Khởi sắc thu hút các dự án DDI

Với những giải pháp quyết liệt và cụ thể, những tháng đầu năm, thu hút đầu tư của tỉnh ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, đặc biệt là thu hút các dự án trong nước (DDI). Đây là động lực quan trọng để tỉnh tiến gần hơn đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 2 con số trong năm 2025 và các năm tiếp theo.

Toàn tỉnh hiện có hơn 17 nghìn doanh nghiệp đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh; trong đó chủ yếu là doanh nghiệp trong nước đang đầu tư và sản xuất, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực.

Với sản lượng thép sản xuất và tiêu thụ hằng năm lớn, Công ty cổ phần Tập đoàn sản xuất thép Việt Đức (Bình Xuyên) là một trong những doanh nghiệp DDI tiêu biểu trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Nguyễn Lượng

Với sản lượng thép sản xuất và tiêu thụ hằng năm lớn, Công ty cổ phần Tập đoàn sản xuất thép Việt Đức (Bình Xuyên) là một trong những doanh nghiệp DDI tiêu biểu trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Nguyễn Lượng

Với những nỗ lực trong việc đầu tư, đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực quản trị kinh doanh, mở rộng đối tác và thị trường tiêu thụ sản phẩm, khu vực doanh nghiệp DDI đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển và tăng trưởng của tỉnh trong thời gian qua.

Có thể kể đến một số doanh nghiệp như Công ty cổ phần Tập đoàn sản xuất Thép Việt Đức (Bình Xuyên), Công ty cổ phần công nghiệp Á Mỹ (Lập Thạch), Công ty cổ phần Tập đoàn Vitto (Tam Dương),...

Xác định năm 2025 là năm bứt phá phát triển kinh tế với quyết tâm phấn đấu tăng trưởng ở mức 2 con số, đóng góp cho tăng trưởng chung của cả nước và tạo nền tảng đưa tỉnh bước vào giai đoạn tăng trưởng mới, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 26 ngày 23/1/2025 triển khai thực hiện Nghị quyết số 02 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025 và chỉ đạo các cấp, ngành cụ thể hóa, triển khai ngay các nhiệm vụ được giao.

Thường xuyên nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, doanh nghiệp để kịp thời hỗ trợ, giải quyết; triển khai các kế hoạch, đề án về thu hút nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư tại tỉnh. Tăng cường tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu môi trường, chính sách, tiềm năng và cơ hội đầu tư của tỉnh thông qua các phương tiện thông tin truyền thông của Trung ương và của tỉnh...

Tạo điều kiện cho chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, đưa các dự án vào hoạt động theo đúng kế hoạch; nâng cao chất lượng hạ tầng, phục vụ thu hút đầu tư, phát triển các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp...

Với vai trò của mình, để tạo dựng niềm tin đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, từ đầu năm đến nay, Ban Quản lý các KCN tỉnh tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện nhiều lượt hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến lĩnh vực đầu tư, thông qua nhiều hình thức như mời doanh nghiệp làm việc trực tiếp; gửi văn bản đến các đơn vị có liên quan đề nghị phối hợp, tháo gỡ khó khăn; trả lời, giải đáp bằng văn bản, hướng dẫn qua điện thoại, zalo…

Cụ thể, ban đã báo cáo UBND tỉnh về phương án giải quyết khó khăn, vướng mắc Dự án xây dựng Nhà máy Giầy Hoa Sơn tại KCN Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa (khu vực II, giai đoạn 1); phối hợp với nhà đầu tư, UBND huyện Sông Lô và các sở, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện khởi công xây dựng các KCN gồm Sông Lô I, Phúc Yên và Nam Bình Xuyên.

Công ty cổ phần công nghiệp Á Mỹ (Lập Thạch) không ngừng mở rộng sản xuất, phát triển thêm nhiều sản phẩm gạch ốp lát mới, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Ảnh: Nguyễn Lượng

Công ty cổ phần công nghiệp Á Mỹ (Lập Thạch) không ngừng mở rộng sản xuất, phát triển thêm nhiều sản phẩm gạch ốp lát mới, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Ảnh: Nguyễn Lượng

Phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các cơ quan liên quan đôn đốc nhà đầu tư hạ tầng thực hiện công tác bồi thường - giải phóng mặt bằng, triển khai phần hạ tầng KCN còn lại, tạo quỹ đất công nghiệp thu hút các nhà đầu tư thứ cấp; đồng thời giải quyết các vấn đề vướng mắc còn tồn tại đối với từng KCN gồm Khai Quang, Bình Xuyên, Bá Thiện, Bá Thiện 2, Sơn Lôi, Tam Dương II - khu A...

Nhờ đó, kết quả thu hút đầu tư vào các KCN có nhiều khởi sắc. 3 tháng đầu năm, các KCN trên địa bàn thu hút được 3 dự án DDI mới và 3 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm hơn 358 tỷ đồng.

Dự kiến trong quý I/2025, tỉnh thu hút được hơn 445 tỷ đồng vốn DDI, trong đó, cấp mới 3 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 313,5 tỷ đồng và điều chỉnh tăng vốn cho 5 dự án với số vốn tăng hơn 132 tỷ đồng. Lũy kế đến hết tháng 3/2025, trên địa bàn tỉnh có 1.308 dự án đầu tư, trong đó, có 834 dự án DDI với tổng vốn đầu tư hơn 144 nghìn tỷ đồng.

Thời gian tới, khi các dự án này hoàn thành các thủ tục đầu tư xây dựng, thi công nhà xưởng, lắp đặt máy móc, đi vào hoạt động sẽ góp phần làm tăng giá trị sản xuất cho nhiều ngành kinh tế của tỉnh, đặc biệt là các ngành công nghiệp, góp phần tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển của tỉnh.

Mặc dù tỉnh đã nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh, cải thiện thủ tục hành chính, tháo gỡ nhiều "điểm nghẽn" thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, tuy nhiên, do tiềm lực tài chính có hạn, trình độ quản lý, ứng dụng công nghệ còn nhiều hạn chế... nên việc triển khai hoạt động sản xuất của các dự án DDI còn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao.

Đồng hành cùng các doanh nghiệp, tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài chính, Ban Quản lý các KCN tỉnh, Sở Công thương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh tiếp tục hướng dẫn, giám sát, đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án và báo cáo UBND tỉnh về các vướng mắc mà nhà đầu tư gặp phải để tháo gỡ khó khăn.

Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất, tiếp cận và liên kết trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh nền kinh tế đã và đang chịu những ảnh hưởng không nhỏ từ biến động kinh tế thế giới.

Lưu Nhung

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/125816//khoi-sac-thu-hut-cac-du-an-ddi