Khôi phục thị lực cho khỉ bằng miếng dán từ tế bào gốc của người
Theo một nghiên cứu công bố trên tạp chí Stem Cell Reports, các nhà khoa học đã khôi phục thị lực cho khỉ, bằng cách sử dụng miếng dán làm từ tế bào gốc của con người để vá một lỗ trên võng mạc.
Đây là một bước tiến quan trọng trong lĩnh vực cấy ghép võng mạc, lớp tế bào cảm nhận ánh sáng ở phía sau mắt. Khi lớp này bị tổn thương hoặc mắc bệnh, khả năng thị lực sẽ suy giảm nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến mù lòa và việc điều trị thường gặp nhiều khó khăn.
Hiện nay, trong một số trường hợp, bác sĩ có thể điều trị bằng cách chuyển một phần võng mạc từ vùng ngoại vi vào trung tâm, nhưng phương pháp này có thể gây ra điểm mù ở các vùng xung quanh.
Nghiên cứu mới tập trung vào việc điều trị lỗ hoàng điểm, một tình trạng hiếm gặp khi xuất hiện lỗ nhỏ ở trung tâm võng mạc, nơi chịu trách nhiệm cho tầm nhìn sắc nét. Khoảng 90% các trường hợp này có thể được điều trị bằng phẫu thuật, nhưng 10% còn lại vẫn gặp phải tình trạng mờ mắt hoặc điểm mù sau phẫu thuật.
Tiến sĩ Michiko Mandai và nhóm nghiên cứu tại Bệnh viện mắt Kobe, Nhật Bản đã phát triển các tấm võng mạc từ tế bào gốc - loại tế bào có khả năng phát triển thành bất kỳ mô nào trong cơ thể. Năm 2019, bà Mandai đã thử nghiệm phương pháp này trên một con khỉ bị lỗ hoàng điểm. Họ cấy ghép tấm võng mạc từ tế bào gốc người vào mắt con khỉ, tương tự như việc vá một lỗ thủng trên quần áo. Sau phẫu thuật, thị lực của con khỉ đã được cải thiện đáng kể.
Tuy nhiên, bốn tháng sau phẫu thuật, miếng dán bị đào thải nhẹ bởi hệ miễn dịch. Nhóm nghiên cứu đã giải quyết vấn đề này bằng cách tiêm steroid để giảm phản ứng miễn dịch. Tiến sĩ Mandai cho rằng, việc đào thải có thể do sự khác biệt giữa loài khỉ và loài người, việc cấy ghép từ người sang người có thể ít rủi ro hơn.
Sáu tháng sau, các nhà khoa học kiểm tra mắt của con khỉ và phát hiện các tế bào thị giác mới đã phát triển, bao gồm tế bào hình que (tế bào giúp nhìn trong điều kiện ánh sáng yếu) và tế bào hình nón (tế bào phát hiện màu sắc). Tuy nhiên, họ chưa thể xác nhận chắc chắn liệu có sự kết nối giữa các tế bào cấy ghép và các tế bào võng mạc cũ của con khỉ hay không.
Hiện tại, nhóm của Tiến sĩ Mandai đang nghiên cứu thêm về phương pháp này để điều trị các bệnh khác. Trong một thử nghiệm lâm sàng năm 2023, họ đã sử dụng các tấm võng mạc để điều trị bệnh viêm võng mạc sắc tố, một tình trạng di truyền gây mất thị lực dần dần. Sau gần hai năm, miếng ghép đã tích hợp an toàn vào võng mạc của bệnh nhân và giúp làm chậm quá trình mất thị lực.
Nhóm nghiên cứu đang tiếp tục thử nghiệm trên động vật để xác định liệu mô cấy ghép có thể cải thiện trực tiếp chức năng thị giác hay không, với hy vọng tiến tới các phương pháp điều trị cho nhiều loại bệnh về mắt ở người.