Khơi dậy niềm tự hào, tình yêu biên cương Tổ quốc

Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp về đề tài Quốc phòng toàn dân năm 2023 với chủ đề 'Vang mãi khúc quân hành' diễn ra từ ngày 9 đến ngày 21/10, tại Hà Nội là một 'bữa tiệc' nghệ thuật với những chương trình đặc sắc đến từ các đơn vị trên cả nước. Trong đó, chương trình của Đoàn Văn công BĐBP được khán giả chào đón nhiệt tình bởi sự công phu, hoành tráng và đầy thăng hoa. Để có buổi biểu diễn thành công, các nghệ sĩ, diễn viên... của Đoàn Văn công BĐBP đã nỗ lực luyện tập, sáng tạo và mang tới hội diễn một màu sắc riêng, đọng lại nhiều ấn tượng sâu sắc đối với khán giả. Báo Biên phòng đã có cuộc phỏng vấn với Đại tá, Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Tuấn Anh, Đoàn trưởng Đoàn Văn công BĐBP về vấn đề này.

Đại tá Nguyễn Tuấn Anh trong một chuyến công tác trên biển. Ảnh: Anh Tuấn

Đại tá Nguyễn Tuấn Anh trong một chuyến công tác trên biển. Ảnh: Anh Tuấn

- Thưa đồng chí, Đoàn Văn công BĐBP đã có sự chuẩn bị như thế nào trước khi tham gia Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp về đề tài Quốc phòng toàn dân năm 2023?

- Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp về đề tài Quốc phòng toàn dân năm 2023 với chủ đề “Vang mãi khúc quân hành” là một sự kiện lớn, với sự tham gia tranh tài của 22 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trong và ngoài Quân đội với gần 1.600 nghệ sĩ, diễn viên tham dự. Đặc biệt là có sự tham gia của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp đến từ Bộ Công an và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Điều đó cho thấy chất lượng nghệ thuật và sức cạnh tranh của Hội diễn lần này là rất cao, tạo thách thức không nhỏ đối với Đoàn Văn công BĐBP.

Với mong muốn thông qua các tác phẩm nghệ thuật có thể tạo được cảm xúc lớn cho khán giả, mang đậm nét đặc thù của lực lượng BĐBP, chương trình với các tiết mục kết nối nhau một cách khéo léo, xuyên suốt, liền mạch qua câu chuyện bằng âm nhạc, múa và sân khấu... Các nghệ sĩ, diễn viên của Đoàn Văn công BĐBP đã khai thác, vận dụng tốt các tính năng của nhạc cụ hiện đại và truyền thống, lúc thì mang khí thế hào hùng, kiêu hãnh, lúc lại lắng đọng, ngọt ngào, lãng mạn..., thể hiện sự cống hiến hết mình, những khó khăn, gian khổ, hy sinh của người lính nơi biên cương đang ngày đêm gìn giữ từng tấc đất của quê hương, bảo vệ bình yên cho mỗi người dân, bản làng nơi biên giới. Với tâm thế ấy, toàn thể cán bộ, chiến sĩ Đoàn Văn công BĐBP đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, thống nhất, vượt khó luyện tập, phát huy trí tuệ tập thể, tích cực tham gia biểu diễn và phấn đấu đạt kết quả tốt nhất tại hội diễn năm nay.

- Điểm mới của chương trình dự thi lần này là gì, thưa đồng chí?

- Với ý tưởng và mong muốn kể một câu chuyện bằng nghệ thuật âm nhạc, đồng thời mang lại những cảm xúc chân thực nhất, truyền tải tới người xem thông điệp về biên cương Tổ quốc, nên chương trình của chúng tôi được mang tên “Tiếng gọi biên cương”. Chương trình có cốt truyện, nhân vật, nội dung câu chuyện dẫn dắt tới các tiết mục ca, múa, nhạc gồm 12 tác phẩm hợp xướng, đơn ca, tốp ca, múa, hòa tấu, độc tấu nhạc cụ dân tộc... Đây là cách làm mới, đòi hỏi nhiều công sức, trí tuệ, kinh phí hơn so với các chương trình ca, múa, nhạc thông thường bởi tất cả các tiết mục đều được sáng tác mới theo tình tiết của câu chuyện. Cùng với đó, sâu khấu được đầu tư quy mô lớn, tạo cảnh đẹp, ấn tượng. Lực lượng sáng tác, biên đạo, thiết kế mỹ thuật... quy tụ được nhiều nghệ sĩ có tiếng của cả nước.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng xác định, qua mỗi lần hội diễn là một cơ hội để trưởng thành, phát triển và rèn luyện chuyên môn, bứt phá, vượt lên chính mình của tập thể Đoàn Văn công BĐBP cũng như đối với từng nghệ sĩ, diễn viên. Chính vì thế, chúng tôi đã động viên, huy động sức mạnh nội lực từ kịch bản văn học, sáng tác ca khúc đến biên đạo múa, tổng đạo diễn. Các ca sĩ đã có sự nỗ lực lớn khi thể hiện các tác phẩm khó, đòi hỏi giọng hát điêu luyện và kỹ thuật thanh nhạc cao để thể hiện tốt những tác phẩm lớn. Ban nhạc đảm nhận phần đệm cho các ca khúc ở nhiều thể loại, từ hợp xướng, đơn ca, tốp ca, hòa tấu, độc tấu, với các phong cách âm nhạc theo tình tiết của kịch bản, lúc thì nhạc nhẹ, lúc thì theo phong cách thính phòng, đương đại, dân gian... đều rất nhuần nhuyễn và xử lý tinh tế. Đội múa cũng đã phát huy được thế mạnh của mình, vừa biểu diễn được vẻ đẹp hình thể, kỹ thuật múa điêu luyện và phối hợp hài hòa giữa múa đương đại với múa dân gian.

- Đề nghị đồng chí cho biết, qua Chương trình “Tiếng gọi biên cương”, thông điệp các nghệ sĩ muốn gửi gắm tới công chúng là gì?

- “Tiếng gọi biên cương” không chỉ là một chương trình tham dự hội diễn, mà còn là tấm lòng của chúng tôi gửi tới các đồng chí, đồng đội đang ngày đêm trên các miền biên cương, hải đảo, quản lý và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Cả chương trình là một câu chuyện đẹp về tình yêu biên cương Tổ quốc, tình nghĩa quân dân thắm thiết và tình yêu đôi lứa trong sáng của cô gái người dân tộc Hà Nhì và chàng lính Biên phòng đầy khát vọng cống hiến nơi biên thùy. Và đó cũng là bức tranh sống động về cuộc sống với những sắc màu văn hóa độc đáo mà chúng tôi vẽ nên bằng nghệ thuật, để khán giả có thể cảm thấy biên giới thật gần gũi, thật thiêng liêng.

Thông điệp mà chúng tôi muốn gửi tới khán giả chính là tình yêu và trách nhiệm với Tổ quốc, với biên cương luôn trào dâng trong mỗi người lính Biên phòng, là nghĩa tình quân dân nơi biên giới luôn sắt son, bền chặt. Vẻ đẹp của biên giới và tình người nơi biên giới được thể hiện qua chương trình là lời mời gọi khán giả hãy lên biên giới, lên cùng đồng chí, đồng bào nơi biên cương của Tổ quốc để cảm nhận và yêu thương.

- Xin cảm ơn đồng chí!

Tham dự hội diễn lần này, Đoàn Văn công BĐBP đã giành được 1 Huy chương Vàng toàn đoàn, 4 Huy chương Vàng với các tiết mục ca, múa, nhạc, 3 Huy chương Bạc với các tiết mục múa và đơn ca, danh hiệu Tổng đạo diễn xuất sắc nhất cho Đại tá, Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Tuấn Anh, Đoàn trưởng Đoàn Văn công BĐBP; Bằng khen của Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam cho Đội múa của Đoàn Văn công BĐBP.

Thùy Trang (thực hiện)

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/khoi-day-niem-tu-hao-tinh-yeu-bien-cuong-to-quoc-post468032.html