Khoái Châu: Khai thác tiềm năng nuôi bò sữa

Với lợi thế có triền đê sông Hồng trải dài, nguồn thức ăn thô xanh dồi dào, phụ phẩm nông nghiệp sẵn có, người dân huyện Khoái Châu đã mạnh dạn phát triển chăn nuôi bò sữa cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, huyện có hơn 600 con bò sữa, trong đó khoảng 80% tổng đàn đang cho khai thác sữa, tập trung ở các xã: Đông Kết, Bình Minh, Dạ Trạch... Sản lượng sữa bò tươi năm 2023 đạt hơn 2.400 tấn, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người chăn nuôi.

Người dân xã Dạ Trạch (Khoái Châu) chăm sóc đàn bò sữa

Người dân xã Dạ Trạch (Khoái Châu) chăm sóc đàn bò sữa

Theo kinh nghiệm của những hộ chăn nuôi bò sữa lâu năm tại huyện, để duy trì năng suất, chất lượng nguồn sữa theo yêu cầu của đơn vị thu mua, người chăn nuôi luôn chú trọng các khâu phòng bệnh, nuôi dưỡng như: Chọn lọc những con bò sữa cho sản lượng cao; thường xuyên vệ sinh chuồng trại, giữ chuồng trại luôn khô thoáng, sạch sẽ; tiêm phòng các bệnh phổ biến theo đúng lịch tiêm; sử dụng máy vắt sữa và bảo quản sữa theo đúng quy trình kỹ thuật...

Những khoảng đất trống được người dân xã Dạ Trạch tận dụng trồng cỏ voi để chủ động nguồn thức ăn thô xanh cho đàn vật nuôi. Vừa kết hợp thức ăn công nghiệp, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp giúp người chăn nuôi giảm được từ 20 đến 30% chi phí thức ăn. Đồng thời, nông hộ trong xã phối hợp chặt chẽ với nhân viên thú y – khuyến nông địa phương tiêm phòng bệnh đầy đủ cho đàn vật nuôi và theo dõi sát tình hình dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh môi trường. Cùng với nguồn phụ phẩm nông nghiệp dồi dào, người dân áp dụng biện pháp ủ chua để làm thức ăn dự trữ cho đàn bò; cây ngô, đậu tương… là nguồn thức ăn, phối trộn cùng thức ăn công nghiệp để bảo đảm dinh dưỡng và chất lượng sữa sau khai thác. Nhờ áp dụng thực hiện đúng kỹ thuật chăn nuôi bò sữa, nhiều năm nay, sữa bò của gia đình anh Hoàng Văn Ngọc ở xã Dạ Trạch sản xuất đến đâu được thu mua hết đến đó. Anh Ngọc cho biết: Gia đình tôi duy trì chăn nuôi bò sữa từ năm 2003. Đến nay, gia đình tôi thường xuyên nuôi 25 con bò sữa đang cho khai thác sữa. Để tăng năng suất và chất lượng sữa, ngoài việc chọn được giống bò tốt thì nguồn thức ăn phải bảo đảm và hợp vệ sinh. Theo đó, gia đình tôi trồng hơn 1 mẫu cỏ và 1 mẫu ngô, ngoài ra còn tận dụng thêm phụ phẩm nông nghiệp như: Rơm, thân cây chuối... để nuôi bò. Khi nguồn thức ăn thô dồi dào, tôi mang ủ chua để dành cho bò sữa ăn vào mùa đông giúp tiết kiệm chi phí, kích thích tiêu hóa cho bò. Do đó, đàn bò khỏe mạnh, cho sữa nhiều và đều, chất lượng sữa tốt, trung bình mỗi con đạt từ 15 đến trên 20 kg sữa/ngày.

Mỗi ngày, một con bò sữa cho thu trung bình từ 15 đến 20 kg sữa. Những con trong thời kỳ cao điểm có thể cho khai thác từ 25 đến 30 kg sữa/ngày. Để nghề nuôi bò sữa phát triển bền vững, nông dân trong huyện đã liên kết với Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) tiêu thụ sữa bò. Hiện nay, công ty có 2 điểm thu mua sữa bò trong huyện tại 2 xã: Đông Kết và Bình Minh. Sản phẩm sữa được công ty thu mua với mức giá 16.000 đồng/kg sữa bò loại 1, 14.000 đồng/kg sữa bò loại 2. Với giá bán này, người chăn nuôi bò có lãi khoảng 50% tiền bán sữa. Theo tính toán của người nuôi, với giá sữa ổn định ở mức hiện nay, sản lượng sữa trung bình mỗi con đạt 5 tấn/chu kỳ 300 ngày (tương đương 16kg sữa/ngày), một con bò sữa đang khai thác sữa cho thu lãi khoảng 50 triệu đồng/năm. Anh Đỗ Đắc Tịnh, thôn Đông Kết, xã Đông Kết cho biết: Liên kết với Công ty Vinamilk, chúng tôi có hợp đồng tiêu thụ sữa, được bảo đảm về giá và nâng cao ý thức trong chăn nuôi. Theo đó, sữa mang đến điểm thu mua sẽ được công ty kiểm tra chất lượng trước khi đưa vào bồn chứa. Nếu sữa không đáp ứng tiêu chuẩn theo hợp đồng ký kết sẽ được thu mua với giá rẻ hơn hoặc không thu mua. Do đó, các hộ dân không còn tâm lý chăn nuôi ẩu, chạy theo số lượng mà tập trung sản xuất theo chất lượng.

Những năm tới, bò sữa vẫn là vật nuôi làm giàu cho nông dân, được ưu tiên phát triển trong cơ cấu giống vật nuôi để nâng cao hiệu quả kinh tế. Bên cạnh những kết quả đạt được, người chăn nuôi bò sữa ở huyện Khoái Châu đang gặp phải một số khó khăn như: Thiếu vốn để đầu tư phát triển đàn bò, mở rộng quy mô; khó kiểm soát được chất lượng bò giống; ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi của các hộ còn hạn chế...

Đồng chí Phan Văn Hiếu, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Khoái Châu cho biết: Để phát triển chăn nuôi bò sữa bền vững, thời gian tới, huyện tiếp tục khuyến khích các xã ven đê tập trung phát triển chăn nuôi bò sữa theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng chất lượng giống; thường xuyên phối hợp với các ngành, đơn vị chuyên môn tổ chức tập huấn, nâng cao kiến thức chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân. Đồng thời, hướng dẫn người chăn nuôi sản xuất sữa bò chất lượng cao, giá cạnh tranh; ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong quá trình sản xuất; đầu tư chuồng trại đúng kỹ thuật; sử dụng máy chuyên dụng vắt sữa đúng quy trình bảo đảm an toàn sản phẩm sữa sau khai thác...

Vân Anh

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/khoai-chau-khai-thac-tiem-nang-nuoi-bo-sua-3176339.html