Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Mỹ Đức
Nhờ triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc và các dự án đầu tư thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, vùng đồng bào DTTS huyện Mỹ Đức có nhiều khởi sắc.
Đời sống vật chất, tinh thần nâng cao
Ngày 21/3, Đoàn Công tác của TP do Trưởng Ban Dân tộc TP Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với huyện Mỹ Đức về việc thực hiện các chính sách dân tộc và việc triển khai các dự án thuộc nguồn vốn sự nghiệp theo Kế hoạch số 253/KH-UBND của UBND TP về thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi của Thủ đô giai đoạn 2021 – 2030.
Theo báo cáo của huyện Mỹ Đức, huyện có 19 thành phần DTTS sinh sống, trong đó người dân tộc Mường chiếm đa số. Đồng bào cư trú ở hầu hết các xã, thị trấn nhưng chủ yếu tập trung ở xã An Phú. Thực hiện tốt các chính sách dân tộc và các dự án đầu tư thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô giai đoạn 2021 – 2030, huyện Mỹ Đức đã nhận được sự quan tâm lớn từ TP.
Tổng số dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư theo danh mục Kế hoạch số 253/KH-UBND là 16 dự án, tổng mức đầu tư 285,226 tỷ đồng. Đến nay, đã có 8 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng. Đối với các dự án thuộc nguồn vốn sự nghiệp theo KH 253/KH-UBND là 13 dự án, với tổng nguồn vốn đề xuất là 22,112 tỷ đồng.
Chia sẻ về những đổi thay ở địa phương, Chủ tịch UBND xã An Phú Bùi Văn Chuyện cho biết: Toàn xã An Phú có 9.902 người/2.450 hộ, trong đó có 6.832 hộ là DTTS, người dân tộc Mường chiếm 69%. Trong những năm qua, mặc dù xuất phát điểm là xã vùng dân tộc miền núi (khu vực II) với 6 thôn đặc biệt khó khăn, nhưng nhờ việc triển khai thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc phù hợp với điều kiện địa phương nên đã đạt được những kết quả hết sức to lớn trong tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Hệ thống giao thông nông thôn được nâng cấp và mở rộng, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Kết cấu hạ tầng vùng dân tộc và miền núi đã được cải thiện rõ rệt, góp phần đắc lực phục vụ chơ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống của đồng bào vùng dân tộc và miền núi. Qua đó, tạo tiền đề cơ bản để xã phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo vùng DTTS.
Kinh tế vùng dân tộc và miền núi có bước phát triển đáng kể, công tác xóa đói giảm nghèo đạt được kết quả to lớn. Hàng năm, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng dân tộc và miền núi giảm từ 4-5%. Thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng. Đời sống của đồng bào các DTTS được cải thiện; công tác chăm lo cho các đối tượng chính sách, đồng bào các DTTS được triển khai thực hiện có hiệu quả.
Là người trực tiếp thụ hưởng các chính sách, ông Nguyễn Văn Vương – người dân tộc Mường ở thôn Đồi Dùng, xã An Phú có doanh thu hơn 300 từ mô hình vườn – ao – chuồng. Chỉ về phía trang trại rộng hơn 8 mẫu của gia đình, Nguyễn Văn Vương phấn khởi cho biết, trước đây cả khu vực này là đầm trũng kết hợp đồi gò, đường xá nhỏ hẹp nên rất khó canh tác. Tuy nhiên, sau khi địa phương được đầu tư hệ thống điện, đường, kênh mương, nên người dân thuận tiện canh tác, phát triển kinh tế.
Đánh giá cao các chính sách hỗ trợ vùng dân tộc và miền núi trên địa bàn huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh cho biết: Nhờ triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc và các dự án đầu tư thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô giai đoạn 2021 – 2030 đã đạt được những kết quả nhất định trong việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo vùng DTTS trên địa bàn huyện. Đặc biêt, đáng ghi nhận là tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, từ 38,4% năm 2016 giảm xuống còn 2,6% năm 2022 và phấn đấu năm 2025 không còn hộ nghèo. Kinh tế vùng dân tộc và miền núi có bước phát triển đáng kể, chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 là 26,7 triệu, năm 2022 là 55,6 triệu, tăng 28,9 triệu so với năm 2019. Tình hình chính trị, trật tự xã hội ở vùng dân tộc và miền núi cơ bản ổn định, quốc phòng, an ninh được củng cố, giữ vững.
Đẩy nhanh triển khai các dự án
Tuy nhiên, theo ông Đặng Văn Cảnh, do tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nên nhiều công trình thi công xây dựng tạm ngừng thi công. Chính vì vậy, tiến độ thực hiện dự án còn chậm, tỷ lệ giải ngân vốn chưa cao. Các dự án thuộc nguồn vốn sự nghiệp chưa triển khai thực hiện do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể của các cơ quan chuyên môn của TP.
Trên cơ sở đó, huyện Mỹ Đức kiến nghị UBND TP chỉ đạo các cơ quan chuyên môn có hướng dẫn cụ thể về việc triển khai các dự án thuộc nguồn vốn sự nghiệp theo lĩnh vực ngành và phân bổ vốn để thực hiện.
Cùng với đó, đề nghị điều chỉnh giảm danh mục dự án nằm trong kế hoạch 253/KH-UBND lĩnh vực giáo dục Trường Mầm non An Phú B, tổng mức đầu tư dự kiến 30 tỷ đồng do trường đã được xây dựng hết khuôn viên không cần thiết đầu tư và dự án cải tạo, nâng cấp trường THCS An Phú tổng mức đầu tư 25 tỷ đồng đã được bố trí vốn từ nguồn Nông thôn mới.
Để đảm bảo các tiêu chí Nông thôn mới xã An Phú, đề nghị bổ sung điều chỉnh tăng danh mục dự án Trường Mầm non A khu trung tâm An Phú với tổng mức đầu tư 78,46 tỷ. Để đủ điều kiện xây dựng đảm bảo tiêu chí trường chuẩn theo thông tư 13, 14/TT-BGDĐT đề nghị điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư dự án lĩnh vực giáo dục trường Mầm non An Phú điểm Thanh Hà từ 30 tỷ đồng lên 45 tỷ đồng và Trường Tiểu học An Phú khu Thanh Hà từ 20 tỷ đồng lên 46,5 tỷ đồng.
Sau khi trực tiếp khảo sát một số công trình xây dựng như chợ, trường học, nhà văn hóa, hệ thống kênh mương, mô hình sản xuất… và nghe báo cáo của huyện Mỹ Đức, Trưởng Ban Dân tộc TP Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân đánh giá cao công tác thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn huyện. Huyện Mỹ Đức đã đặc biệt quan tâm tới chính sách dân tộc, thực hiện chính sách đảm bảo, đúng đối tượng, kịp thời. Bên cạnh nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS, bước đầu, huyện đã quan tâm tới việc bảo tồn phát huy giá trị văn hóa của đồng bào DTTS.
Ngoài ra, các công trình đầu tư trên địa bàn huyện được tổ chức chỉ đạo quyết liệt, thi công với chất lượng tốt, quan trọng nhất là đảm bảo tiến độ, đáp ứng quy định. Đến nay có 8 công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Các công trình được đầu tư trên địa bàn huyện đã mang lại hiệu quả lớn về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng. Làm cho đời sống vật chất, tinh thần của người DTTS ngày càng được nâng cao. Qua đó, khẳng định tính đúng đắn của chủ trương của Đảng, Nhà nước và TP dành cho đồng bào dân tộc và miền núi.
Trước những kiến nghị của huyện Mỹ Đức, Trưởng Ban Dân tộc TP Hà Nội cho biết, với vai trò là đơn vị thường trực, tham mưu cho UBND TP, Ban Dân tộc sẽ tổng hợp, ghi nhận để báo cáo với TP. Trong thời gian tới, huyện cần tiếp tục thực hiện tốt công tác dân tộc, thực hiện chính sách cho người có uy tín, cố gắng không để xảy ra sai phạm. Cùng với đó, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/khoi-sac-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-huyen-my-duc.html