Khối thi đua các cơ quan Đảng tỉnh hướng về người dân vùng khó
Hàng năm, Khối thi đua các cơ quan Đảng tỉnh Gia Lai đều tổ chức các hoạt động ý nghĩa nhằm chia sẻ khó khăn với người dân vùng khó. Ngày 23-4, Khối đã tổ chức chương trình thăm và trao tặng nhiều phần quà ý nghĩa cho người dân xã Đak Pling, huyện Kông Chro.
Trao tặng những phần quà ý nghĩa
Được thông báo từ trước nên 40 hộ dân ở 3 làng: Tbưng, Mèo, Brang đã có mặt tại nhà rông văn hóa xã từ sáng sớm. Khoác trên mình bộ trang phục truyền thống của dân tộc Bahnar, bà Đinh Thị La (làng Tbưng) xúc động: “Các cấp, các ngành quan tâm đến dân làng xa xôi, mình vui lắm. Con cái ở riêng hết, mình lớn tuổi nên cũng không làm lụng gì nhiều. Số tiền 500 ngàn đồng được tặng mình sẽ dùng mua gạo ăn dần; quà thì chia cho con và giữ lại một ít dùng dần”.
Ngồi cạnh bên, chị Đinh Thị Nhơnh (làng Mèo) chia sẻ về cuộc sống gia đình: “Vợ chồng mình làm thuê nhưng việc ít lắm. 4 miệng ăn đều trông hết vào 3 sào đất trồng lúa, mì và keo. Đất đồi dốc, cằn cỗi nên cây phát triển chậm”. Cuộc sống khó khăn nên khi đón nhận túi quà gồm các nhu yếu phẩm cùng 500 ngàn đồng tiền mặt, chị Nhơnh vô cùng phấn khởi.
40 phần quà được đại diện lãnh đạo các cơ quan trong Khối thi đua các cơ quan Đảng tỉnh trao tận tay các hộ nghèo, gia đình chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội của xã. Mỗi phần quà trị giá 700 ngàn đồng, trong đó, 500 ngàn đồng tiền mặt và 200 ngàn đồng tiền quà. Với mong muốn chia sẻ khó khăn cùng người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa, hàng năm, các cơ quan Đảng tỉnh vận động cán bộ, công chức, viên chức đóng góp kinh phí để hỗ trợ. Trong năm 2022, các cơ quan Đảng tỉnh có kế hoạch thăm, tặng quà cho cấp ủy, chính quyền địa phương và 80 hộ dân 2 xã: Đak Pling (huyện Kông Chro) và Hà Tây (huyện Chư Păh). Đây cũng là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2022), 90 năm Ngày thành lập tỉnh (24/5/1932-24/5/2022).
Nỗ lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo
Tại chương trình, đại diện lãnh đạo các đơn vị trong Khối thi đua đã trao đổi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân trên địa bàn xã cũng như tình hình kinh tế-xã hội của địa phương. Xã Đak Pling có 3 làng với 512 hộ/2.123 khẩu, tỷ lệ người Bahnar chiếm 98%. Vụ mùa năm 2022, toàn xã gieo trồng 19,3 ha/45 ha lúa nước; 86,9 ha/443 ha mì cao sản; 7 ha/51 ha đậu, bắp và ớt. Bí thư Đảng ủy xã Đinh Y Vét cho hay: “Do địa hình đồi dốc, đất đai cằn cỗi, phương thức canh tác lạc hậu nên năng suất các loại cây trồng đạt thấp. Toàn xã có 359 hộ nghèo (chiếm 68,91%), 60 hộ cận nghèo (chiếm 11,93%)”. Cũng theo ông Đinh Y Vét, cả 2 công trình thủy lợi (làng Mèo và làng Brang) đều đã hư hỏng không đủ cấp nước tưới cho cây trồng, cần phải sửa chữa gấp. Thời gian gần đây, xuất hiện tình trạng chuột phá hoại hoa màu và qua khảo sát có 7,3 ha lúa, 7 ha cây mì bị ảnh hưởng. “Chúng tôi đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn phối hợp tuyên truyền và triển khai các biện pháp diệt chuột, bảo vệ hoa màu cho người dân”-Bí thư Đảng ủy xã thông tin.
Bí thư Đảng ủy xã Đak Pling cũng kiến nghị: “Tuyến đường từ xã đến huyện bị hư hỏng, xuống cấp, mong các ban, ngành của huyện, tỉnh quan tâm hỗ trợ sửa chữa để bà con đi lại, vận chuyển nông sản được thuận lợi. Diện tích đất rừng xã quản lý cũng ít nên cấp thẩm quyền quan tâm thực hiện chính sách giao đất, giao rừng để người dân cải thiện thu nhập gắn với quản lý, bảo vệ rừng tốt hơn”.
Phát biểu tại chương trình, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Võ Thanh Hùng đề nghị người dân các làng mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tích cực lao động sản xuất, đoàn kết, giúp đỡ nhau vươn lên trong cuộc sống; cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục làm tốt công tác trồng rừng, bảo vệ rừng và xây dựng nông thôn mới. “Ngoài trồng trọt còn phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm để cải thiện thu nhập. Bà con cũng cần quan tâm hơn đến chuyện học hành của con em, xóa bỏ hủ tục, tệ nạn tảo hôn, không để con cái kết hôn khi chưa đủ tuổi”-Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy lưu ý.
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy cũng đề nghị các cấp, các ngành quan tâm giải quyết vấn đề đất ở, đất sản xuất, huy động nguồn lực để xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ khó khăn. Rà soát và có kế hoạch, giải pháp cụ thể nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống người dân cũng như tích cực xây dựng xã nông thôn mới.