Khởi sắc làng nghề trống da trâu ở Tống Xá

Thôn Tống Xá, thị trấn Lâm (Ý Yên) không chỉ nổi tiếng cả nước với nghề đúc đồng truyền thống mà còn có nghề làm trống da trâu của dòng họ Nguyễn Văn có lịch sử gần 300 năm. Không phát triển mạnh như nghề đúc đồng nhưng nghề làm trống da trâu vẫn tìm được lối đi vượt qua khó khăn, nắm bắt cơ hội phát triển nghề, giữ gìn nét đẹp văn hóa. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Thôn Tống Xá, thị trấn Lâm (Ý Yên) không chỉ nổi tiếng cả nước với nghề đúc đồng truyền thống mà còn có nghề làm trống da trâu của dòng họ Nguyễn Văn có lịch sử gần 300 năm. Không phát triển mạnh như nghề đúc đồng nhưng nghề làm trống da trâu vẫn tìm được lối đi vượt qua khó khăn, nắm bắt cơ hội phát triển nghề, giữ gìn nét đẹp văn hóa.

Sản xuất trống da trâu tại gia đình ông Nguyễn Đức Kít, xóm 13, thị trấn Lâm (Ý Yên).

Bất kể lúc nào đến đây, đi trên đường dẫn vào tổ dân phố 13 của thị trấn Lâm (thôn Tống Xá xưa), tiếng lách cách đục đẽo, bào gọt gỗ; tiếng cạo da trâu điểm xuyết nhịp gõ kéo căng bề mặt trống nghe thật vui tai. Đã gắn bó với nghề làm trống hơn 30 năm, đôi tay ông Nguyễn Đức Kít, tổ dân phố 15, thị trấn Lâm thoăn thoắt đóng từng chiếc đinh niềng trống. Ông cho biết: Nghề làm trống da trâu nơi đây đã trải qua lịch sử phát triển gần 300 năm. Trước đây, trống của dòng họ Nguyễn Văn làng Tống Xá được khách hàng gần xa tin tưởng đặt hàng với đủ loại như: Trống chèo, trống trường, trống Trung thu, trống con, trống cái, trống chùa, trống cơm…; từ loại có đường kính từ 10cm, 20cm, 30cm đến loại lớn nhất là 1,3m-1,5m. Chất lượng sản phẩm không thua kém gì trống Đọi Sơn (Hà Nam). Do đó, vào lúc hưng thịnh, nghề bưng trống trở thành nghề chính nuôi sống người dân nơi đây. Ngoài việc sản xuất tại chỗ, các thợ giỏi tỏa đi khắp nơi, có người còn mang nghề sang cả nước bạn Lào, Campuchia. Nhiều gia đình mỗi năm xuất đi hơn 1.000 quả trống các loại. Uy tín là vậy nhưng cũng không tránh khỏi có thời điểm thăng trầm, nghề làm trống làng Tống Xá vẫn là nghề làm thủ công hoàn toàn, ít có máy móc thiết bị hỗ trợ nên giá trị thu nhập thấp dần so với các sản phẩm làng nghề khác trên địa bàn. Người già thì ngại thay đổi bởi không quen với máy móc nhưng người trẻ không phải ai cũng đủ kiên trì để học và theo đuổi nghề. Nghề làm trống đòi hỏi sự kỳ công, khéo léo và am tường nghề của người thợ. Để hoàn thành một cái trống theo đúng yêu cầu, người làm nghề trống cần trải qua các giai đoạn làm da, làm tang và bưng trống (là căng mặt trống). Giai đoạn nào cũng quan trọng, cần có sự kiên trì tuyệt đối. Bất cứ người làm nghề nào lơ là một trong ba công đoạn này chất lượng tiếng trống sẽ không như ý. Ngoài ra do phải cạnh tranh với sản phẩm nhập ngoại, các loại trống phẩm chế tác bằng chất liệu công nghiệp như nhựa, mêka hay inox… khiến làng nghề mai một. Trước đây, 100% con cháu dòng họ Nguyễn Văn làm nghề nhưng dần dà nghề đem lại thu nhập không cao nên thanh niên trai tráng bỏ nghề trống theo nghề đúc đồng. Dòng họ hiện tại chỉ còn lại khoảng chục hộ theo nghề. Một vài hộ dân trong làng nghề “đi tắt”, mua khung trống làm sẵn ở nơi khác về bịt đầu, trang trí hưởng lợi nhuận từ thương hiệu làng nghề nhưng chất lượng thì giảm đi rõ rệt.

Trăn trở giữ nghề truyền thống ông cha, lớp thợ cao niên trong làng vẫn kiên trì với cách làm xưa, vừa tự tay lựa chọn nguyên liệu, tự xẻ gỗ làm khung trống; bào nạo, xử lý da trâu để khử mùi hôi mặt da phẳng đều và đàn hồi tốt để trống cho âm thanh chuẩn, độ bền cao... Vừa nỗ lực giữ nghề, thợ già vừa khuyến khích động viên con cháu tìm hướng phát triển làng nghề. Thật may, những năm gần đây, đời sống kinh tế, văn hóa của người dân được cải thiện, các lễ hội văn hóa dân gian, hoạt động tín ngưỡng, mỹ tục được khôi phục... nên nhu cầu sử dụng loại trống truyền thống cũng tăng lên. Nhanh chóng nắm bắt cơ hội phát triển nghề truyền thống người làm trống làng Tống Xá tranh thủ ưu thế các làng nghề lân cận ngay trong huyện để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm. Nguyên liệu da trâu tươi căng mịn, rộng khổ, già đanh thu mua từ những lò mổ ở xã Yên Dương (Ý Yên) hay thị trấn Gôi, Kim Thái, Tam Thanh (Vụ Bản). Các kỹ thuật chọn gỗ; bào gọt, đóng đinh gỗ, buộc xiết dây mây khéo léo của người thợ gỗ, thợ đan mây làng nghề Yên Ninh, Yên Tiến… cũng được người làm trống da trâu làng Tống Xá học tập. Không chỉ quan tâm chăm lo chất lượng sản phẩm, làng nghề còn chú ý đổi mới cách tổ chức dịch vụ, tiếp thị sản phẩm có ứng dụng công nghệ thông tin qua các website, hiệp hội du lịch làng nghề…

Những cách làm đồng bộ đó đã giúp sản phẩm trống da trâu làng Tống Xá dần lấy lại uy tín trên thị trường, sánh vai cùng các sản phẩm có tuổi đời hàng nghìn năm như Trống Đọi Tam (Hà Nam), Lâm Yên (Quảng Nam), Đại Đồng (Nghệ An)… nhưng lại được thị trường ưa chuộng bởi giá bán trống Tống Xá rẻ hơn, đẹp hơn và cung ứng nhanh.

Đến nay, sản phẩm trống da trâu Tống Xá đã được sản xuất thường xuyên, mang lại việc làm, thu nhập ổn định cho 20 hộ dân với cả trăm lao động. Trong đó gia đình các ông Nguyễn Văn Thiện, Nguyễn Văn Ba, Nguyễn Đức Môn… chuyên tâm đầu tư quy mô lớn cho nghề làm trống da trâu truyền thống. Trung bình mỗi năm xuất bán trên 300 chiếc trống lớn, nhỏ. Ngoài hiệu quả kinh tế, nỗ lực của người dân trong việc vực dậy làng nghề làm trống truyền thống đã góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa làng xưa cũng như sự tương trợ phát triển làng nghề của huyện Ý Yên./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/202205/khoi-sac-lang-nghe-trong-da-trau-o-tong-xa-2550606/