Khoảng lặng thôn Tây Hồ
Khoảng lặng chúng tôi muốn nói đến chính là cuộc sống của những người từng mắc bệnh phong, sống lặng lẽ ở xóm cùi thuộc thôn Tây Hồ (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai).
Xóm cùi thuộc thôn Tây Hồ có hơn 10 nóc nhà, đối xứng nhau, ẩn mình dưới những tán cây cao, rộng. Sáng sớm, trước sân, bên hiên nhà, người già, trẻ nhỏ ríu rít nói cười. Thoạt nhìn khung cảnh ở đây khá yên bình nhưng lại gần, quan sát kỹ mới thấy bên trong sự yên bình ấy là những phận người mà thân thể đã bị tàn phá bởi căn bệnh phong. Dù bệnh đã được kiểm soát, song di chứng để lại khiến nhiều người phải sống tàn tật suốt đời.
Khập khiễng trên đôi chân giả nhưng ông Rơ Mah Thanh (51 tuổi) vẫn nhiệt tình dẫn chúng tôi đi một vòng quanh xóm. Ông Thanh giới thiệu, xóm có gần 60 người cả người già lẫn trẻ nhỏ. Trong đó, hơn 30 người có hộ khẩu thường trú, còn lại là người thân của các gia đình từ nơi khác đến sống cùng. Xóm còn 9 người từng mắc bệnh phong, bị di chứng nặng nề, không thể lao động. Vợ chồng ông là 2 trong số đó.
Kể về cuộc đời mình, ông Thanh cho hay, năm 7 tuổi thì tay, chân ông bắt đầu tê, ngứa, rồi lở loét. Bố mẹ ông thay vì tìm bác sĩ về chữa trị lại lên rừng tìm lá cây về cho uống và đắp vết thương. Theo thời gian, bệnh tình ngày càng nặng. Các ngón tay bị cụt dần, hai chân cũng bị ăn mòn đến gần khớp gối.
“Mình được mẹ chăm sóc. Đến năm 2013, mẹ chết, bố lấy vợ khác, mình mới rời làng đến đây. Ở đây, mình được các tổ chức từ thiện quan tâm, còn được lắp chân giả. Ngày đầu tập đi đau lắm nhưng mình cố chịu. Mình không muốn cả đời cứ bò với lết quanh nhà. Bây giờ thì mình đi khắp nơi với đôi chân giả này”-ông Thanh nói.
Ở đây, ông gặp và kết hôn với bà Rơ Lan Rẽ. Bà Rẽ cũng từng mắc bệnh phong, hơn ông 10 tuổi. Cả hai nương tựa nhau và sống nhờ vào số tiền trợ cấp hàng tháng cũng như sự giúp đỡ từ cộng đồng. “Cách đây 3 năm, chị gái cho vợ chồng mình 1 con bò. Những lúc tay chân không nhức mỏi, vợ chồng mình thay nhau đi chăn. Năm ngoái, bò sinh thêm 1 con bê”-ông Thanh phấn khởi khoe.
Nhanh nhẹn và nói lưu loát tiếng phổ thông nên ông Thanh trở thành người giới thiệu về xóm cùi mỗi khi có người đến thăm. Theo ông Thanh, 2 người bị di chứng nặng nhất của bệnh phong là vợ chồng ông Siu Dơng và bà Kpă Ngal. Cả hai cũng không biết chính xác tuổi của mình mà chỉ áng chừng ngoài 70 tuổi. Căn bệnh quái ác khiến ông Dơng mù lòa, cụt hai bàn tay, ngón chân. Trong khi đó, hai bàn tay bà Ngal cũng rụng hết ngón; chân phải cụt lên gần khớp gối, chân trái cũng không lành lặn.
Bà nói không ngừng nghỉ, dẫu rằng bà nói chỉ để bà nghe, vì ông Dơng bị điếc nặng. Bà cũng không chịu ngồi im một chỗ mà kẹp chiếc chổi vào 2 cùi tay, rồi bò quanh nhà, quanh sân quét đến khi không còn bụi, rác. Với người dân trong xóm, hành động của bà cũng là một dạng bệnh. Bệnh nói nhiều và quá sạch sẽ! Cũng như vợ chồng ông Thanh, vợ chồng ông Dơng sống hoàn toàn nhờ vào tiền trợ cấp hàng tháng và sự giúp đỡ từ các Mạnh Thường Quân.
Chỉ tay về phía người phụ nữ ngoài 60 tuổi đang ngồi bên đống lửa trước sân nhà, ông Thanh cho hay: “Đó là bà Kpă Hlong-trưởng xóm cùi. Vị trí này là của chồng bà nhưng chồng bà đã chết cách đây 9 năm”. Tháo chiếc vớ để lộ bàn chân đã rụng hết ngón, bà Hlong nói: “Bố mẹ mình bị nặng hơn. Chồng mình cũng thế, phải đi chân giả. May mắn là 2 con trai của mình đều khỏe mạnh. Con cái của chúng cũng khỏe mạnh”. Với 2ha đất trồng cây cà phê và cây điều, mẹ con bà Hlong được xem có cuộc sống ổn định nhất xóm; số còn lại đa phần không có đất sản xuất, hoặc cũng chỉ vài ba chục cây cà phê.
Theo ông Đoàn Văn Xuân-Bí thư Đảng ủy xã Bàu Cạn, xóm cùi có 11 hộ dân đăng ký thường trú. Đến nay còn 6 hộ nghèo. Những người từng mắc bệnh phong, do di chứng để lại nặng nề nên không có khả năng lao động. Họ sống dựa vào trợ cấp và các Mạnh Thường Quân nên rất khó để thoát nghèo.
“Địa phương thường xuyên quan tâm, động viên và thăm hỏi, tặng quà vào các dịp lễ, Tết. Đồng thời tuyên truyền, vận động bà con nâng cao tinh thần cảnh giác trước những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch; đoàn kết, yêu thương nhau và sống “tốt đời đẹp đạo”. Địa phương cũng khuyến khích, tạo điều kiện để các hộ dân tiếp cận với các nguồn vốn vay phát triển sản xuất. Tuy nhiên, một số người vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại, chưa có quyết tâm thoát nghèo”-ông Xuân cho hay.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/khoang-lang-thon-tay-ho-post303047.html