Khởi động chương trình thử nghiệm làm việc 4 ngày mỗi tuần lớn nhất thế giới

Hàng nghìn người lao động ở Anh bắt đầu làm việc 4 ngày mỗi tuần kể từ ngày thứ Hai tuần này, với thu nhập không hề bị cắt giảm...

Ảnh minh họa - Ảnh: Guardian.

Hàng nghìn người lao động ở Anh bắt đầu làm việc 4 ngày mỗi tuần kể từ ngày thứ Hai tuần này, với thu nhập không hề bị cắt giảm. Theo trang CNN Business, đây là cuộc thử nghiệm làm việc 4 ngày/tuần quy mô lớn nhất từ trước đến nay trên thế giới.

Cuộc thử nghiệm dự kiến kéo dài 6 tháng này có sự tham gia của 3.300 người lao động tại 70 công ty thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, từ dịch vụ tài chính đến nhà hàng đồ ăn nhanh. Trong chương trình, người lao động nhận được 100% lương cho dù chỉ làm việc 80% thời gian bình thường, nhưng đổi lại họ phải cam kết giữ nguyên 100% năng suất lao động.

Điều hành cuộc thử nghiệm này là tổ chức phi lợi nhuận có tên 4 Day Week Global, tổ chức nghiên cứu Autonomy, chiến dịch 4 Day Week UK Campaign, cùng với các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Cambridge, Đại học Oxford, và Đại học Boston.

Bà Sienna O’Rourke, nhà quản lý thương hiệu thuộc công ty sản xuất rượu Pressure Drop Brewing ở London - một đơn vị tham gia cuộc thử nghiệm, nói rằng mục tiêu lớn nhất của công ty là cải thiện sức khỏe tinh thần và thể chất cho nhân viên.

“Đại dịch đã khiến chúng tôi phải suy nghĩ nhiều về công việc và cách mọi người tổ chức cuộc sống của họ”, bà O’Rourke phát biểu. “Chúng tôi làm việc này để cải thiện cuộc sống cho nhân viên của mình, và trở thành một phần trong một thay đổi tích cực của thế giới.

Do Pressure Drop Brewing là một doanh nghiệp sản xuất và bán sản phẩm, người lao động của họ có ít sự linh hoạt hơn về thời gian và địa điểm làm việc – bà O’Rourke nhấn mạnh. Tuy mhiên, bất kỳ khó khăn nào trong vấn đề cân đối việc nhân viên xin nghỉ phép và nghỉ ốm đều được giải quyết ổn thỏa bằng sự hợp tác tập thể.

Trước cuộc thử nghiệm ở Anh, Iceland là quốc gia có cuộc thử nghiệm lớn nhất về rút ngắn thời gian làm việc mỗi tuần, kéo dài từ năm 2015-2019. Cuộc thử nghiệm của Iceland có sự tham gia của 2.5000 công chức trong hai giai đoạn, và cho thấy không có sự sụt giảm năng suất lao động nào ở những người tham gia, trong khi sức khỏe của họ có sự cải thiện mạnh mẽ.

Theo tờ báo Nhật Bản Nikkei, nhiều doanh nghiệp và chính phủ ở châu Á cũng đang thận trọng thử nghiệm ý tưởng tuần làm việc 4 ngày. Hồi tháng 4, tập đoàn Hitachi cho biết sẽ áp dụng tuần làm việc 4 ngày với khoảng 15.000 nhân viên của mình trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3/2023. Hãng phát triển game Game Freak - nổi tiếng với loạt game Pokemon - thông báo đã áp dụng cơ chế làm việc 4 ngày/tuần với một số nhân viên. Các tên tuổi lớn khác như Panasonic Holdings và NEC cũng đang cân nhắc cơ chế tương tự.

Những lời kêu gọi về rút ngắn thời gian làm việc mỗi tuần đã được đẩy mạnh trong mấy năm gần đây ở nhiều quốc gia. Khi hàng triệu người trên thế giới chuyển sang làm việc từ xa trong đại dịch, cắt giảm thời gian đi lại cũng nhiều chi phí, những lời kêu gọi về làm việc linh hoạt càng gia tăng.

Một số cuộc thử nghiệm tương tự với sự hậu thuẫn của chính phủ sẽ diễn ra ở Tây Ban Nha và Scotland trong năm nay, 4 Day Week Campaign cho biết trong một tuyên bố.

Ông Joe O’Connor, CEO của 4 Day Week Global, nói rằng người lao động đã chứng minh được họ có thể làm việc “trong thời gian ngắn hơn, một cách thông minh hơn”. “Khi thế giới dần thoát khỏi đại dịch, ngày càng có nhiều công ty nhận thấy rằng lĩnh vực cạnh tranh mới là chất lượng cuộc sống, rằng việc giảm giờ làm, tập trung vào năng suất lao động sẽ là cách để họ giành lợi thế cạnh tranh”, ông nói.

Các nhà nghiên cứu sẽ xác định ảnh hưởng của mô hình làm việc mới đối với mức năng suất, bình đẳng giới, và môi trường, cũng như sức khỏe của người lao động.

Bình Minh -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/khoi-dong-chuong-trinh-thu-nghiem-lam-viec-4-ngay-moi-tuan-lon-nhat-the-gioi.htm