Khởi sắc chứng khoán 2025

Với việc đặt mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán nước ta từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong năm 2025, Việt Nam dự kiến sẽ đón nhận hàng tỷ đô la đầu tư từ các thị trường nước ngoài qua kênh chứng khoán. Qua đó tạo đột phá từ thị trường này, đem lại luồng gió mới cho sự phát triển của kinh tế nước nhà.

Thời gian gần đây, Chính phủ, Bộ Tài chính đã và đang triển khai những chính sách mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường tài chính Việt Nam, cũng như đáp ứng các tiêu chí nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Trong tháng 11-2024, Thông tư số 68/2024/TT-BTC ngày 18-9-2024 của Bộ Tài chính có hiệu lực thi hành. Thông tư này đã bỏ yêu cầu phải có đủ tiền trước khi thực hiện giao dịch mua chứng khoán của nhà đầu tư quốc tế, quy định nhiều nội dung mới về giao dịch chứng khoán, thanh toán, bù trừ chứng khoán, hoạt động của các công ty chứng khoán và việc công bố thông tin. Đồng thời, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) cũng đã ban hành mới các quy chế liên quan thành viên lưu ký tại VSDC, hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán tại VSDC, hoạt động đăng ký và chuyển quyền sở hữu chứng khoán tại VSDC.

Bà Wanming Du, Trưởng bộ phận chính sách chỉ số FTSE Russell (công ty độc lập có nhiệm vụ tạo chỉ số cho thị trường tài chính toàn cầu, trụ sở tại Anh) khẳng định FTSE Russel sẽ tăng cường các cuộc trao đổi, làm việc với các bên liên quan tại Việt Nam để hỗ trợ hoạt động giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, cũng như chia sẻ thông tin, cách thức giao dịch của các khách hàng thuộc FTSE Russell tại các thị trường mới nổi.

Đại diện Morgan Stanley (công ty uy tín trong lĩnh vực cung cấp các công cụ phân tích thị trường tài chính, trụ sở tại Mỹ) cho rằng, trường hợp thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi có thể giúp thu hút 800 triệu đô la Mỹ từ các nhà đầu tư thụ động sử dụng bộ chỉ số FTSE và 2 tỷ đô la Mỹ từ các nhà đầu tư thụ động sử dụng bộ chỉ số khác. Đồng thời, khi thị trường chứng khoán nước ta được nâng hạng thì các quỹ chủ động sẽ tham gia tích cực hơn và dự kiến sẽ có khoảng 4-6 tỷ đô la Mỹ vào Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đánh giá, năm 2024 là một năm khó khăn chung của nền kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam, thị trường chứng khoán mặc dù chịu áp lực lớn từ tình hình kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán quốc tế nhưng vẫn hoạt động ổn định, có sự tăng trưởng và ghi nhận những kết quả nổi bật nhờ sự hỗ trợ tích cực từ nền tảng kinh tế vĩ mô trong nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, cùng sự đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân.

Các doanh nghiệp niêm yết, doanh nghiệp đại chúng đã huy động gần 10 nghìn tỷ đồng vốn qua thị trường chứng khoán, khẳng định thị trường chứng khoán dần trở thành một kênh huy động vốn trung hạn và dài hạn cho nền kinh tế.

Ngày 24-1-2025, thị trường chứng khoán Việt Nam khép lại phiên giao dịch cuối cùng của năm Giáp Thìn với sắc xanh. Chỉ số VN-Index kết phiên ở mức 1.265,05 điểm sau khi tăng 5,42 điểm (+0,43%) so với phiên trước đó. Bên cạnh đó, HNX-Index cũng ghi nhận mức tăng 0,34 điểm (+0,15%) và lên mức 223,01 điểm.

Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng sang năm mới Ất Tỵ, thị trường chứng khoán sẽ kéo dài những chuỗi sắc xanh tăng điểm do nhiều doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính có lãi. Bên cạnh đó, cổ phiếu của các ngân hàng, tập đoàn sản xuất, công nghệ thông tin... được nhiều nhà đầu tư quan tâm, lựa chọn do tính sinh lời cao.

 Cổ phiếu ngân hàng được nhiều nhà đầu tư chứng khoán quan tâm, lựa chọn. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB). Ảnh: THU THẢO

Cổ phiếu ngân hàng được nhiều nhà đầu tư chứng khoán quan tâm, lựa chọn. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB). Ảnh: THU THẢO

Bước sang năm 2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng yêu cầu ngành chứng khoán nỗ lực không ngừng cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo ra một môi trường đầu tư minh bạch, an toàn và hấp dẫn, để thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành điểm đến tin cậy cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhằm thu hút nguồn vốn trung hạn và dài hạn cho ngân sách nhà nước, cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế. Để hoàn thành các mục tiêu đó, lãnh đạo Bộ Tài chính đã giao nhiệm vụ cho ngành chứng khoán, tập trung vào các nhiệm vụ trọng yếu gồm:

Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng các nghị định và văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung; triển khai Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, trong đó năm 2025 thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.

Bảo đảm tổ chức vận hành thị trường chứng khoán liên tục, an toàn, thông suốt, sớm đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào hoạt động để đảm bảo sự đồng bộ về giao dịch và thanh toán sau giao dịch tại các Sở Giao dịch Chứng khoán và Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam; cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch, các định chế tài chính trung gian và các nhà đầu tư.

Sắp xếp và mở rộng thị trường, phân loại công ty niêm yết; đa dạng hóa, phát triển các sản phẩm mới, chỉ số khác, thị trường mới, dịch vụ mới trên thị trường, nghiên cứu xây dựng thị trường giao dịch tín chỉ carbon thứ cấp và thị trường cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo…

Bài, ảnh: ANH VIỆT

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/khoi-sac-chung-khoan-2025-814093