Khơi thông những nguồn lực hiện có để đạt mục tiêu tăng trưởng cao

Theo ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 ở mức cận trên từ 6,5 - 7% thể hiện quyết tâm rất cao của Chính phủ. Để đạt được mục tiêu này, trước hết cần phải quyết tâm tháo gỡ, khơi thông các nguồn lực, cơ hội hiện có, đi cùng với nỗ lực cải cách thể chế.

Cả nước hiện có 938.475 doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh (tính đến ngày 19/7/2024). Ảnh tư liệu.

Cả nước hiện có 938.475 doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh (tính đến ngày 19/7/2024). Ảnh tư liệu.

PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về kết quả tăng trưởng kinh tế nước ta qua những tháng đầu năm 2024?

Ông Phan Đức Hiếu: Qua các số liệu đã được công bố, chúng ta thấy ở hầu hết các lĩnh vực có sự tăng trưởng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nếu nhìn sâu vào các con số thì phải nói, ngoài những ngành thực sự tăng trưởng thì còn một số lĩnh vực dừng lại ở việc bắt đầu có dấu hiệu phục hồi và khó khăn đang giảm bớt, chẳng hạn như du lịch, dịch vụ… Hay ngành sản xuất, chế biến chế tạo trong năm 2023 có một số lĩnh vực rất khó khăn, thì năm nay có tăng trưởng cao, như chế biến gỗ, giày da….

Đáng chú ý, số liệu về đăng ký doanh nghiệp có tín hiệu tích cực mà tôi hy vọng sẽ tiếp tục được phát huy. Cùng với đó, tình hình thu hút đầu tư từ FDI cũng rất khả quan. Đây là những điểm nhấn nổi bật của tình hình những tháng đầu năm.

Những kết quả mà chúng ta đạt được vừa qua đang bám rất sát với định hướng điều hành kinh tế năm nay là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

PV: Từ những kết quả này, một số tổ chức quốc tế đã nâng dự báo về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Chính phủ cũng đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở ngưỡng cận trên 6,5 – 7% trong năm nay. Ông nhận định thế nào về mục tiêu này và đâu là những thách thức đặt ra?

Ông Phan Đức Hiếu:

Những dự báo tích cực của các tổ chức quốc tế là có cơ sở. Còn với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% - 7%, chúng ta phải nhìn nhận rõ đây không phải là dự báo mang tính chất khoa học, mà là kịch bản điều hành của Chính phủ.

Điều này thể hiện quyết tâm rất cao của Chính phủ khi chọn kịch bản điều hành ở ngưỡng cao. Từ kịch bản điều hành này, Chính phủ có các giải pháp với liều lượng, mức độ cụ thể cho những tháng cuối năm.

Cơ sở để chọn kịch bản điều hành cao thì như các số liệu đã cho thấy khá rõ ràng, xu hướng chung là nhiều ngành đã phục hồi, khó khăn giảm bớt và tăng trưởng đã trở lại. Chỉ số PMI của tháng 7 đạt 54,7, là một chỉ báo rất quan trọng về sự phục hồi.

Tuy nhiên, mức tăng trưởng cao này là có điều kiện chứ không phải tự nhiên mà có được. Cùng với việc đặt mục tiêu cao, Chính phủ đã chỉ ra những thách thức, khó khăn và tôi cho rằng, việc nhận diện rõ được những thách thức là điều kiện trước tiên để vượt qua các thách thức đấy một cách hiệu quả.

Do đó, tôi muốn nhấn mạnh một số thách thức của chúng ta trong đạt chỉ tiêu tăng trưởng cao. Trước hết, đó là dù bức tranh chung đang là phục hồi, tăng trưởng nhưng chưa đồng đều. Một bộ phận doanh nghiệp có thể đang tốt nhưng còn những doanh nghiệp vẫn rất khó khăn. Nhìn vào tốc độ tăng giảm chỉ số sản xuất công nghiệp ở các địa phương thì thấy, có những địa phương tăng cao, nhưng có những địa phương được kỳ vọng có động lực tăng trưởng mới thì rất kém. Đây là hai bức tranh trái ngược.

Kết quả khảo sát các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, chế tạo cho thấy, khó khăn có giảm đi, doanh nghiệp lạc quan hơn, nhưng kỳ thực sự thay đổi của các tỷ lệ này không nhiều so với cùng kỳ năm 2023. Khi các đơn hàng phục hồi, các khó khăn về tuyển dụng lao động, nguyên liệu đầu vào lại tăng hơn.

Bên cạnh đó, là những khó khăn của thị trường bất động sản, trái phiếu, những vướng mắc về các quy định như quy định phòng cháy, chữa cháy… Dù chúng ta đã rất nỗ lực, đưa ra nhiều giải pháp nhưng tôi cho rằng, chưa đáp ứng được kỳ vọng. Đây là những thách thức không mới, nhưng nếu không được kiểm soát, tháo gỡ mà để kéo dài thì sẽ là những rủi ro lớn cho quá trình tăng trưởng.

PV: Để đạt được các mục tiêu đề ra, Chính phủ đã nêu rõ 10 nhóm giải pháp trọng tâm, trong đó có giải pháp tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới. Theo ông, cần làm gì để làm mới các động lực truyền thống, khi mà cả 3 lĩnh vực này dường như mới chỉ bước đầu vượt qua khó khăn?

Ông Phan Đức Hiếu: Đối với việc làm mới các động lực, hai vấn đề tôi muốn nhấn mạnh là khơi thông các nguồn lực hiện có đi cùng với cải cách thể chế.

Chưa nói đến các nguồn lực mới, chúng ta trước hết phải tận dụng hiệu quả các nguồn lực và cơ hội đang có. Cụ thể như với đầu tư công, dù hiện nay đã trở về quỹ đạo bình thường sau thời gian “tăng tốc” với Nghị quyết 43 thì việc thực hiện đúng tiến độ, đúng mục tiêu cũng chính là khơi thông và tận dụng hiệu quả nguồn lực.

Bên cạnh đó, hiện có rất nhiều dự án dở dang bởi vướng mắc ở nhiều vấn đề khác nhau, nhất là trong lĩnh vực bất động sản. Nếu quyết tâm tháo gỡ để các dự án này sớm đi vào vận hành thì sẽ giải phóng được nguồn lực rất lớn. Mặc dù giải pháp đã được đưa ra nhiều nhưng tôi cho rằng, phải quyết tâm thực thi hơn nữa.

Hay như Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội, nếu thực hiện được thì sẽ giải quyết được rất nhiều mục tiêu, từ phát triển kinh tế đến an sinh xã hội. Chương trình, giải pháp đã có nhưng việc thực hiện chưa đạt kết quả như kỳ vọng. Đó là những cơ hội mà chúng ta chưa tận dụng hiệu quả.

Về cải cách thể chế, Thủ tướng đã có rất nhiều chỉ đạo quyết liệt về kiểm soát thủ tục hành chính, trong đó Thủ tướng nhấn mạnh về kiểm soát chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ pháp luật. Điều này nếu gỡ được thì sẽ tạo được động lực rất lớn.

Ví dụ như gần đây các hiệp hội giấy, hiệp hội thép cho biết hiện có nhiều quy định chưa phù hợp, làm gia tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp, như quy định về đào tạo, ký quỹ, giấy phép nhập khẩu… Nếu các nội dung này được rà soát và bãi bỏ những chi phí không hợp lý thì đó chính là khơi thông nguồn lực, phát huy động lực.

PV: Xin cảm ơn ông!

Số doanh nghiệp đăng ký mới trong 7 tháng tiếp tục duy trì đà tăng

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tháng 7/2024 có 14,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 110.408 tỷ đồng, tăng 7,3% về số doanh nghiệp và giảm 13% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2023. Cũng trong tháng 7, cả nước ghi nhận hơn 8,2 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Sự gia tăng của cả số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 7/2024 đã giúp bình quân số doanh nghiệp của hai loại hình doanh nghiệp này trong 7 tháng đầu năm ở mức 19,9 nghìn doanh nghiệp/tháng, tương đương bình quân 6 tháng.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/khoi-thong-nhung-nguon-luc-hien-co-de-dat-muc-tieu-tang-truong-cao-156575-156575.html