Khoảng lặng cồng chiêng - Kỳ 2: Khi không còn không gian nguyên bản
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên hàm chứa nhiều giá trị đặc sắc với thang âm cổ truyền, không gian buôn làng, cộng đồng dân cư, địa điểm (nhà rông, nhà dài, bến nước), bối cảnh thực hành (lễ hội, tập tục)…
Tuy nhiên, cùng với quá trình đô thị hóa và sự giao thoa văn hóa mạnh mẽ, cồng chiêng đang phải thích nghi với thực tại mới, dẫn đến sự biến đổi cả về giá trị văn hóa lẫn ý nghĩa tâm linh.

Biểu diễn cồng chiêng trên sân khấu tại lễ hội voi Buôn Đôn (Đắk Lắk).
Cồng chiêng “đón” khách
Mười năm trước, ấn tượng của chúng tôi khi lần đầu đến làng cổ Plei Ơp (phường Hoa Lư, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) là ngôi nhà rông bề thế với kiến trúc đặc trưng. Đây là làng văn hóa du lịch đầu tiên của tỉnh được quy hoạch, đầu tư phát triển du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, thời điểm đó, hầu hết bà con trong làng không còn ở nhà sàn mà đã thay thế bằng nhà bê-tông kiên cố.
Năm nay, trở lại Pleiku, làng Plei Ơp vẫn là cái tên nổi bật nhất mà người dân giới thiệu cho du khách phương xa. Nhà rông đầu làng vẫn sừng sững, bao quanh là vườn tượng gỗ dân gian sinh động với chàng dũng sĩ, mẹ bồng con... Song nhà cửa hiện đại còn san sát hơn, nhà sàn đã vắng bóng hẳn trong làng. Ngay cả cây nêu phía trước nhà rông cũng được tạo hình bằng kim loại chứ không phải chất liệu truyền thống. Lý giải điều này không khó, nguyên liệu gỗ để dựng nhà sàn, cây nêu giờ đây đã trở nên khan hiếm, đắt đỏ. Chỉ còn một vài dãy nhà sàn được sử dụng làm không gian ẩm thực và homestay, các bộ cồng chiêng treo trên vách như đồ trang trí. Du khách đến làng thường vào dịp cuối tuần, có thể được nghe, xem biểu diễn cồng chiêng, nếu muốn có thể đề nghị nghệ nhân hướng dẫn thao tác cơ bản, tham gia hòa âm…
Một ngày khác gần đây, trong ngôi nhà dài Ê Đê ở buôn Akô Dhông (phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), chúng tôi gặp đoàn khách đến từ Hải Phòng đầy hào hứng khi lần đầu tiên trải nghiệm đêm cồng chiêng Tây Nguyên. Chủ nhà là ông Y Pin Bing (thường gọi là Ama Pi) dẫn chuyện duyên dáng và nhiệt tình trong gần 2 giờ đồng hồ diễn ra chương trình văn nghệ, giao lưu. Đội cồng chiêng và múa hát huy động cả nam giới và phụ nữ, người già và trẻ em trong buôn tham gia, mặc trang phục dân tộc Ê Đê, trình diễn các tiết mục cồng chiêng, đàn T’rưng, tái hiện một số nghi lễ đón khách theo truyền thống gia đình người Ê Đê… Kết thúc một màn múa xoang, chị H’Tít Aliô - thành viên đội văn nghệ khẳng định: “Khi có khách quan tâm đặt lịch xem biểu diễn cồng chiêng, dù đoàn đông hay chỉ một người, chúng tôi đều trân trọng và thể hiện hết mình”.
Đầu tháng 3 vừa qua, Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 diễn ra với hàng chục sự kiện nhiều quy mô trải rộng trên địa bàn tỉnh, trong đó tất nhiên không thể thiếu các dàn cồng chiêng của người Ê Đê, M’Nông, Gia Rai… Cồng chiêng xưa kia thường do đàn ông (trung niên trở lên) thực hành, chỉ được đánh trong những dịp trọng đại của gia đình và cộng đồng, gắn với không gian buôn làng, thậm chí trước khi mang chiêng ra tấu chủ nhân còn cần phải cúng báo cáo với thần linh. Còn hiện nay, không khó bắt gặp cồng chiêng lên sân khấu hoành tráng, cồng chiêng xuống phố diễu hành…
Đó là thực trạng của không gian văn hóa cồng chiêng tại một số thành phố vùng Tây Nguyên thời gian qua. Các sinh hoạt truyền thống tồn tại với hình thức biểu diễn theo yêu cầu, chứ không còn là thành tố văn hóa nội tại của cộng đồng các dân tộc. Nghệ nhân 81 tuổi Y Dhok Niê của buôn Ko Siêr (phường Tân Lập, TP Buôn Ma Thuột) chia sẻ với nỗi hoài niệm: “Trước đây mỗi dịp trong buôn có đám tang, đám cưới hay nghi lễ đều đánh cồng chiêng cho mọi người biết mà tụ họp, giúp đỡ. Giờ ngay cả lễ mừng lúa mới cũng không còn nữa, nhà nào nhà nấy im ắng khi thu hoạch lúa về. Cũng bởi ít trồng lúa rồi, buôn mình nằm trong thành phố rồi, nhà cửa sin sít lấy đâu ra không gian thiêng để gọi thần linh nữa…”.
Và không thể không kể đến sự phát triển của công nghệ cùng các thiết bị điện tử với đa dạng nguồn thông tin và giải trí cũng góp phần thay đổi nhận thức và thói quen của người dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên. Y Jung (sinh năm 1990) ở làng Plei Đôn (phường Quang Trung, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) là một người trẻ có thói quen đều đặn chia sẻ lên mạng xã hội các hình ảnh, clip về cuộc sống, cảnh đẹp, nghề truyền thống, âm nhạc… của người Ba Na. Chị cho biết hiện nay vẫn được nghe, tiếp xúc với dàn cồng chiêng làng mình khá thường xuyên, nhưng hiếm khi có dịp nghe chơi chiêng cổ. Phổ biến hơn cả là âm nhạc cồng chiêng được biến tấu, chơi theo tiết tấu các bài hát hiện đại trong các lễ hội, tại các khu du lịch cộng đồng và được giới trẻ cũng như du khách đón nhận vì “tạo không khí vui vẻ và bắt đúng xu hướng”. Khi hỏi thêm về phong tục, nghi lễ xưa còn tồn tại trong cộng đồng, chị nói rằng hiện nay chỉ còn đám ma là người ta đánh chiêng thôi.

Buôn trong phố Akô Dhông (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk).
Suy giảm không gian di sản
Sự biến đổi của cả không gian cư trú (làng) lẫn không gian sinh kế (rừng, nương, rẫy) diễn ra nhanh chóng trên diện rộng tại hầu khắp các địa phương Tây Nguyên những năm qua đã tác động đến không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên như một xu thế tất yếu không thể đảo ngược. Rất nhiều công trình nghiên cứu, hội thảo khoa học, tọa đàm, diễn đàn... trong hai thập kỷ qua đã bàn luận về vấn đề này.
Nhà nghiên cứu văn hóa Trương Bi (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk) từng chỉ ra thực trạng: “Không gian rừng bị mất. Không gian bến nước không còn được sử dụng. Không gian nương rẫy đã nhường chỗ cho cây công nghiệp… và đất rẫy đã biến thành khu công nghiệp, trang trại; nhà sàn truyền thống đã thay dần bằng nhà xây kiên cố, không còn chỗ cho việc tổ chức các nghi lễ - lễ hội truyền thống. Mất không gian này sẽ đến mất không gian nghi lễ - lễ hội, không gian văn hóa cồng chiêng, không gian văn hóa sử thi, không gian thổ cẩm, không gian ẩm thực…”.
Hiện tượng đô thị hóa, bê-tông hóa có thể quan sát được trong thực tế từ những “làng trong phố” như Plei Ơp (TP Pleiku, Gia Lai) hay “buôn trong phố” Ako Dhông (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), khi không gian buôn làng cổ bị bao bọc và thay thế dần bởi nhà cửa hiện đại, phố phường kiểu mới. Theo nhận định của GS, TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, về mặt thời gian, có thể nói quá trình hiện đại hóa đã diễn ra hàng vài thập kỷ trước, ngay từ khi Pháp đặt chân và thiết lập hệ thống quản lý của họ đến mảnh đất Tây Nguyên. Tuy nhiên, giống như ở nhiều vùng miền núi khác, mốc phát triển có tác động mạnh mẽ đến các vấn đề bảo tồn văn hóa dân gian có lẽ phải kể đến đầu những năm 1980. Các khía cạnh khác nhau của sự “hiện đại hóa” này đã tạo ra cơ hội và thách thức đối với bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của các tộc người ở Tây Nguyên.
Theo các chuyên gia, thêm một yếu tố phát sinh trong quá trình dịch chuyển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên cũng ảnh hưởng đến không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, đó là sự du nhập của các tín ngưỡng, tôn giáo mới. Các giá trị văn hóa, đạo đức nhân văn tôn giáo có những tác động tích cực, làm phong phú đời sống văn hóa ở Tây Nguyên, song cũng biến đổi các mối quan hệ và nhiều thiết chế xã hội truyền thống.
Một vấn đề khác đặt ra là hiện tượng “làm mới” di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên theo chiều hướng sân khấu hóa, như tại các liên hoan quần chúng hoặc phục vụ khách du lịch, nhưng thiếu những nghiên cứu, chọn lọc hoặc thuyết minh để khán giả có thể hiểu được. Khi người nghe, người xem chỉ tiếp cận với phần “vỏ” có vẻ hào nhoáng, rộn ràng nhưng không biết bài chiêng đó tên gì, không phân biệt được của dân tộc nào… thì việc lưu giữ, phát huy giá trị cồng chiêng vẫn chỉ là hình thức, không bảo vệ được phần “hồn cốt” thiêng liêng, thậm chí còn làm méo mó và sai lệch giá trị chân chính của di sản.
(Còn nữa)