Khởi nghĩa Bà Triệu: Dấu mốc chói lọi trên chặng đường đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam (Bài 2): Xứ Thanh - mảnh đất in đậm dấu ấn cuộc khởi nghĩa

Dù không giành thắng lợi hoàn toàn, song cuộc khởi nghĩa Bà Triệu đã để lại một tiếng vang lớn trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Trong đó, mảnh đất xứ Thanh đã có những đóng góp quan trọng cho cuộc khởi nghĩa.

Đông đảo người dân đến dâng hương tại Khu di tích lịch sử đền Bà Triệu.

Đông đảo người dân đến dâng hương tại Khu di tích lịch sử đền Bà Triệu.

Trước hết, phải kể đến vùng đất Quan Yên, xã Định Tiến (Yên Định), đây là nơi đã nuôi nấng Bà Triệu từ những ngày đầu còn thơ bé. Để khi lớn lên Bà trở thành vị Anh hùng của dân tộc Việt Nam. Theo sử sách ghi lại Bà Triệu vốn có tên thật là Triệu Thị Trinh, là em gái của Triệu Quốc Đạt - một hào trưởng ở vùng đất Quan Yên. Bà là một người có sức khỏe, có chí lớn và giàu mưu trí. Bởi vậy, khi chứng kiến giặc Ngô xâm lược và bóc lột người dân, tinh thần đấu tranh chống lại giặc Ngô đã hun đúc trong Bà. Bà đã quyết hy sinh hạnh phúc cá nhân cho sự nghiệp cứu nước và khảng khái nói: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng giữ, chém cá kình ngoài biển đông, đánh đuổi quân Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng quỳ gối làm tỳ thiếp cho người”. Đó chính là khí phách quật cường của dân tộc, quyết vùng lên đánh đuổi bọn xâm lược.

Sau đó, Bà cùng anh trai là Triệu Quốc Đạt, đã đứng lên tập hợp binh sĩ, lực lượng ở vùng đất Quan Yên (Yên Định). Tại đây, nghĩa quân của Bà Triệu đã nhận được sự đồng lòng và giúp đỡ nhiệt tình về nhân lực, lương thảo của Nhân dân. Thanh niên trai tráng trong vùng ai cũng tự nguyện tham gia nghĩa quân. Để che mắt kẻ thù, ban ngày Triệu Thị Trinh và trai tráng địa phương lao động, săn bắn, đêm đến bí mật vào rừng luyện tập võ nghệ, dàn binh bố trận. Còn phụ nữ và người già thì cung cấp, tích trữ lương thảo cho nghĩa quân.

Sau một thời gian chuẩn bị lực lượng, Bà Triệu và nghĩa quân đã vượt sông Chu đến vùng Núi Nưa (thuộc Kẻ Nưa - Cổ Định, huyện Nông Cống, nay là huyện Triệu Sơn) cách vùng Núi Quan Yên 30 km để lập căn cứ, chuẩn bị khởi nghĩa... Nơi đây, nghĩa quân vẫn luôn nhận được sự giúp đỡ của Nhân dân nên đã đánh bại một vài căn cứ nhỏ của quân Ngô, Nhân dân các vùng càng vui mừng, tích cực tham gia, ủng hộ khởi nghĩa, lực lượng quân số tăng nhanh và ngày càng hùng hậu.

Đường lên núi Tùng, khu lăng mộ Bà Triệu.

Đường lên núi Tùng, khu lăng mộ Bà Triệu.

Nǎm 248, từ núi rừng Ngàn Nưa, nghĩa quân tiến đánh thành Tư Phố rồi vượt sông Mã xuống vùng Bồ Điền, xã Triệu Lộc (Hậu Lộc), để xây dựng căn cứ địa. Tại đây, nghĩa quân không chỉ nhận được sự ủng hộ của Nhân dân, mà còn được sự giúp đỡ của ba anh em họ Lý. Theo sử sách ghi lại ba anh em họ Lý đều là những người thông minh, giỏi võ, đều muốn tham gia nghĩa quân. Sau khi anh em Triệu Thị Trinh ban bố hịch khởi nghĩa, chiêu tập binh sĩ và các tướng tài, ba anh em họ Lý liền nói với song thân: “Nay chúng con làm người là nhờ vào sự nghiệp tạo dựng công danh của các bậc thánh hiền tài đời xưa. Nếu chúng con không làm được như thế, thì thà ra chiến trường chiến đấu, khi chết lấy da ngựa bọc thây mà trở về”. Sau đó, ba anh em đem quân sĩ gia nhập nghĩa quân. Từ đó, ba anh em họ Lý đã trở thành ba vị tướng đắc lực, đồng hành cùng Bà Triệu trong các cuộc chiến đánh giặc.

Có thể thấy rằng, trong cuộc khởi nghĩa Bà Triệu, xứ Thanh đã có những đóng góp quan trọng về sức người, sức của. Để từ đó, mở ra một trang sử mới cho lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam mà thế hệ hôm nay vẫn luôn tự hào và trân trọng những thành quả ông cha đã gây dựng nên.

Nhóm PV CT-XH

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa/khoi-nghia-ba-trieu-dau-moc-choi-loi-tren-chang-duong-dau-tranh-dung-nuoc-va-giu-nuoc-cua-dan-toc-viet-nam-bai-2-xu-thanh-manh-dat-in-dam-dau-an-cuoc-khoi-nghia/26480.htm