Khối công - tư chênh lệch, kiến nghị giảm giờ làm việc

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục đề nghị giảm giờ làm để người lao động có điều kiện tái tạo phục hồi sức lao động.

Mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục có kiến nghị về giảm giờ làm việc bình thường cho người lao động xuống dưới 48 giờ/tuần. Đề xuất này của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam được đưa ra trong thời điểm gần đến Tháng Công nhân 2024 với nhiều hoạt động trọng tâm, góp phần bảo đảm việc làm và cải thiện thu nhập, đời sống của đoàn viên, người lao động.

Bên cạnh đó, đề xuất nhằm sớm thực hiện Nghị quyết số 101/2019/QH14 của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Cụ thể Nghị quyết nêu rõ, "Giao Chính phủ căn cứ tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nghiên cứu đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường đối với người lao động thấp hơn 48 giờ/tuần và báo cáo Quốc hội xem xét vào thời điểm thích hợp".

Chính phủ cũng đã giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp các bộ, ngành nghiên cứu sớm giảm giờ làm việc cho người lao động trong doanh nghiệp.

Việc giảm giờ làm giúp người lao động tái tạo sức lao động, dành nhiều thời gian cho gia đình, đem lại nhiều lợi ích

Việc giảm giờ làm giúp người lao động tái tạo sức lao động, dành nhiều thời gian cho gia đình, đem lại nhiều lợi ích

Năm 1999, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 188 về thực hiện chế độ tuần làm việc 40 giờ. Tuy nhiên đến nay, quy định thời gian làm việc 40 giờ/tuần vẫn chỉ được thực hiện ở khu vực công.

Hiện, người lao động làm việc tại các cơ quan Nhà nước được nghỉ trọn vẹn cả ngày thứ 7 và Chủ nhật. Trong khi đó, các doanh nghiệp vẫn làm việc ngày thứ 7.

Theo đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, chênh lệch về thời gian làm việc như vậy là không công bằng.

Nhiều người lao động ủng hộ việc giảm giờ làm việc nhưng lo ngại sẽ bị giảm thu nhập

Nhiều người lao động ủng hộ việc giảm giờ làm việc nhưng lo ngại sẽ bị giảm thu nhập

Việt Nam cũng thuộc nhóm các nước có thời gian làm việc cao trên thế giới và khu vực. Theo số liệu thống kê của International Labour Organization (ILO) - Tổ chức Lao động Quốc tế được cập nhật đến ngày 11/01/2024, thời gian làm việc trung bình của người lao động Việt Nam là 41,6 giờ/tuần (bao gồm cả khối cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp). Tuy nhiên, tỷ lệ người lao động làm việc từ 49 giờ/tuần trở lên chiếm đến 25%.

Số giờ làm việc trung bình và tỷ lệ người lao động làm việc quá mức (Nguồn: ILO)

Số giờ làm việc trung bình và tỷ lệ người lao động làm việc quá mức (Nguồn: ILO)

Bởi nhiều lý do nêu trên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục đề nghị giảm giờ để người lao động có điều kiện tái tạo phục hồi sức lao động.

Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Chính sách - pháp luật cho biết: "Xã hội của Việt Nam chúng ta đã có những thành tựu nhất định, người lao động cũng cần phải được hưởng và cần có một lộ trình. Tất nhiên giảm giờ làm nhưng điều kiện lao động của người lao động không được cắt giảm".

 Trong tình hình hiện nay, giảm giờ làm việc cần phải cân nhắc nhiều yếu tố mới bảo đảm tính khả thi

Trong tình hình hiện nay, giảm giờ làm việc cần phải cân nhắc nhiều yếu tố mới bảo đảm tính khả thi

Đề xuất giảm giờ làm việc thấp hơn 48 giờ/tuần không phải là mới. Tuy nhiên, từ đề xuất đến triển khai thực tế phải có sự chuẩn bị như cải thiện năng suất lao động, nâng mặt bằng tiền lương, thu nhập lao động.

Trong bối cảnh năng suất lao động chưa cao, mặt bằng thu nhập thấp, nếu giảm giờ làm việc thì thu nhập của người lao động sẽ giảm theo.

Nhiều chuyên gia lao động nêu ý kiến có thể thí điểm điều chỉnh giảm giờ làm việc chính thức ở một số ngành nghề hoặc áp dụng rộng rãi khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao.

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.com.vn/bai-viet/khoi-cong-tu-chenh-lech-kien-nghi-giam-gio-lam-viec-120065.htm