Khơi thông dòng chảy điện mặt trời áp mái vào khu công nghiệp
Mặc dù sở hữu tiềm năng kỹ thuật ấn tượng lên đến hàng chục GW, việc triển khai điện mặt trời áp mái tại các khu công nghiệp Việt Nam vẫn đang vấp phải những 'rào cản' không nhỏ.

Tiềm năng khai thác điện mặt trời áp mái tại các khu công nghiệp Việt Nam rất lớn
Khu công nghiệp "xanh hóa" nhờ điện mặt trời áp mái
Việt Nam đang sở hữu mạng lưới khu công nghiệp và cụm công nghiệp rộng lớn với khoảng 419 khu công nghiệp đã thành lập (381 đang hoạt động) và 900 cụm công nghiệp được quy hoạch (700 đã đi vào hoạt động), thu hút hơn 40.000 doanh nghiệp. Lợi thế về diện tích mái nhà xưởng rộng lớn cùng nhu cầu tiêu thụ điện năng tập trung mở ra tiềm năng khai thác điện mặt trời áp mái đầy hứa hẹn tại các khu vực này.
Theo ước tính, tiềm năng kỹ thuật của điện mặt trời áp mái tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp có thể đạt tới 12-20 GWpeak, tương đương công suất của hơn 10 nhà máy nhiệt điện than lớn. Đây được xem là nguồn năng lượng xanh tại chỗ khổng lồ, có khả năng tự sản xuất và tự tiêu thụ.
Ông Vũ Huy Đông, đại diện Công ty Cổ phần Năng lượng ADE nhấn mạnh vai trò quan trọng của các khu công nghiệp trong việc tiêu thụ điện năng quốc gia, khi khu vực này chiếm hơn 50% tổng sản lượng điện của ngành sản xuất và đồng thời là khu vực phát thải lớn. Trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu chủ lực như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc ngày càng chú trọng đến tiêu chuẩn môi trường, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp buộc phải xây dựng chiến lược giảm phát thải carbon, trong đó năng lượng tái tạo đóng vai trò then chốt.
Ông Nguyễn Ngọc Trung - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế ngành, Ban Chính sách, chiến lược Trung ương chỉ rõ những lợi ích thiết thực mà điện mặt trời áp mái mang lại. Doanh nghiệp có thể tận dụng mái nhà sẵn có để sản xuất điện, giúp giảm chi phí điện năng dài hạn, nâng cao giá trị môi trường và uy tín thương hiệu. Đối với hệ thống điện quốc gia, điện mặt trời áp mái góp phần giảm áp lực lên lưới điện, bổ trợ và ổn định nguồn cung, đảm bảo an ninh năng lượng, đặc biệt khi nguồn điện mặt trời phát mạnh vào ban ngày, trùng với giờ cao điểm sản xuất.
Chuyên gia năng lượng Phan Công Tiến - Viện nghiên cứu Ứng dụng Năng lượng thông minh (iSEAR) nhận định, các Nghị định 57 và 58 đã tạo ra bước ngoặt quan trọng, thúc đẩy các mô hình năng lượng linh hoạt. Doanh nghiệp không chỉ có thể lắp đặt điện mặt trời áp mái tại chỗ phục vụ nhu cầu nội bộ mà còn được phép mua bán điện tái tạo trực tiếp từ các dự án ở xa thông qua cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA).
Gỡ khó điện mặt trời áp mái
Dù sở hữu tiềm năng to lớn và được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng vào mục tiêu xanh hóa, việc triển khai điện mặt trời áp mái tại các khu công nghiệp đang vấp phải không ít thách thức. Theo ông Nguyễn Ngọc Trung, nút thắt lớn nhất nằm ở hành lang pháp lý thiếu đồng bộ. Sự chồng chéo, thiếu rõ ràng trong các quy định về đăng ký, đấu nối và vận hành đang đẩy nhiều dự án vào thế đình trệ, gây khó khăn không nhỏ cho các doanh nghiệp.
Gánh nặng chi phí đầu tư ban đầu cũng là một rào cản đáng kể, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật yếu kém tại nhiều khu công nghiệp, với lưới điện chưa đáp ứng và thiếu thiết bị hiện đại, đang làm dấy lên những lo ngại về an toàn và khả năng hòa lưới.
Một yếu tố khác không thể bỏ qua là nhận thức và kỹ năng hạn chế về năng lượng xanh ở một bộ phận doanh nghiệp, khiến họ còn e dè trong việc tiếp cận và đầu tư vào lĩnh vực này.
Về vướng mắc Nghị định 57 quy định chỉ cho phép đơn vị bán lẻ cụm mua điện qua lưới quốc gia (từ 10MW trở lên), cấm mua bán trực tiếp hoặc mua điện dư từ các doanh nghiệp tự sản tự tiêu trong khu công nghiệp. Điều này gây lãng phí nguồn lực, cản trở khu công nghiệp xanh hóa và tự chủ năng lượng.
Ông Phan Công Tiến kiến nghị mở rộng cho phép mua bán điện trực tiếp hoặc lắp đặt điện mặt trời bán lại trong khu công nghiệp để tận dụng mái nhà xưởng.
Đối với vướng mắc Nghị định 58, nhiều doanh nghiệp khách hàng trong mô hình bán lẻ cụm khu vẫn gặp khó trong việc triển khai lắp đặt điện mặt trời với mục đích tự sản tự tiêu. Nguyên nhân là do khách hàng sản xuất không đạt được sự thống nhất với đơn vị quản lý khu công nghiệp, mặc dù Nghị định đã quy định rõ việc cần tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng lắp đặt hệ thống điện mặt trời theo hình thức tự sản tự tiêu.
Ông Phan Công Tiến kiến nghị cơ quan chức năng cần có quy định và hướng dẫn cụ thể hơn để các bên tham gia như được chia sẻ kinh phí cho đơn vị đã đầu tư lưới điện theo giá trị tài sản đã khấu hao hoặc các qui định cụ thể khác tạo điều kiện ưu tiên cho khách hàng sản xuất được lắp điện mặt trời.
Để thúc đẩy điện mặt trời áp mái tại khu công nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Trung kiến nghị các bộ, ngành cần sớm ban hành hướng dẫn chi tiết Nghị định 57/2025/NĐ-CP và 58/2025/NĐ-CP, đặc biệt về mô hình tự sản tự tiêu (quy định về công suất bán dư, mua bán nội bộ, thủ tục đấu nối). Khung pháp lý rõ ràng sẽ tạo niềm tin cho doanh nghiệp đầu tư dài hạn.
Nhà nước nên xem xét ưu đãi thuế, tín dụng xanh (miễn giảm thuế nhập khẩu thiết bị, khấu hao nhanh, quỹ tín dụng xanh) và khuyến khích mô hình ESCO để giảm gánh nặng vốn ban đầu.
Chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp cần nâng cấp lưới điện, lắp đặt thiết bị thông minh, đảm bảo khả năng tiếp nhận điện tái tạo, xây dựng cơ chế vận hành linh hoạt và an toàn.