Khơi thông điểm nghẽn, bảo đảm quản lý, khai thác các nguồn tài nguyên hiệu quả, bền vững
Năm 2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ được giao, đặc biệt là khơi thông các điểm nghẽn về chính sách, bảo đảm quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên…
Sáng 21/12, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Tài nguyên và Môi trường. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tham dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, trong năm 2024, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ được giao, đặc biệt là khơi thông các điểm nghẽn về chính sách, bảo đảm quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên, gắn kết chặt chẽ với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương. Trong đó, nổi bật là:
Thứ nhất, thể chế, chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng, đáp ứng yêu cầu quản lý và thực tiễn phát triển của đất nước. Việc tổ chức thực thi chính sách, pháp luật được toàn Ngành triển khai thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.
Thứ hai, hệ thống các quy hoạch ngành quốc gia được xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để phân bổ, bố trí, sử dụng hợp lý không gian và nguồn lực cho phát triển các ngành, lĩnh vực, các vùng kinh tế - xã hội, các địa phương và cả nước.
Thứ ba, công tác quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên, đáp ứng nhu cầu phát triển, làm nền tảng thúc đẩy các động lực tăng trưởng của nền kinh tế được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thứ tư, công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, có chuyển biến tích cực; các chỉ tiêu về môi trường đã trở thành tiêu chí quan trọng đánh giá hiệu quả, tính bền vững kinh tế - xã hội của quốc gia và từng địa phương. Các giải pháp về chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế toàn hoàn, kinh tế carbon thấp đã đạt được kết quả bước đầu.
Thứ năm, công tác dự báo khí tượng, thủy văn, dự báo, cảnh báo thiên tai luôn chủ động “đi sớm, đi trước”, chất lượng được nâng lên, ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và triển khai các biện pháp phòng, chống, qua đó góp phần giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Thứ sáu, công tác chuyển đổi số đạt nhiều kết quả tích cực; công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế, thông tin, truyền thông ngày càng đổi mới, thiết thực, hiệu quả, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý nhà nước.
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, Tư lệnh ngành Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, công tác quản lý nhà nước ngành Tài nguyên và Môi trường cũng còn những mặt tồn tại, hạn chế, như: một số thể chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp với thực tiễn phát triển nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung; chất lượng triển khai chính sách, pháp luật không đồng đều giữa các địa phương.
Nguồn lực tài nguyên ở nhiều nơi chưa được sử dụng hiệu quả, nhất là tài nguyên đất đai, gây nên tình trạng lãng phí; việc vi phạm pháp luật trong hoạt động khoáng sản còn xảy ra ở nhiều nơi.
Tình trạng ô nhiễm môi trường các lưu vực sông, cụm công nghiệp, làng nghề, ô nhiễm không khí tại các đô thị chưa được quan tâm khắc phục.
Công tác phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính chưa triệt để; công tác chuyển đổi số trong Ngành chưa đáp ứng với yêu cầu quản trị hiện đại.
Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực, địa bàn còn hạn chế.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, năm 2025, ngành Tài nguyên và Môi trường đặt mục tiêu sắp xếp, kiện toàn tinh gọn, hoạt động hiệu quả; chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường được đẩy mạnh, phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước của Bộ và các địa phương.
Các nguồn lực tài nguyên được quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững. Chất lượng môi trường được cải thiện, kiểm soát tốt các nguồn gây ô nhiễm. Dự báo, cảnh báo chính xác, kịp thời tình hình khí tượng và các hiện tượng thời tiết cực đoan để chủ động phòng, chống, ứng phó.
Để đạt được mục tiêu trên, ngành xác định 5 giải pháp đột phá quan trọng. Đó là tập trung thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ. Tiếp tục cải cách, hoàn thiện thể chế, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật để phát huy nguồn lực về tài nguyên và môi trường. Hoàn thiện và vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia. Cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường ở các lưu vực sông và ô nhiễm không khí tại các đô thị. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; thực hiện chuyển đổi xanh nhằm hướng tới kinh tế tuần hoàn và kinh tế carbon thấp để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.