Khỏi Covid-19, chàng trai xung phong chăm sóc F0 ở TP.HCM

Từ tình nguyện viên nhập liệu, sau khi chiến thắng virus SARS-CoV-2, Huỳnh Khang tiếp tục hỗ trợ công tác chống dịch bằng việc chăm sóc các ca F0 ở bệnh viện dã chiến.

Trong bộ đồ bảo hộ kín mít cùng khẩu trang, kính chắn giọt bắn, găng tay, Huỳnh Khang (sinh năm 1999) cẩn thận đút từng thìa cháo cho bà cụ đang nằm trên giường bệnh. Bà là một trong những F0 tại Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 đa tầng quận Tân Bình (TP.HCM).

Vừa ăn được một miếng cháo nhỏ, bà cụ phải ngừng lại, hơi thở khó nhọc. Khang kiên nhẫn, đợi bà ổn định trở lại, đút từng muỗng cho tới khi bát cháo vơi dần.

Cách đây khoảng một tháng, Huỳnh Khang cũng nằm trên chiếc giường bệnh như bà cụ, là một trong các F0 tại TP.HCM. Quay lại bệnh viện lần này, vai trò của chàng trai sinh năm 1999 đã thay đổi, trở thành tình nguyện viên chăm sóc người bệnh.

"Mình vừa hồi phục, có kháng thể nên muốn xung phong chăm sóc những người không may mắc bệnh. Mình coi đây vừa là một trong những cách góp sức chống dịch, vừa báo đáp ân tình cứu chữa của các y bác sĩ thời gian qua", Huỳnh Khang chia sẻ với Zing.

 Huỳnh Khang hiện tham gia công tác tình nguyện chăm sóc người mắc Covid-19 ở bệnh viện dã chiến.

Huỳnh Khang hiện tham gia công tác tình nguyện chăm sóc người mắc Covid-19 ở bệnh viện dã chiến.

Hai lần tình nguyện

Cuối tháng 6, Huỳnh Khang vừa hoàn thành chương trình học ngành Công tác Thanh thiếu niên tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, chỉ còn đợi nhận bằng tốt nghiệp.

Lúc này, tình hình dịch Covid-19 ở TP.HCM cũng đang chuyển biến phức tạp, cần nhiều lực lượng tham gia hỗ trợ. Thấy bản thân có sức trẻ, có thời gian, Khang không nghĩ ngợi nhiều, gật đầu ngay khi được một người quen rủ tham gia tình nguyện.

Vừa đăng ký lúc 18h30 ngày 30/6, đến 22h, chàng trai quê Vĩnh Long được điều động luôn. Công việc đầu tiên của Khang là hỗ trợ nhập liệu tại phòng lab xét nghiệm Covid-19.

"Ngày đầu mặc đồ bảo hộ, mồ hôi mình tuôn như tắm, ngộp, khó thở. Vài ngày sau đó, mình quen dần, làm việc cũng trơn tru hơn".

Vì khá rành về Excel, lại đánh máy nhanh, Khang được mọi người tin tưởng, khen ngợi. Những lúc hiếm hoi được nghỉ ngơi, cả nhóm tình nguyện viên trạc tuổi nhau lại trò chuyện làm quen, động viên nhau cùng cố gắng.

Thời gian đầu, Khang hỗ trợ công tác nhập liệu.

Thời gian đầu, Khang hỗ trợ công tác nhập liệu.

Những tưởng quãng thời gian tình nguyện sẽ trôi qua êm đẹp, tối 27/7, Khang nhận thông báo dương tính với SARS-CoV-2 khi làm xét nghiệm định kỳ. Cứ 3 ngày/lần, các tình nguyện viên như Khang lại được test Covid-19.

"Thực ra khi tham gia hoạt động này, mình cũng chuẩn bị tâm lý có thể nhiễm bệnh bất cứ lúc nào nên khi biết tin, mình không quá bất ngờ. Chỉ là sợ gia đình lo lắng, mình quyết định không nói với bố mẹ ở quê".

Huỳnh Khang nhanh chóng được đưa tới bệnh viện điều trị Covid-19. Vì không có triệu chứng, các chỉ số sinh hiệu ổn, Khang được xếp vào nhóm bệnh nhân nhẹ. Những ngày ở bệnh viện, cậu không sốt, không ho hay đau họng, chỉ mất vị giác, khứu giác.

Hàng ngày, ngoài uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, Khang chủ động súc họng thường xuyên, bổ sung nước, vitamin, ăn ngủ đúng bữa và tập thể dục nhẹ tại phòng bệnh để nâng cao sức đề kháng.

Trở lại

Sau 18 ngày điều trị, chàng sinh viên năm cuối chính thức được tuyên bố khỏi Covid-19 sau các lần xét nghiệm âm tính với virus.

Ngày làm thủ tục xuất viện, mẹ bất ngờ gọi điện, lúc này, Khang mới thú nhận mọi sự. Trước đó khi nằm viện, mỗi lần mẹ gọi video, cậu đều phải nhanh chóng thay sang quần áo thường, tìm một góc khuất để bắt máy.

"Mình nghĩ chắc do linh tính của người mẹ. Bên cạnh đó, hồi còn đi nhập liệu, mình rất hay cập nhật tình hình trên trang cá nhân, chắc bẵng đi một thời gian không thấy mình đăng gì nên mẹ sinh nghi. May mà mẹ cũng không trách mắng gì, chỉ dặn mình chú ý giữ gìn sức khỏe".

 Khang hiện hỗ trợ chăm sóc các bệnh nhân mắc Covid-19.

Khang hiện hỗ trợ chăm sóc các bệnh nhân mắc Covid-19.

Sau khi ra viện, Khang tiếp tục về ký túc xá trường để tự cách ly thêm 14 ngày. Các trường hợp như cậu được nhà trường hỗ trợ, tạo điều kiện cách ly, đảm bảo giãn cách.

Cũng trong thời gian này, chàng trai sinh năm 1999 nghe tin thành phố kêu gọi các F0 khỏi bệnh tham gia hỗ trợ chống dịch.

"Lúc đó, mình đã rất muốn đi rồi, chỉ đợi hết 14 ngày tự cách ly là đăng ký luôn. Vì có kháng thể, mình xung phong đến hỗ trợ các nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân".

Bệnh viện dã chiến Khang đang làm tình nguyện áp dụng mô hình điều trị "tháp 5 tầng". Cụ thể, tầng 1 cách ly tạm thời ca test nhanh dương tính, chờ kết quả rRT-PCR. Tầng 2 tiếp nhận F0 không triệu chứng, nhẹ. Tầng 3 là F0 có triệu chứng. Tầng 4 điều trị F0 có bệnh nền hoặc bệnh lý nền nặng, nguy kịch. Tầng 5 sẽ điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch. Huỳnh Khang làm việc tại tầng 4.

Lần này, Khang chủ động thông báo việc tình nguyện với cha mẹ và thường xuyên cập nhật thông tin để họ an tâm. Dù vẫn lo lắng, mẹ cậu bày tỏ sự ủng hộ và động viên tinh thần con trai rất nhiều.

Với công việc hiện tại, cậu chủ yếu giúp bệnh nhân ăn uống, những người không thể tự ăn sẽ được giúp truyền thức ăn qua ống. Ngoài ra, cậu cũng hỗ trợ các nhu cầu sinh hoạt, vệ sinh cá nhân cho người bệnh như thay tã, ga giường hay theo dõi huyết áp, nồng độ oxy cho họ.

"Mình xem họ như người thân trong gia đình, nhiệt tình, cẩn thận chăm sóc. Với nhiều bệnh nhân lớn tuổi, có triệu chứng nặng, sinh hoạt khó khăn, mình cố gắng kiên nhẫn, hỗ trợ cả những thứ nhỏ nhất để họ thoải mái. Có lúc, nhận được một lời cảm ơn cũng khiến mình hạnh phúc lắm rồi".

Hiện, chàng sinh viên năm cuối chẳng mong gì nhiều ngoài việc cả nước sớm kiểm soát được dịch bệnh. Khi đó, cậu sẽ nhanh chóng về nhà thăm gia đình, chở nhỏ bạn thân đi ăn món mì cay yêu thích.

Mai An

Ảnh: NVCC

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khoi-covid-19-chang-trai-xung-phong-cham-soc-f0-o-tphcm-post1257423.html