Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp
Hiện nay, tỉnh Phú Thọ đang quan tâm chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai thực hiện tiểu dự án thúc đẩy khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn thuộc Dự án thứ hai của Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN. Trong đó có nhiều nội dung quan trọng hỗ trợ, khuyến khích thanh niên DTTS&MN khởi nghiệp, lập nghiệp, phát triển kinh tế tại địa phương.
Với tư duy mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm cùng sức trẻ, sự năng động, nhạy bén, thanh niên là lực lượng giữ vai trò xung kích trong phát triển kinh tế - xã hội. Ở khu vực đồng bào DTTS&MN, việc huy động, khuyến khích thanh niên khởi nghiệp, tham gia phát triển kinh tế mang nhiều ý nghĩa quan trọng, vừa nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân, vừa góp phần bảo tồn nghề truyền thống, giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào DTTS.
Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp Tỉnh đoàn thanh niên triển khai các nội dung hỗ trợ của dự án thông qua các hội nghị truyền thông, tuyên truyền, hướng dẫn... tạo thuận lợi cho người dân vùng đồng bào DTTS&MN, trong đó lực lượng nòng cốt là đoàn viên thanh niên tiếp cận các chính sách hỗ trợ, có thêm động lực để khởi nghiệp, phát triển kinh tế.
Thanh niên huyện miền núi Thanh Sơn tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo đặc sắc như: Mật ong Tinh Nhuệ, thịt chua Thanh Sơn, mì gạo Cự Thắng, chuối phấn vàng Tân Lập, măng chua Văn Miếu... Với hơn 60% đồng bào DTTS sinh sống trên địa bàn, thời gian qua, Huyện đoàn Thanh Sơn đã làm tốt vai trò đồng hành, hỗ trợ đoàn viên thanh niên trong lập nghiệp, khởi nghiệp.
Đồng chí Đinh Mạnh Hùng - Bí thư Huyện đoàn Thanh Sơn cho biết: Với vai trò đồng hành, hỗ trợ đoàn viên phát triển kinh tế, Huyện đoàn đã kết nối, tạo thuận lợi các dự án khởi nghiệp, lập nghiệp tiếp cận nguồn vốn 120 để có thêm nguồn lực mở rộng sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập. Đồng thời, tích cực kết nối, giới thiệu thanh niên trực tiếp sản xuất hàng hóa tham gia hội chợ, chương trình triển lãm để quảng bá, giới thiệu sản phẩm; tổ chức thanh niên tham quan mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu để gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng sản xuất...
Cùng với thanh niên Tân Sơn, đã có 30 sản phẩm của thanh niên vùng đồng bào DTTS&MN được giới thiệu, quảng bá và nhiều cá nhân, tập thể thanh niên được khen thưởng, tuyên dương vì đã khởi nghiệp thành công. Đây đều là chủ nhân của những mô hình kinh tế với cách làm sáng tạo, đột phá trong phát triển sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao, cho thu nhập từ hàng trăm triệu đến hàng tỉ đồng mỗi năm.
Song hành với đó, hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa vùng đồng bào DTTS&MN cũng được Ban Dân tộc tỉnh phối hợp cùng các sở, ngành, huyện thực hiện, tiếp thêm động lực, tạo thuận lợi cho thanh niên DTTS&MN phát triển kinh tế.
Thông qua hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm đã hỗ trợ cá nhân, HTX, doanh nghiệp do thanh niên làm chủ được tiếp cận, trang bị kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh như: Dịch vụ hóa đơn điện tử, tem điện tử xác thực hàng hóa, ứng dụng mã hình QR trong truy xuất trực tiếp nguồn gốc sản phẩm, tem chống giả và phổ biến các điều kiện cung cấp sản phẩm hàng hóa vào hệ thống các siêu thị, các kiến thức đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình sản xuất, bảo quản, quy cách đóng gói thẩm mỹ, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Đồng thời, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh gặp gỡ, giao lưu, tìm kiếm đối tác, liên kết hợp tác phát triển sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, góp phần hình thành các chuỗi giá trị trong sản xuất, nâng cao thu nhập, chất lượng hàng hóa vùng DTTS&MN trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, các phiên chợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm được tổ chức ở các huyện Yên Lập, Thanh Sơn, Tân Sơn với nhiều gian hàng giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương cũng đã góp phần quan trọng thúc đẩy, khuyến khích, hỗ trợ thanh niên vùng đồng bào DTTS&MN khởi nghiệp kinh doanh, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Anh Trần Văn Dũng - Chủ cơ sở sản xuất gà ri ủ muối Tân Sơn, khu Đồng Gạo, xã Văn Luông, huyện Tân Sơn chia sẻ: “Tham gia các phiên chợ, ngày hội tạo thuận lợi để thanh niên giới thiệu sản phẩm đến đông đảo người tiêu dùng, mở rộng thị trường tiêu thụ, giải quyết tốt mối quan hệ giữa sản xuất, thị trường. Đồng thời, chúng tôi cũng được tiếp cận thêm nhiều kênh bán hàng trên nền tảng số để tăng sản lượng, doanh thu...”.
Với sự chỉ đạo của tỉnh, vào cuộc của các sở, ngành, địa phương, các dự án, chính sách hỗ trợ, khuyến khích thanh niên DTTS&MN khởi nghiệp, phát triển kinh tế đã, đang được thực hiện có hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, thu nhập cho người dân, thu hẹp khoảng cách miền núi, miền xuôi.
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/khoi-day-tinh-than-khoi-nghiep/202396.htm