Khơi dậy tiềm năng phát triển từ các làng nghề: (Kỳ 2)- Nhận diện những khó khăn, thách thức
Với vai trò quan trọng của làng nghề trong phát triển kinh tế nông thôn, những năm qua các cấp, các ngành của tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, giải pháp để khôi phục và phát triển làng nghề. Tuy nhiên, hiện nay phát triển làng nghề đang gặp nhiều khó khăn, thách thức và một số làng nghề đang đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền.
Nguy cơ bị mai một
Để bảo tồn và phát triển làng nghề, hàng năm, tỉnh đều ban hành kế hoạch, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương liên quan tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các làng nghề. Đại diện lãnh đạo Sở Công Thương cho biết: Cùng với việc tham mưu, đề nghị xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" nghề thủ công mỹ nghệ, hàng năm từ kế hoạch khuyến công và xúc tiến thương mại, Sở đã hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu tư sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong nghề truyền thống, làng nghề truyền thống đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị, tham gia hội chợ triển lãm. Đồng thời đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nghề truyền thống, làng nghề truyền thống của tỉnh tại các hội chợ triển lãm và trên các kênh truyền thông.
Hai năm gần đây, đơn vị đã phối hợp với xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư tổ chức cuộc thi Bàn tay vàng chế tác đá mỹ nghệ tỉnh Ninh Bình nhằm phát động phong trào thi đua trong hoạt động nghề đá mỹ nghệ, động viên, khích lệ các nghệ nhân, thợ giỏi phát huy tình yêu nghề nhằm giữ gìn và phát triển nghề đá của địa phương.
Về phía chính quyền địa phương, ông Nguyễn Văn Lịch, Chủ tịch UBND xã Yên Lâm, huyện Yên Mô cho biết: Xác định xây dựng nông thôn mới phải chuyển dịch được cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, xã Yên Lâm đã tạo điều kiện tốt nhất, hỗ trợ các hộ làng nghề về mặt bằng, tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi phục vụ sản xuất; liên kết với các ngành tổ chức các lớp đào tạo nghề cho người dân...
Theo ông Phạm Mạnh Hà, Phó chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, mặc dù đã có nhiều sự quan tâm, hỗ trợ nhưng nhìn nhận thực tế quá trình phát triển làng nghề ở tỉnh ta vẫn còn những bất cập, phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều làng nghề chưa thực sự phát triển bền vững, đa số có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; thị trường sản phẩm chủ yếu tiêu thụ nội địa; một số mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu nhưng kim ngạch xuất khẩu chưa cao.
Mặt khác, đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi có xu hướng giảm, thiết bị công nghệ sản xuất lạc hậu gây lãng phí nguyên liệu, năng suất lao động thấp. Nhiều làng nghề thiếu mặt bằng sản xuất, cơ sở hạ tầng làng nghề chưa đồng bộ, chưa có các trung tâm trưng bày, bảo tồn nghề có quy mô lớn. Một số làng nghề vẫn còn tình trạng gây ô nhiễm môi trường. Điển hình như tại làng nghề bún bánh Yên Ninh (Yên Khánh), đa số hộ sản xuất trong khu dân cư với diện tích khá chật chội, quá trình sản xuất đôi lúc vẫn phát sinh mùi hôi do nước thải gây ra.
Hay tại làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân, mặc dù đã có cụm công nghiệp làng nghề nhưng hiện còn nhiều hộ vẫn đang sản xuất tại gia đình, quá trình sản xuất phát sinh tiếng ồn và bụi đá ảnh hưởng đến môi trường. Đặc biệt, qua rà soát cho thấy nhiều làng nghề có nguy cơ mai một, thất truyền…
Hiện toàn tỉnh có 3 làng nghề được đánh giá hoạt động kém cần chuyển đổi nghề là làng nghề bún Yên Thịnh, xã Khánh Dương, huyện Yên Mô với số hộ tham gia là 3,73% trên tổng số hộ dân trong làng nghề; làng nghề đan cót Vân Thị, thôn Vân Thị, xã Gia Tân, huyện Gia Viễn có số hộ tham gia là 13,85%; làng nghề thêu ren thôn Vũ Đại, xã Gia Xuân, huyện Gia Viễn có số hộ tham gia là 12,95%. Ngoài ra, có 2 làng nghề đang có nguy cơ mai một đó là làng nghề thêu ren thôn Chùa, xã Gia Thủy và làng nghề mây tre đan Sào Lâm, xã Văn Phú, huyện Nho Quan hiện tại không còn lao động tham gia vào hoạt động của làng nghề.
Phát triển du lịch làng nghề còn manh mún
Theo các chuyên gia, làng nghề truyền thống được xem như một tài nguyên du lịch nhân văn có ý nghĩa. Phát triển du lịch làng nghề là hướng đi đầy triển vọng. Nhận thấy tiềm năng to lớn giữa du lịch với làng nghề, những năm qua, nhiều địa phương đã quan tâm phát triển làng nghề gắn với khai thác du lịch. Một số làng nghề gần các điểm du lịch đã thích ứng nhanh, gắn kết tạo các tour du lịch tham quan, trải nghiệm, sản xuất các sản phẩm lưu niệm đáp ứng nhu cầu của du khách.
Làng nghề thêu Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư là một minh chứng. "Làng nghề thêu Văn Lâm có tuổi đời gần 1.000 năm, có giai đoạn làng nghề đã có nguy cơ thất truyền, mai một. Song những năm gần đây, với việc gắn khai thác du lịch với phát triển làng nghề nên ngày càng có nhiều du khách biết đến sản phẩm của làng thêu, nghề truyền thống cũng từng bước được khôi phục và mở rộng" - Ông Đinh Anh Tới, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Hải cho biết.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia và cơ quan chức năng, sự kết hợp làng nghề và hoạt động du lịch sẽ mở ra triển vọng lớn để "cứu" những làng nghề truyền thống khỏi nguy cơ bị bỏ lại phía sau. Làng nghề làm đa dạng sản phẩm du lịch và làm tăng nguồn thu ngành Du lịch. Ngược lại, du lịch góp phần quảng bá truyền thống văn hóa, lịch sử, nét tài hoa của nghệ nhân làng nghề và hỗ trợ "xuất khẩu tại chỗ", giải quyết đầu ra cho sản phẩm - vốn đang là thách thức lớn nhất của các làng nghề truyền thống hiện nay, giúp nghệ nhân có thể sống được bằng nghề và các thế hệ sau có động lực tiếp nối nghề truyền thống.
Tại Ninh Bình, bên cạnh một số ít làng nghề thực sự là điểm đến du lịch, "níu chân" du khách ở lại khám phá, tìm hiểu và trải nghiệm, hầu hết các làng truyền thống khác, hoạt động du lịch chỉ diễn ra ở mức nhỏ lẻ, manh mún, tự phát. Dễ thấy nhất là sản phẩm du lịch còn đơn điệu, nghèo nàn, thiếu bản sắc và chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách du lịch.
Bên cạnh đó, các làng nghề chưa được đánh giá đúng về tiềm năng phát triển du lịch. Hầu hết mới chỉ chú ý việc đưa khách đến tham quan nghề và giới thiệu sản phẩm mà chưa chú ý khai thác các giá trị văn hóa tích hợp, giá trị cảnh quan, kiến trúc như đình, chùa, miếu, nhà thờ họ… cùng các giá trị tinh thần như những câu chuyện huyền tích về nghề và tổ nghề, mối liên kết cộng đồng.
Bà Dương Thị Thanh, Hiệp hội Du lịch Ninh Bình cho biết: Du lịch làng nghề không chỉ đơn thuần là đến xem các nghệ nhân làng nghề làm ra sản phẩm, hay đến mua sắm, tham quan mà khách du lịch còn mong muốn được tìm hiểu những giá trị nhân văn trong đó, những giá trị phi vật thể tồn tại qua thời gian ở làng nghề. Tuy nhiên, việc khai thác khía cạnh này ở các làng nghề ở tỉnh ta còn khiêm tốn, chưa được tổ chức một cách quy mô, có hệ thống. Chưa kể hạ tầng giao thông đi lại khó khăn, nguy cơ thất truyền, mai một cũng khiến việc phát triển du lịch làng nghề gặp khó.