Khơi dậy và phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật dân tộc Khmer

Trong những năm qua, đi đôi với phát triển kinh tế - xã hội thì công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, loại hình nghệ thuật dân tộc Khmer cũng được các cấp, các ngành quan tâm. Đặc biệt, phong trào văn hóa, văn nghệ trong các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) cũng được chú trọng, nhằm khơi dậy và phát huy bản sắc dân tộc, mang lại niềm vui và sân chơi thú vị cho học sinh người Khmer.

So với lần đầu tiên, hội thi văn nghệ các trường PTDTNT tỉnh Sóc Trăng lần thứ II năm 2021, do Đài Phát thanh - Truyền hình Sóc Trăng phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức đã để lại dấu ấn đẹp cho khán giả và tạo sân chơi bổ ích cho học sinh người Khmer có dịp giao lưu, học tập trong lĩnh vực văn nghệ.

Em Sơn Thị Mỹ Loan - học sinh lớp 9 (Trường PTDTNT THCS Trần Đề) phấn khởi cho biết: “Lần đầu tiên được tham gia hội thi văn nghệ, em rất vui. Tụi em đã có thời gian tập luyện khoảng 2 tuần. Đến với hội thi, tụi em được gặp gỡ, giao lưu văn nghệ với bạn bè từ các trường trong tỉnh và mong lần sau được tham gia thi diễn”.

Tiết mục “Múa chúc mừng”. Ảnh: THI RE

Tiết mục “Múa chúc mừng”. Ảnh: THI RE

Điều đáng ghi nhận, hội thi văn nghệ lần này với sự tham gia gần 300 diễn viên là học sinh và giáo viên của 10 đơn vị trường PTDTNT trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Hội thi đã mang lại nhiều ý nghĩa, tạo sân chơi văn hóa, văn nghệ lành mạnh cho học sinh các trường PTDTNT trong tỉnh, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào Khmer.

Em Sơn Lý Quý - người mang đến hội thi với tiết mục nhạc cụ dân tộc Chom-riêng Cha-pey đoong-weng chia sẻ: “Em rất tự hào về giá trị văn hóa nghệ thuật của dân tộc Khmer. Đến với hội thi, em muốn truyền đạt và mong muốn các bạn cố gắng học tập, cùng chung tay giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình. Bởi loại hình nghệ thuật nhạc cụ đờn Chom-riêng Cha-pey đoong-weng dần dần mai một. Do đó, em quyết tâm học đờn và hát theo các nghệ nhân đi trước để tạo sức sống mới”.

Hội thi văn nghệ các trường PTDTNT không chỉ phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức mà còn có ý nghĩa về mặt xã hội. Các diễn viên, thí sinh đều thể hiện tốt tài năng của mình, ai cũng tự tin đem giọng ca ngọt ngào, điệu múa đẹp… để mang lại chiến thắng cho đơn vị của mình. Như đơn vị Trường THCS và THPT DTNT Vĩnh Châu đã đầu tư dàn dựng nhiều tiết mục sôi nổi. Thầy Thạch Khem - giáo viên của trường này cho biết: “Để chuẩn bị cho hội thi, Ban Giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo thành lập đoàn, xác định chủ đề và cố gắng tập luyện thật tốt. Các em rất nô nức để tham gia hội thi”.

Hội thi đem lại hàng chục tiết mục đa dạng về thể loại, như: đơn ca, song ca, tam ca, tốp ca, tốp múa, độc tấu nhạc cụ truyền thống, với các chủ đề ca ngợi về Đảng, Bác Hồ, quê hương Sóc Trăng, thầy cô giáo, mái trường thân yêu và các lễ hội của đồng bào Khmer. Đồng chí Châu Tuấn Hồng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng: “Hội thi đã góp phần giữ gìn, phát huy và bảo tồn nét văn hóa của đồng bào Khmer qua các bài hát, điệu múa, nhạc cụ và các kỹ năng trình diễn văn nghệ của các em học sinh, giáo viên; khuyến khích xây dựng phát triển phong trào luyện tập văn nghệ trong các trường PTDTNT trong tỉnh để vừa sinh hoạt nội bộ, vừa giao lưu các trường, biểu diễn phục vụ cộng đồng vào những dịp lễ hội của đồng bào Khmer. Theo đó, hội thi đã khơi dậy và cổ vũ phong trào văn nghệ trong hệ thống các trường PTDTNT, nhằm tiếp tục phát huy và bồi dưỡng năng khiếu âm nhạc cho các em học sinh”.

Đánh giá về góc độ chuyên môn, Nghệ sĩ ưu tú, nhạc sĩ Sơn Lương - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh nhận xét: “Hội thi lần này có một sự quan tâm đặc biệt của các trường PTDTNT. Từ khâu xây dựng chương trình, dàn dựng chương trình, hòa âm, phối khí đến trang phục, đạo cụ được đầu tư rất nghiêm túc. Điều đáng bất ngờ đối với chúng tôi khi tìm hiểu, có một gia đình nông dân, họ vì yêu nghệ thuật, có đứa con đang theo học lớp 12 tại Trường THPT DTNT Huỳnh Cương, họ dám mạnh dạn đầu tư mua một cái đờn nhạc cụ dân tộc (Cha-pey đoong-weng) trị giá 9 triệu đồng. Ngoài ra, họ còn bỏ tiền túi của mình 1 triệu đồng để thuê người viết lời hát để cho con mình hát tham gia dự thi. Đó là một điều hết sức quý...”.

THI RE

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/khoi-day-va-phat-huy-gia-tri-van-hoa-nghe-thuat-dan-toc-khmer-48165.html