Khởi công tu bổ, xây dựng đình Thuần Lương (thờ thần Long Đỗ - Tô Lịch) tại Hải Dương
Trong khuôn khổ kỳ lễ hội truyền thống xã Hùng Thắng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương đã khởi công tu bổ xây dựng lại đình Thuần Lương (thờ thần Long Đỗ - Tô Lịch) vào ngày 3/3.
Ngày 3/3, nhân ngày Lễ giỗ của Thủy tổ họ Tô là Tô Lịch, Ủy ban Nhân dân xã Hùng Thắng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, long trọng tổ chức Lễ hội truyền thống và Lễ khởi công tu bổ, xây dựng đình Thuần Lương.
Bí thư Huyện ủy Bình Giang Lê Quý Tiệp; lãnh đạo Sở Văn Hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương; Giáo sư, Tiến sĩ Tô Xuân Dân – Chủ tịch Hội đồng Họ Tô Việt Nam; Giáo sư sử học Lê Văn Lan; lãnh đạo xã Hùng Thắng cùng đông đảo nhân dân, du khách thập phương và con cháu họ Tô cùng dự buổi lễ.
Lễ hội truyền thống đình Thuần Lương (thờ Thủy tổ họ Tô là thần Long Đỗ -Tô Lịch), là dịp để lãnh đạo và nhân dân xã tri ân tổ tiên, là sinh hoạt văn hóa tâm linh và giáo dục truyền thống cho nhân dân, thế hệ trẻ ngày nay.
Giáo sư sử học Lê Văn Lan phát biểu tại buổi lễ khẳng định giá trị lịch sử của đình Thuần Lương, sự cần thiết phải tu bổ, tôn tạo và duy trì giá trị truyền thống, văn hóa của khu di tích lịch sử đình Thuần Lương tại xã Hùng Thắng, huyện Bình Giang, Hải Dương. Giáo sư đánh giá cao việc địa phương cùng nhân dân, các dòng họ của làng Thuần Lương, đặc biệt là dòng họ Tô - con cháu của Thủy tổ Tô Lịch chung tay cùng góp sức góp vốn để tu bổ lại cụm di tích lịch sử này. Ông cũng khẳng định giá trị lịch sử của đình Thuần Lương sẽ trường tồn cùng đất nước, dân tộc và cộng đồng làng xã nơi đây.
Giáo sư Lê Văn Lan phấn khởi cho rằng Lễ hội truyền thống và Lễ khởi công tu bổ, xây dựng đình Thuần Lương được "thiên thời, địa lợi, nhân hòa"; phù hợp với thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII của Đảng "Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" đáp ứng khát vọng phát triển đất nước phồn vinh của quốc gia, dân tộc.
Giáo sư, Tiến sĩ Tô Xuân Dân - Chủ tịch Hội đồng Họ Tô Việt Nam cho hay "Dự án Tu bổ, tôn tạo, xây dựng đình Thuần Lương" có chủ đầu tư là UBND xã Hùng Thắng với tổng kinh phí cả hai giai đoạn khoảng từ 20 đến 30 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa.
Ngày 11 và 12 tháng 2 âm lịch hàng năm, cán bộ và nhân dân xã Hùng Thắng mở hội truyền thống tại đình Thuần Lương để tạ ơn trời đất và tổ tiên, tạ ơn Thành hoàng có công dựng ấp, lập làng, gìn giữ non sông đất nước.
Ngày hội làng cũng là ngày để con em quê hương, các dòng họ, dân làng và quý khách thập phương được đoàn tụ đông đủ, vui tiệc trà, tiệc rượu thăm hỏi động viên cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng đổi mới và cũng là ngày để nhân dân ôn lại lịch sử của làng.
Đông trấn vọng từ - đình Thuần Lương trên đất Hải Dương ngày nay
Theo sử sách và các di ngôn, làng Thuần Lương và đình Thuần Lương có từ thế kỷ thứ 8 có một lớp người di cư từ thành Thăng Long men theo sông Hồng, sông Thái Bình - sông Đinh Đào về làng Thuần Lương định cư. Nghề chính là nghề gốm sứ. Địa dư hành chính lúc ấy là xã Thuần Lương, Tổng Bằng Giã, huyện Đường An, Phủ Thượng Hồng.
Xã Thuần Lương gồm 3 làng: Làng Bá Lương và Làng San Lương làm nghề gốm sứ, làng Cao Lương trồng lúa. Sau này 3 làng hợp nhất thành một, gọi là làng Thuần Lương. Lớp người Hà Nội gốc di cư về đây lập đình và rước linh vị thần Long Đỗ Tô Lịch về thờ, Đình Thuần Lương thờ thần Tô lịch đã tồn tại từ thời đó đến nay.
Thần tích thần phả của thành hoàng làng sử sách có ghi: xuất hiện vào thế kỷ thứ 4 sau công nguyên, Tô Lịch là người đứng đầu làng Hà Nội gốc, ngài nổi tiếng nhân đức, hiếu thuận, được mọi người mến phục, tôn sùng. Do đó mà cả dòng sông chảy trước làng cũng được mang tên là Tô Lịch truyền đến ngày nay.
Vì làng Tô Lịch tựa vào núi Long Đỗ (còn được gọi là Nùng Sơn tức núi Nùng), nên cũng có tên là hương Long Đỗ. Và Tô Lịch, người đứng đầu hương Long Đỗ khi về cõi vĩnh hằng được thờ làm thần làng, vì thế cũng được gọi là thần Long Đỗ. Tương truyền, thần Long Đỗ - Tô Lịch đã nhiều lần hiển linh, làm khiếp vía kẻ đô hộ ngoại bang.
Năm 545, Lý Nam Đế, xây tòa thành đầu tiên trên đất Hà Nội cổ, chống lại quân xân lược nhà Lương ở ngay chỗ dòng sông mang tên thần, nên sử sách có chép đấy là tòa Tô Lịch Giang Thành.
Khi vua Lý Thái Tổ định đô ở Thăng Long (thế kỷ thứ XI) đã tôn phong thần làm "Quốc Đô Thăng Long Thành Hoàng Đại Vương", gọi tên ngôi đền thờ là Bạch mã linh từ.
Vào năm Bảo Thái thứ 5, năm 1724, Đình Thuần Lương được khôi phục thành ngôi đình lớn thờ Thành hoàng. Đình gồm 5 gian tiền tế, 2 gian hậu cung. Công trình có quy mô lớn, chủ yếu là gỗ lim, chạm khắc có trình độ kỹ thuật cao, lợp ngói mũi hài.
Theo tài liệu của Viện khảo cổ học Hà Nội, lúc này đình Thuần Lương vẫn giữ được 4 sắc phong. Một là sắc phong niên hiệu Tự Đức (20/11). Hai là, sắc phong ngày 1/7 năm Đồng Khánh thứ 2. Ba là, sắc phong ngày 11/8 năm Duy Tân thứ 3 tuần giang đại lễ. Bốn là, sắc phong ngày 25/7 năm Khải Định thứ 9 tứ tuần đại khánh.
Năm 1948 lập làng kháng chiến, sân đình dùng làm hầm để phục vụ dân quân du kích. Ngày 17/12/1949 giặc Pháp càn quét làng, đốt sạch cả đình lẫn chùa. Nhân dân đã dỡ gạch xây ụ kháng chiến bảo vệ làng.
Như vậy, đền Bạch Mã tại Hà Nội là Đông Trấn Chính từ, còn đình Thuần Lương là Đông trấn Vọng từ. Đức Tô Lịch là Thành Hoàng Thăng Long Hà Nội - Là một nhân thần trong lịch sử có công hộ quốc vệ hoàng và được coi là Thủy tổ của dòng họ Tô Việt Nam.
Vào tháng 8 năm 2008, Đình làng Thuần Lương được xây dựng lại trong niềm phấn khởi của nhân dân, đình có 3 gian tiền tế, 1 gian hậu cung. Ngôi đình nhỏ chưa xứng tầm với một di sản văn hóa, nhưng với lòng luôn nhớ về cội nguồn, nhân dân vẫn duy trì được các ngày lễ và tuần tiết trong năm. Các đồ thờ tự có giá trị văn hóa tâm linh hiện có là do các dòng họ và nhân dân mua sắm và cung tiến.
Căn cứ vào giá trị lịch sử, di tích, các thần sắc, thần phả, các di vật còn lại, căn cứ vào luật di sản văn hóa và nguyện vọng của nhân dân, UBND tỉnh Hải Dương đã ra quyết định công nhận đình làng Thuần Lương là di tích lịch sử văn hóa năm 2011.
Làng Thuần Lương và làng Phúc Lão ngày nay hợp thành thôn Lương Phúc với gần 300 hộ dân và trên 1.000 nhân khẩu, lấy đồng ruộng làm nghề chính quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng đổi mới.
Sau đây là những hình ảnh của đình Thuần Lương ngày nay tại đất Bình Giang, Hải Dương: