Khơi thông nội lực, tiếp sức công nghiệp nông thôn An Giang

Với quyết tâm cao trong tổ chức thực hiện Chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2021–2025, tỉnh An Giang đã huy động hiệu quả các nguồn lực, hỗ trợ thiết thực cho các cơ sở công nghiệp nông thôn, góp phần tái cơ cấu nền kinh tế và phát triển sản xuất bền vững.

Chung sức đưa chính sách đi vào cuộc sống

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1881/QĐ-TTg ngày 20/11/2020 phê duyệt Chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2021-2025, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh An Giang đã chỉ đạo ngành chức năng hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý, ban hành Quyết định số 2080/QĐ-UBND ngày 18/8/2022 về chương trình khuyến công địa phương và triển khai đồng bộ các hoạt động thực hiện chương trình.

 Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp An Giang tổ chức tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ khuyến công trên địa bàn tỉnh

Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp An Giang tổ chức tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ khuyến công trên địa bàn tỉnh

Vượt qua giai đoạn cao điểm dịch bệnh COVID-19, tỉnh nhanh chóng phục hồi và hướng đến đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh công nghiệp hóa nông thôn. UBND tỉnh phối hợp chặt chẽ với Cục Công Thương địa phương (cũ) tổ chức tập huấn, quán triệt chính sách đến tận cấp xã, phường. Đặc biệt, công tác truyền thông được chú trọng nhằm nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận trong nhân dân và doanh nghiệp.

Một điểm nhấn đáng chú ý là sự phối hợp nhịp nhàng giữa Sở Công Thương với các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… trong quá trình triển khai các hoạt động khuyến công, giúp chính sách đi sâu, đi sát thực tiễn đời sống sản xuất ở cơ sở.

Hỗ trợ thực chất thúc đẩy sản xuất xanh, hiện đại

Trong giai đoạn 2021–2025, tổng kinh phí thực hiện Chương trình khuyến công trên địa bàn tỉnh đạt 34.387 triệu đồng, trong đó vốn từ ngân sách Trung ương và địa phương là 17.935 triệu đồng, phần còn lại là đối ứng của các cơ sở sản xuất.

Từ nguồn lực này, An Giang đã hỗ trợ 62 cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 14 tỷ đồng, thu hút đầu tư xã hội lên tới 31.748 triệu đồng.

Tỉnh cũng tổ chức 12 cuộc hội chợ triển lãm trong nước, quảng bá sản phẩm cho 205 lượt cơ sở; tổ chức 02 cuộc bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, chấm chọn 33 sản phẩm đạt chuẩn cấp tỉnh, 08 sản phẩm cấp khu vực và 03 sản phẩm cấp quốc gia. Đặc biệt, thông qua liên kết vùng, hạ tầng các cụm công nghiệp được nâng cấp đồng bộ, tạo nền tảng thu hút đầu tư.

Nghiệm thu “Ứng dụng máy móc, thiết bị vào quy trình sản xuất sản phẩm sa tế”

Nghiệm thu “Ứng dụng máy móc, thiết bị vào quy trình sản xuất sản phẩm sa tế”

Hoạt động hỗ trợ phát triển thương hiệu và xúc tiến thị trường được triển khai bài bản. Tỉnh đã thiết kế, in ấn hàng loạt bộ tờ rơi giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, xây dựng 18 website quảng bá và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Ngoài ra, An Giang còn hợp tác với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số để hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động chuyển đổi số.

Về phát triển nhân lực, tỉnh đã tổ chức lớp tập huấn cho 150 lượt cán bộ khuyến công, thực hiện hơn 100 lượt khảo sát, kiểm tra giám sát thực địa. Mỗi xã, phường đều có cộng tác viên khuyến công, hình thành mạng lưới hỗ trợ rộng khắp.

Hướng đến chuyển đổi xanh và công nghiệp thông minh

Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, tỉnh An Giang xác định rõ quan điểm triển khai giai đoạn 2026 - 2030 và định hướng đến năm 2045 là: “Phát triển khoa học, công nghệ làm động lực, chuyển đổi xanh làm trung tâm, chuyển đổi số làm đòn bẩy phát triển công nghiệp nông thôn bền vững”.

Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 có 100 cơ sở được hỗ trợ đổi mới công nghệ, 50 sản phẩm đạt tiêu biểu cấp tỉnh, 20 cấp khu vực và 10 cấp quốc gia; đồng thời phát triển ít nhất 02 mô hình trình diễn kỹ thuật ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất sạch hơn.

Sản phẩm xoài cát Hòa Lộc sấy dẻo của Công ty TNHH MTV Vườn Bà Ba đạt chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia năm 2023 tham dự Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tại Hà Nội.

Sản phẩm xoài cát Hòa Lộc sấy dẻo của Công ty TNHH MTV Vườn Bà Ba đạt chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia năm 2023 tham dự Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tại Hà Nội.

Theo định hướng, các hoạt động khuyến công trong thời gian tới sẽ tập trung vào: Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng IoT, AI, dữ liệu lớn trong sản xuất; Thúc đẩy thương mại điện tử, kết nối cung - cầu; Tổ chức hội chợ, hội thảo xúc tiến thương mại quốc tế; Xây dựng các cụm công nghiệp thông minh và hệ thống xử lý môi trường đạt chuẩn.

Tỉnh An Giang kiến nghị Bộ Công Thương và Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định 45/2012/NĐ-CP để mở rộng đối tượng và nội dung hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất thực hiện chuyển đổi xanh và đổi mới sáng tạo. UBND tỉnh cũng đề xuất được ưu tiên mức chi cao hơn cho các đề án ứng dụng công nghệ vào sản xuất, để khuyến khích mạnh mẽ hơn nữa sự tham gia từ khu vực kinh tế tư nhân.

“Tỉnh An Giang cam kết tiếp tục đồng hành cùng các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, coi đây là động lực quan trọng để thực hiện thắng lợi chương trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn”, báo cáo nhấn mạnh.

Hà My

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/khoi-thong-noi-luc--tiep-suc-cong-nghiep-nong-thon-an-giang-142877.htm