Khơi thông 'huyết mạch', tạo đà cho nền kinh tế bứt phá

Giao thông được ví như “huyết mạch” của nền kinh tế; “huyết mạch” được khơi thông sẽ tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế bứt phá. Xác định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của giao thông trong phát triển KT – XH, đảm bảo QP – AN, tỉnh ta đã thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, có tính kết nối cao, có thứ tự ưu tiên trọng tâm, trọng điểm.

Giai đoạn 2015 – 2020, toàn tỉnh huy động được hơn 8.600 tỷ đồng để đầu tư, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa trên 650 km đường quốc lộ và đường tỉnh, 320 km đường huyện, gần 100 km đường đô thị và đường nội bộ khu công nghiệp, khu du lịch; xây dựng hơn 2.600 cầu, cống các loại. Cùng đó, các địa phương trong tỉnh đã thực hiện cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới gần 1.800 km đường giao thông nông thôn. Các tuyến đường, cây cầu được xây mới, cải tạo, nâng cấp theo quy mô, tiêu chuẩn tiên tiến, đảm bảo chất lượng đã mở ra những cơ hội phát triển mới, rút ngắn khoảng cách vùng miền, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy KT – XH phát triển.

Giao thông thông suốt góp phần thúc đẩy lĩnh vực du lịch phát triển.

Giao thông thông suốt góp phần thúc đẩy lĩnh vực du lịch phát triển.

Phát huy kết quả đạt được, giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh tiếp tục thực hiện ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, mạng lưới giao thông đảm bảo phù hợp với quy hoạch, chiến lược về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông quốc gia và quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Điều này được thể hiện rõ trong Nghị quyết 22 năm 2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2021 – 2025 và đến năm 2030. Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch; đầu tư phát triển nhanh mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, bền vững, hiệu quả; huy động tốt các nguồn lực, lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia hiệu quả, đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông hiện đại theo quy hoạch lâu dài; đồng thời thực hiện tốt công tác quản lý, bảo trì, nâng cấp, đảm bảo an toàn giao thông.

Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 22 của BCH Đảng bộ tỉnh về đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, hàng chục dự án, công trình giao thông đã được triển khai đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp. Có thể điểm danh một số dự án tiêu biểu như: Dự án đầu tư nâng cấp Quốc lộ 279 (đoạn thị trấn Việt Quang, Bắc Quang – Nghĩa Đô, Lào Cai) đạt tiêu chuẩn đường cấp IV; Dự án đầu tư nâng cấp các tuyến đường tỉnh ĐT.176, ĐT.176B, ĐT.177, ĐT.178, ĐT.183 thuộc địa phận các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Xín Mần, Bắc Mê, Yên Minh, Mèo Vạc; Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường liên xã từ Km160+500, Quốc lộ 4C, xã Pả Vi đi xã Xín Cái (Mèo Vạc).

Tuyến đường bê tông nông thôn xã Sủng Máng (Mèo Vạc) được hoàn thành theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”.

Tuyến đường bê tông nông thôn xã Sủng Máng (Mèo Vạc) được hoàn thành theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”.

Đặc biệt, cuối tháng 5.2023, Dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang kết nối với cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ, đoạn tuyến qua tỉnh Hà Giang (giai đoạn 1) chính thức được bấm nút khởi công. Việc triển khai dự án nhằm tạo hành lang phát triển kinh tế các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc đến Hà Giang; đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tải hàng hóa; giải quyết điểm nghẽn về giao thông liên kết vùng và nội vùng. Ngay sau khi Dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang được khởi công, tỉnh đặc biệt quan tâm đến tiến độ triển khai và có nhiều giải pháp quyết liệt chỉ đạo các cấp, ngành, chủ đầu tư đôn đốc các nhà thầu tập trung nhân lực, vật lực, máy móc thiết bị tăng ca, tăng kíp triển khai tổ chức thi công với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa” để đẩy nhanh tiến độ thi công trình trình. Phấn đấu hoàn thành vượt tiến độ đề ra, dự kiến hoàn thành dự án trước ngày 19.5.2025. Đến nay, khối lượng dự án thực hiện đạt 16,5%, trong đó nền đường đạt trên 43%, hầm chui dân sinh đạt hơn 62%, hệ thống thoát nước đạt 62%; đã chi trả cho 763/763 cá nhân, hộ, tổ chức bị ảnh hưởng; mặt bằng sạch được bàn giao cho nhà thầu đạt 100%.

Song song với tập trung nguồn lực đầu tư các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, tỉnh quan tâm đầu tư phát triển hệ thống đường giao thông nông thôn kết hợp với các chương trình mục tiêu quốc gia. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã triển khai được 24 đầu điểm công trình giao thông đường huyện với tổng chiều dài trên 375 km, trong đó đã có hơn 80 km hoàn thành và cứng hóa được gần 1.000 km đường trục xã, thôn, đường nội đồng. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn và hơn 86% thôn, bản trên địa bàn tỉnh đã có đường xe cơ giới đến trung tâm.

Để tiếp tục thực hiện đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo Nghị quyết 22 năm 2021 của BCH Đảng bộ tỉnh, thời gian tới, tỉnh tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư; ưu tiên nguồn vốn ngân sách, vốn ODA để đầu tư xây dựng, nâng cấp các tuyến đường tỉnh, đường đến cửa khẩu và các tuyến đường huyện quan trọng có tính chất liên kết vùng phát triển kinh tế; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ xi măng để thực hiện cứng hóa đường giao thông nông thôn theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” gắn với Chương trình xây dựng Nông thôn mới. Cùng đó, tỉnh chỉ đạo ngành chức năng, các huyện, thành phố, chủ đầu tư tập trung thực hiện tốt trách nhiệm, thẩm quyền trong công tác giải phóng mặt bằng, quản lý hành lang giao thông; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông.

Với những bước đi này của tỉnh sẽ tiếp tục góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh. Giao thông thông suốt sẽ tạo động lực cho KT – XH phát triển, đời sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Bài, ảnh: TRẦN KẾ

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202404/khoi-thong-huyet-mach-tao-da-cho-nen-kinh-te-but-pha-2c802f0/