chỉ ISO/1.000 DN; Đơn đăng ký nhãn hiệu/1.000 DN; Đơn đăng ký thiết kế kiểu dáng công nghiệp/10.000 dân. Trong đó, 4/5 chỉ tiêu nêu trên, tỉnh Long An xếp hạng 1/63 tỉnh, thành phố; chỉ tiêu “Đầu tư trực tiếp của nước ngoài/GRDP” xếp hạng 2/63 tỉnh, thành phố.

Bảng xếp hạng cũng chỉ ra 5 điểm yếu của Long An như Thiết chế pháp lý và an ninh, trật tự; Số tổ chức KH&CN/10.000 dân; Quản trị môi trường; Số DN ngành dịch vụ chuyên môn KH&CN/1.000 DN; Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo.

Những kết quả nổi bật

Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân cấp tỉnh vào tháng 12/2023

Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân cấp tỉnh vào tháng 12/2023

Thông tin từ Sở KH&CN, trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, Sở đã hoàn thành 94/104 nhiệm vụ do Chủ tịch UBND tỉnh và UBND tỉnh giao. Trong năm 2024, Sở thực hiện 7 nhiệm vụ trọng tâm theo Quyết định số 204/QĐ-UBND, ngày 08/01/2024 của UBND tỉnh, đến thời điểm này, đã hoàn thành 1 nhiệm vụ trước hạn, còn lại 6 nhiệm vụ trong hạn.

Năm 2023, Sở KH&CN xét duyệt, quản lý và theo dõi 1 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, 27 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, 24 nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở, 8 nhiệm vụ nhân rộng mô hình theo Chính sách hỗ trợ nhân rộng kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng tiến bộ công nghệ và các nhiệm vụ chuyển tiếp của các năm trước với tổng kinh phí 18,2 tỉ đồng.

Trên lĩnh vực khoa học - kỹ thuật và công nghệ, Sở đã hoàn thiện công nghệ chiết xuất dầu mù u và sản xuất thử nghiệm sản phẩm làm lành vết thương; thiết kế, chế tạo, ứng dụng công nghệ thông khí và bảo quản lạnh cho modul bảo quản lúa; ứng dụng công nghệ tiên tiến như AR/VR (thực tế ảo và thực tế tăng cường) xây dựng và phát triển hình ảnh điểm đến du lịch thông minh; ứng dụng quy trình công nghệ và thiết bị phát triển sản phẩm chất lượng cao của cây bưởi; ứng dụng công nghệ GIS trong quản lý và khai thác hệ thống giao thông.

Trên lĩnh vực khoa học nông nghiệp, Sở tập trung đẩy mạnh việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học trong chọn tạo và nhân giống cây trồng, vật nuôi và giống thủy sản có tiềm năng, lợi thế của tỉnh thích ứng với biến đổi khí hậu. Về trồng trọt, Sở triển khai các nhiệm vụ nhằm nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất giống (giống khoai mỡ, lúa tài nguyên, lúa huyết rồng, cây rau, cây sen, cây mai, cây gấc,...; kỹ thuật canh tác (quy trình vuốt tai thanh long, sản xuất giống cải bẹ xanh, cải ngọt, trồng keo, bạch đàn, quản lý dịch hại cho cây mít,...); phát triển các sản phẩm sau thu hoạch (dầu mù u, tinh dầu bưởi,...).

Năm 2024, Sở tiếp tục triển khai, xét duyệt, quản lý và theo dõi 1 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia; 38 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh (bao gồm 2 nhiệm vụ thuộc Chương trình năng suất chất lượng, và 4 nhiệm vụ thuộc Chương trình sở hữu trí tuệ), 20 nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở, 10 nhiệm vụ nhân rộng mô hình theo Chính sách hỗ trợ nhân rộng kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng tiến bộ công nghệ và các nhiệm vụ chuyển tiếp của các năm trước với tổng kinh phí hơn 29 tỉ đồng.

Hoạt động sở hữu trí tuệ, phong trào lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật cũng được Sở tập trung thực hiện. Đến nay, Sở hoàn tất 3 hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể cho 3 hợp tác xã (HTX), gồm: HTX An Vĩnh Ngãi, HTX Phước Lại, HTX Tân Hiệp cho các sản phẩm hoa lan, thanh long, mít và lúa giống tại Cục Sở hữu trí tuệ; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trong tỉnh thủ tục đăng ký xác lập quyền cho 135 nhãn hiệu và gia hạn 25 nhãn hiệu. Đã có 3 chỉ dẫn địa lý, 4 nhãn hiệu chứng nhận đã được cấp giấy chứng nhận, 90 nhãn hiệu tập thể đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận; 1 chỉ dẫn địa lý đang chờ Cục Sở hữu trí tuệ cấp là Gạo Nàng Thơm Chợ Đào; đang triển khai, thực hiện đăng ký cho 7 nhãn hiệu chứng nhận là: Rượu đế Gò Đen, Rau Cần Giuộc, Mai vàng Thủ Thừa, Mai vàng Tân Tây, Lạp xưởng Cần Đước, Lạp xưởng Cần Giuộc, Du lịch Long An và 7 nhãn hiệu tập thể đang chờ cấp giấy chứng nhận.

Đồng thời, Sở đang triển khai Chương trình phát triển tài sản trí tuệ, tổ chức ký hợp đồng thực hiện đối với 3 nhiệm vụ thuộc Chương trình “Xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch tỉnh Long An thông qua việc xác lập, quản lý các quyền sở hữu trí tuệ”; “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Lạp xưởng tươi Cần Đước” và “Lạp xưởng tươi Cần Giuộc” cho sản phẩm lạp xưởng tươi của huyện Cần Đước và huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An”; “Xác lập, bảo hộ quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể cho một số HTX trên địa bàn tỉnh Long An năm 2023”. Ngoài ra, Sở trình UBND tỉnh phê duyệt danh mục 4 nhiệm vụ KH&CN thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ năm 2024.

Trên lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, Sở đang triển khai nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh Dự án “Hỗ trợ DN nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2023”, hỗ trợ 30 DN xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở; chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng nói trên và chứng nhận theo TCVN, QCVN, tiêu chuẩn nước ngoài cho các sản phẩm, hàng hóa. Sở còn triển khai, thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở “Xây dựng hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa tỉnh Long An”. Hệ thống đã cơ bản hoàn thành, bảo đảm kết nối Cổng truy xuất nguồn gốc quốc gia và phù hợp với các tiêu chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc; được tiến hành thí điểm tại 22 DN, HTX, tổ hợp tác;...

Thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Quốc gia đến năm 2025” tỉnh Long An, giai đoạn 2022-2025, Sở KH&CN triển khai các hoạt động hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST năm 2023; ban hành Quy chế hoạt động và sử dụng Không gian khởi nghiệp ĐMST tỉnh Long An tại tầng 2 Sở KH&CN làm không gian làm việc chung trong các hoạt động khởi nghiệp ĐMST; duy trì hỗ trợ đội STEM của Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An trực tiếp làm việc tại đây khoảng 10-15 sinh viên, thời gian hoạt động từ thứ hai đến thứ bảy hàng tuần, đón tiếp gần 500 học sinh của Trường THPT Tân An và Trường Chuyên Long An đến tham quan hoạt động giáo dục STEM và trải nghiệm nghề nghiệp.

Sở cũng tổ chức Ngày hội Khởi nghiệp ĐMST tỉnh Long An năm 2023 với chủ đề "Khởi nghiệp ĐMST - Kiến tạo tương lai". Sự kiện do Sở KH&CN, Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn cùng Trường Đại học Tân Tạo phối hợp tổ chức với mục tiêu kết nối mạng lưới nguồn lực các sở, ngành, viện, trường, DN, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, cố vấn, nhà đầu tư, tập đoàn, các Làng Techfest,… xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tỉnh Long An năng động, chất lượng và bền vững. Năm 2023, Long An cùng 20 địa phương khác được Bộ KH&CN vinh danh là địa phương có đóng góp nổi bật cho hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại Ngày hội khởi nghiệp ĐMST Quốc gia (Techfest-Whise 2023)./.

Mai Hương

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-dong-gop-cho-muc-tieu-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-a176236.html