Khơi dậy niềm tự hào về mảnh đất anh hùng miền biên viễn
Mới đây, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp với Hội LHPN tỉnh Điện Biên tổ chức triển lãm ảnh 'Phụ nữ với Điện Biên' và Hội chợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ. Có thể nói, thông qua các hoạt động của triển lãm ảnh và hội chợ đã mang đến cho người xem những hình ảnh, tư liệu quý giá về ký ức Điện Biên năm xưa, với những con người bình dị mà hào hùng, quả cảm, sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc. Qua đó, bồi đắp thêm cho mỗi người niềm tự hào về mảnh đất trung dũng, kiên cường, tươi đẹp với hoa trái ngọt lành, sản vật phong phú.
Triển lãm ảnh gồm 3 nội dung chính: “Góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ”, “Vì một Điện Biên phát triển” và “Điện Biên - điểm hẹn của tương lai” với 155 hình ảnh, 36 câu chuyện khác nhau, như một thước phim quay chậm dẫn dắt người xem đi từ quá khứ đến hiện tại, với những hình ảnh về những đóng góp của người phụ nữ Điện Biên, từ lúc cam go bảo vệ Tổ quốc trong thời chiến đến lúc vun đắp, dựng xây đất nước trong thời bình. Người xem cũng xúc động, tự hào với những khía cạnh đời thường, những khoảng lặng của chiến tranh được tái hiện sinh động qua bao hồi ức, ảnh tư liệu quý và kỷ vật tại triển lãm.
Theo đó, ở chủ đề 1: “Góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ” là bức tranh sống động về hình ảnh từng đoàn phụ nữ dân công gùi hàng, vượt dốc, hăng hái chi viện đóng góp sức người, sức của tiến về chiến trường Điện Biên Phủ. Chủ đề 2: “Vì một Điện Biên phát triển” với những dấu ấn phong trào hướng về tiền phương nhằm tô thắm hơn nữa tình nghĩa hậu phương quân đội giữa phụ nữ mọi miền với các chiến sĩ nơi tiền phương, tiêu biểu như các phong trào: “Vì điểm tựa tiền tiêu”, “Nửa triệu áo ấm hướng về chiến sĩ tiền phương”... Trong đó, nổi bật là chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Dự án 8” nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 do Hội LHPN Việt Nam tham gia phối hợp với các Bộ, ngành triển khai trong thời gian qua. Chủ đề 3: “Điện Biên - điểm hẹn của tương lai” mở ra những hy vọng tươi sáng khi Điện Biên trở thành điểm hẹn của tương lai với những thế mạnh của một mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, đa dạng bản sắc văn hóa các dân tộc và có vị trí chiến lược nơi tiền tiêu.
Phát biểu tại triển lãm, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương nhấn mạnh, để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, không thể không nhắc đến vai trò to lớn của phụ nữ Việt Nam. Cùng với bộ đội, phụ nữ các dân tộc Tày, Mường, Thái, Mông... đã tham gia tích cực trong các phần việc từ tiền tuyến, hậu phương. Phụ nữ đã đóng góp hơn 2,3 triệu ngày công, chiếm 50% số ngày công phục vụ toàn chiến dịch. Không chỉ tiếp sức cho chiến trường, phụ nữ hậu phương còn tích cực lao động sản xuất, làm ra nhiều lúa gạo tiếp tế cho cho tiền tuyến...
Truyền thống lịch sử vẻ vang của phụ nữ Việt Nam được nhiều thế hệ kế thừa và tiếp bước thông qua rất nhiều hoạt động, chương trình, đề án của Hội LHPN Việt Nam như “Vì điểm tựa tiền tiêu”, “Nửa triệu áo ấm hướng về chiến sĩ tiền phương”... Trong thời kỳ hội nhập - phát triển, nhiều dự án, đề án trọng tâm của Hội cũng hướng đến những điểm tựa tiền tiêu của tỉnh Điện Biên như chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” hay các dự án nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, nhằm đẩy mạnh, chăm lo đến đối tượng yếu thế như phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số... "Triển lãm là một món quà tri ân tới Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những người đã góp phần làm nên chiến thắng hào hùng trên mảnh đất Điện Biên lịch sử này, trong đó có hàng vạn phụ nữ Việt Nam trên khắp mọi miền Tổ quốc" - bà Hương nêu rõ.
Còn đối với khách tham quan triển lãm, họ như thấy được những khía cạnh đời thường, những khoảng lặng của chiến tranh được tái hiện sinh động qua bao hồi ức, ảnh tư liệu quý và những kỷ vật về tình cảm đồng chí, đồng đội, đặc biệt là tình yêu đôi lứa của những chàng trai, cô gái - những chiến sĩ Điện Biên năm xưa. Đó cũng là mong muốn của Ban tổ chức khi trưng bày triển lãm này sẽ góp phần khơi dậy lòng tự hào dân tộc, động viên phụ nữ cả nước phát huy tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ; dám nghĩ, dám làm, đoàn kết, năng động, sáng tạo, đóng góp hiệu quả vào công cuộc đổi mới đất nước; giáo dục thế hệ trẻ lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ đã hy sinh xương máu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sau lễ khai mạc triển lãm ảnh “Phụ nữ với Điện Biên”, các đại biểu đã tham quan Hội chợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm với 24 gian hàng, trên 200 mặt hàng nông sản an toàn, tiêu biểu, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng bản địa, hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống địa phương... của đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác do nữ làm chủ của các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Chị Lò Thị Xinh, phụ trách gian hàng các loại thịt gác bếp Chung Phước, huyện Mường Ảng cho biết: “Gian hàng của chúng tôi có một số sản phẩm như: Thịt trâu sấy, thịt lợn sấy, ba chỉ gác bếp, đây là các sản phẩm đặc trưng của dân tộc Thái. Qua hội chợ, chúng tôi mong muốn được quảng bá sản phẩm tới các vùng miền để tạo công ăn việc làm cho chị em, hy vọng sắp tới sẽ được nhiều du khách và bạn bè biết đến”.
Được tổ chức vào dịp cận kề Lễ hội hoa ban, Hội chợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm đã thu hút được nhiều du khách, người dân đến tham quan, trải nghiệm và mua sắm. Đây cũng là cơ hội để đẩy mạnh chuỗi kết nối tiêu thụ các sản phẩm, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh cho phụ nữ Điện Biên với các tỉnh, thành trên cả nước.
Ông Lê Thanh Vinh, du khách đến từ Cà Mau chia sẻ: “Đến với hội chợ, chúng tôi được thưởng thức và mua sắm rất nhiều hàng hóa, sản vật đặc sắc của tỉnh Điện Biên. Điều thú vị là hầu hết các sản phẩm này đều do chị em phụ nữ tại địa phương làm ra, do đó, về lâu dài, tôi nghĩ, nó sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tại các bản, các xã, các huyện trong tỉnh”.
Được biết, thời gian qua, Hội LHPN tỉnh Điện Biên đã thường xuyên duy trì tổ chức các hoạt động hội chợ thương mại thông qua nhiều sự kiện thường niên. Những sản phẩm mộc mạc, gần gũi được tạo nên từ đôi bàn tay khéo léo của chị em phụ nữ vùng cao không chỉ góp phần kết nối mạng lưới các doanh nghiệp, nhà sản xuất và người tiêu dùng, mà còn tạo cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế, phong trào sản xuất của phụ nữ dân tộc thiểu số và miền núi tại địa phương.