Khơi dậy, phát huy giá trị văn hóa, con người xứ Thanh phục vụ nhu cầu đổi mới và phát triển

Xứ Thanh được biết đến không chỉ là vùng 'địa linh, nhân kiệt' mà còn là một 'miền di sản' phong phú, giàu giá trị. Sự kết hợp hài hòa giữa những giá trị văn hóa và con người ấy, đã và đang tạo ra thế và lực để hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng cho quê hương.

Một tiết mục văn nghệ tại Liên hoan văn hóa các dân tộc tỉnh Thanh Hóa năm 2024.

Một tiết mục văn nghệ tại Liên hoan văn hóa các dân tộc tỉnh Thanh Hóa năm 2024.

Truyền thống đáng tự hào

Xứ Thanh là miền đất cổ, lưu giữ nhiều dấu ấn của lịch sử, văn hóa dân tộc. Đây là nơi đầu tiên phát hiện ra nền văn hóa Đông Sơn và cũng là nơi phát hiện được nhiều di chỉ, di tích Văn hóa Đông Sơn với số lượng và loại hình hiện vật di chỉ, di tích nhiều nhất. Đặc biệt, việc phát hiện, khai quật, nghiên cứu hang Con Moong cho thấy xứ Thanh chứa đựng diễn tiến của các nền văn hóa tiền sử, từ thời kỳ đá cũ sang đá mới. Chưa hết, xứ Thanh vừa nằm gọn trong vùng văn hóa sông Mã vừa là nơi giao thoa giữa hai vùng văn hóa Bắc bộ và Trung bộ, nên đời sống văn hóa, tinh thần của người dân xứ Thanh rất phong phú, đa dạng.

Bấy nhiêu đó thôi cũng đủ để xứ Thanh mang trên mình nhiều giá trị văn hóa, lịch sử phong phú, đa dạng đại diện cho dân tộc. Song, nói về xứ Thanh, còn là nhắc đến vùng đất “căn bản làng vua”, nơi phát tích của các triều đại lịch sử vẻ vang hay cái nôi sinh thành và nuôi dưỡng nhiều anh hùng, hào kiệt, hiền tài cho đất nước. Từ những ngày đầu dựng nước, giữ nước, nhiều người con Thanh Hóa đã ghi dấu với non sông. Đến thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Nhân dân Thanh Hóa đã có nhiều đóng góp to lớn tạo nên bao chiến công hiển hách.

Trong quá trình đấu tranh, phát triển lâu dài ấy, nhiều giá trị văn hóa độc đáo, mang đặc trưng riêng của từng vùng đất, dân tộc đã được hình thành. Đó là hệ thống lễ hội truyền thống, di tích gắn với các nhân vật lịch sử, anh hùng hào kiệt; những điệu múa, trò chơi trò diễn gắn với đời sống và công cuộc đấu tranh dựng nước giữ nước của dân tộc. Những giá trị văn hóa đã tạo nên một kho tàng di sản độc đáo, với hệ thống 1.535 di tích và hàng trăm lễ hội, trò chơi trò diễn dân gian, tri thức dân gian... Nhiều di sản đã trở thành đại diện tiêu biểu góp phần làm phong phú kho tàng văn hóa Việt như lễ hội Lam Kinh, lễ hội Đền Bà Triệu, lễ hội đền thờ Lê Hoàn, trò Xuân Phả...

Truyền thống lịch sử hào hùng và văn hóa đa dạng, giàu giá trị cùng với đặc điểm địa hình, khí hậu đã hun đúc, hình thành nên con người xứ Thanh với những phẩm chất, giá trị chuẩn mực. Đó là tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, anh hùng, bất khuất, đoàn kết, trọng nghĩa, trọng tình, cần cù, sáng tạo... Điều này đã được khẳng định qua hình tượng những vị vua anh minh Lê Hoàn, Lê Lợi; những anh hùng hiên ngang bất khuất như Triệu Thị Trinh - khởi nghĩa Bà Triệu, Tống Duy Tân - khởi nghĩa Hùng Lĩnh, Phạm Bành - khởi nghĩa Ba Đình; hay những học giả nổi tiếng Lê Văn Hưu, Đào Duy Anh...

Để văn hóa là nền tảng

Văn hóa là nền tảng và là động lực quan trọng cho phát triển. Nhận thức được tầm quan trọng đó và bám sát nội dung Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, tỉnh Thanh Hóa đã đặc biệt chú trọng xây dựng con người Thanh Hóa phát triển toàn diện, trong đó trọng tâm là xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống, nhân cách con người. Nhiều đức tính cao quý của con người mới được chú trọng giáo dục, rèn luyện, xây dựng, nổi bật như có thế giới quan khoa học, có lý tưởng, khát vọng cống hiến; có nhân cách, lối sống đẹp, yêu quê hương, đất nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo, tự lực, tự cường; hiếu học, ham hiểu biết, có sức sáng tạo và khả năng thích ứng; có ý thức tôn trọng pháp luật; sống có tự trọng, có dũng khí đấu tranh đẩy lùi cái xấu, cái ác, tôn vinh, nhân lên cái đẹp, cái tốt trong xã hội.

Lễ hội Lam Kinh năm 2023.

Lễ hội Lam Kinh năm 2023.

Đồng thời, các phong trào xây dựng con người mới được đẩy mạnh triển khai như: phong trào “Xây dựng gia đình văn hóa”; “Công dân kiểu mẫu”; “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”; “Xây dựng đô thị văn minh, công dân thân thiện”; “Xây dựng phong cách nhà giáo, trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Thanh niên tình nguyện”, “Sáng tạo trẻ”... Các chuẩn mực về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của con người mới đã được đưa vào một số văn bản quy phạm pháp luật, vào quy ước, hương ước làng, xã; vào quy chế, quy định, nội dung, quy tắc của cơ quan, đơn vị, tổ chức. Việc thực hiện quyền con người trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội được coi trọng và đảm bảo bằng luật pháp, quy chế, quy định, trong đó có các quyền về văn hóa của công dân. Việc triển khai đồng bộ các nội dung, hoạt động về phát triển con người mới đã góp phần bồi dưỡng, giáo dục, xây dựng con người Thanh Hóa ngày càng hoàn thiện chuẩn mực, luôn hướng tới các giá trị chân - thiện - mỹ.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, sự đổi mới của thời đại, những tài năng, phẩm giá của con người xứ Thanh vẫn được phát huy. Đó là hình ảnh con người xứ Thanh hăng say lao động, đoàn kết, nghĩa tình, sẵn sàng hy sinh lợi ích hay sức khỏe, tính mạng bản thân vì sự nghiệp chung. Điều này được minh chứng qua tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, tích cực lao động, sản xuất, cống hiến cho quê hương, đất nước. Ví như trong giai đoạn chung tay chống dịch COVID-19, nhiều đoàn cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng tiến vào tâm dịch để chữa bệnh cho người dân; hay nhiều gương người tốt, việc tốt xuất hiện tại các khu dân cư trong công tác hiến đất, xóa đói giảm nghèo, lao động sản xuất... Để rồi, truyền thống tốt đẹp khởi nguồn từ văn hóa và phẩm chất con người ấy, đã và đang trở thành động lực, sức mạnh nội sinh để mỗi con người xứ Thanh từng bước hoàn thiện và phát triển, đáp ứng yêu cầu phát triển quê hương, đất nước trong tình hình mới.

Bài và ảnh: Thùy Linh

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/khoi-day-phat-huy-gia-tri-van-hoa-con-nguoi-xu-thanh-nbsp-phuc-vu-nhu-cau-doi-moi-va-phat-trien-31110.htm